Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn được giới hội họa biết đến với tư duy làm mới dòng tranh lụa. Ảnh: NVCC |
Từ bụi phấn đến ánh lụa
Trước khi trở thành tên tuổi được nhắc đến với dòng tranh lụa, Bùi Tiến Tuấn từng là giảng viên Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Những năm tháng đứng lớp giúp anh kiên trì tìm hiểu và có cái nhìn sâu hơn vào lịch sử mỹ thuật Việt Nam, đặc biệt là dòng tranh lụa truyền thống, một chất liệu từng được tôn vinh nhưng cũng có quãng thời gian mờ nhạt trước làn sóng hội họa hiện đại.
Điều dễ nhận ra trong tranh Bùi Tiến Tuấn là hình ảnh người phụ nữ thời trang, tân kỳ và có đôi phần táo bạo. Nói về tác phẩm “Đàn bà, mặt nạ và bóng tối” đoạt Huy chương Bạc (không có Huy chương Vàng) tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2010, anh cho hay đó là cột mốc khẳng định dấu ấn cá nhân trong giới mỹ thuật và cũng là lời nhắc cho bản thân rằng tranh lụa vẫn được yêu thích. “Tôi không cố gắng hiện đại hóa tranh lụa, chỉ muốn đưa nó về gần hơn nhịp sống hôm nay, nơi người phụ nữ không bị đóng khung trong sự e dè, mà có thể chủ động thể hiện bản sắc, nội tâm và cả những khía cạnh phức tạp của chính mình”, tác giả chia sẻ.
Rất nhiều tranh lụa đề tài phụ nữ được họa sĩ đưa vào triển lãm cá nhân “Bùi Tiến Tuấn - Một hành trình” diễn ra mới đây tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nhà giám tuyển Lý Đợi nhận định, phụ nữ trong tranh Bùi Tiến Tuấn thường không có dấu vết của nông thôn và nông nghiệp, mà thường là dân thị thành, chuộng thời trang, đôi khi hơi phù phiếm, thụ hưởng. Họ yêu mến và đề cao bản thân, tự lập trong suy nghĩ và hành vi của mình. Vì tự lập nên nỗi niềm, sự hân hoan, thậm chí sự cô đơn của họ cũng rất khác với những người phụ nữ lao động, tảo tần vì cuộc sống. Vì vậy mà bảng màu tranh lụa của tác giả cũng phá cách hơn.
Cũng theo Lý Đợi, dòng tranh lụa của Bùi Tiến Tuấn khá giống họa sĩ Nguyễn Phan Chánh (1892-1984) ở khía cạnh tạo thân phận cho các nhân vật đời thường. Những phụ nữ của cả hai như chiếm trọn không gian của bức tranh, đôi khi lấn lướt, thay thế mọi sự vật. Nếu so với cấu trúc phổ biến kiểu thiên-địa-nhân của một bức tranh lụa truyền thống thì Bùi Tiến Tuấn chỉ lấy nhân làm trung tâm, đôi khi không cần thiên hoặc địa.
Tròn ba thập kỷ theo đuổi dòng tranh lụa, người họa sĩ xứ Quảng thể hiện bản ngã của một cá nhân có góc cạnh trong góc nhìn nhân sinh quan. Bởi anh không theo đuổi vẻ đẹp truyền thống một cách rập khuôn, cũng không “phơi bày” cơ thể phụ nữ mà thay vào đó dùng màu sắc cộng sự đối lập sáng - tối để phản ánh những khát khao, giằng xé và cả sự tự do lựa chọn. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi nhận định đa phần tác phẩm khỏa thân của Bùi Tiến Tuấn vừa gợi cảm, vừa tôn vinh thân thể người phụ nữ trong không gian “sắc - không” của vũ trụ. Đó là những nét vẽ không bó mình trong những chuẩn mực cũ, mà mang đậm chất đương đại, kể cả trong cách thể hiện bố cục, chất liệu lẫn tinh thần tác phẩm. Trên nền lụa truyền thống, anh thử nghiệm cách lên màu, phối ánh sáng theo hướng mới.
Những lớp màu mỏng, trong suốt được chồng lên nhau tạo nên chiều sâu thị giác, như thể mỗi bức tranh đều có nhịp thở riêng, với sự chuyển động tinh tế của cảm xúc và thời gian.
Tròn ba thập kỷ theo đuổi dòng tranh lụa, người họa sĩ xứ Quảng thể hiện bản ngã của một cá nhân có góc cạnh trong góc nhìn nhân sinh quan. Đối với anh, mỗi bức tranh là một hành trình, mỗi lớp màu là một lần thăm dò cảm xúc. Anh không theo đuổi vẻ đẹp truyền thống một cách rập khuôn, cũng không “phơi bày” cơ thể phụ nữ mà thay vào đó dùng màu sắc cộng sự đối lập sáng - tối để phản ánh những khát khao, giằng xé và cả sự tự do lựa chọn. |
Thoát khỏi “vỏ kén” an toàn
Nét đặc biệt trong tranh lụa của anh còn nằm ở việc kết hợp giữa kỹ thuật thủ công và tinh thần đương đại. Tự nhận bản thân không né tránh đề tài gai góc hay những biểu tượng của cuộc sống thành thị, Bùi Tiến Tuấn liên tục thử nghiệm các cách biểu đạt mới trên nền lụa truyền thống. Những đường nét phóng khoáng, mảng màu thời thượng, bố cục phá cách… trên chất liệu mong manh, mềm mại đều cho thấy nỗ lực “thoát kén” của người nghệ sĩ không ngừng vận động, đổi mới chính mình.
Đặc biệt trong các loạt tranh gần đây, anh cho thấy sự quan tâm nhiều hơn đến hơi thở đô thị hiện đại, nơi ánh đèn neon, những mặt người sau lớp trang điểm dày hay những hình nhân đường phố ẩn hiện trong đa dạng chất liệu lụa, sơn dầu, giấy dó hay acrylic…
Họa sĩ Lương Lưu Biên nhận định tranh Bùi Tiến Tuấn có lối tạo hình sang trọng, lả lơi, phù phiếm. Những form dáng được cách điệu, chắt lọc đơn giản mà gợi cảm, cộng bố cục mới lạ, độc đáo mang đến sự cân bằng cho tác phẩm. Bên cạnh đó, điều khiến tranh lụa của anh khác biệt chính là cách kết hợp giữa kỹ thuật truyền thống với tư duy tạo hình hiện đại. Anh không rập khuôn theo phong cách cũ, mà luôn tìm kiếm một lối đi mới cho lụa. Từ lựa chọn khung hình, phối màu đến xử lý ánh sáng, tất cả đều cho thấy sự tính toán kỹ lưỡng và cảm quan nhạy bén.
Chừng đó năm gắn bó với nghiệp vẽ, Bùi Tiến Tuấn đã có một chỗ đứng vững chãi để tiếp tục những thử nghiệm mới với dòng tranh lụa. Đối với anh, mỗi bức tranh là một hành trình, mỗi lớp màu là một lần thăm dò cảm xúc. Gần đây, anh thường xuyên tổ chức các buổi trò chuyện, hướng dẫn cho sinh viên và người trẻ yêu hội họa tiếp cận dòng tranh lụa. Bởi anh tin rằng, chỉ khi lớp trẻ hiểu và yêu, thì tranh lụa mới có thể tồn tại một cách tự nhiên và bền vững.
HUỲNH LÊ
Nguồn: https://baodanang.vn/channel/5433/202504/hanh-trinh-30-nam-cung-lua-4003532/
Bình luận (0)