Nữ tướng Nguyễn Thị Định (Ảnh tư liệu)
Hội thảo khoa học “Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Định” sẽ được tổ chức vào ngày 15.3, tại Hội trường lớn UBND tỉnh Bến Tre.
Người đặt nền móng cho cuộc đồng khởi Bến Tre và chiến lược 'ba mũi giáp công'
Nguyễn Thị Định, sinh ngày 15.3.1920, là con út trong một gia đình nông dân nghèo, nhưng giàu lòng yêu nước, tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.
Lớn lên, cô gái Út Định trở thành một thiếu nữ xinh đẹp. Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước lâm nguy, cô đã sớm nhận thức được tình hình và quyết định tham gia cách mạng, bắt đầu từ phong trào Đông Dương Đại hội năm 1936.
Hai năm sau, tháng 10.1938, bà gia nhập Đảng Cộng sản. Cùng thời gian này, bà xây dựng gia đình với Nguyễn Văn Bích (Ba Bích), một Tỉnh ủy viên hoạt động công khai. Trong kháng chiến, bà lấy tên Ba Định, ngoài ra còn có các bí danh như Bích Vân, Ba Tấn, Ba Nhất, Ba Hận.
Ngày 4.10.1939, khi đứa con trai của bà mới được 3 ngày tuổi, mật thám bắt chồng bà. Sau lần thăm chồng trong tù, bà không còn gặp lại ông, vì ông bị đày ra Côn Đảo.
Năm 1940, bà và đứa con nhỏ lại bị mật thám bắt, đưa về Khám Lá Bến Tre và buộc phải gửi con về nhà trước khi bị đày vào nhà tù Bà Rá.
Nữ tướng Nguyễn Thị Định với các nữ đại biểu dự Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua miền Nam lần thứ II (tháng 9.1967). Nguồn: Báo Đắk Lắk điện tử
Tại đây, bà nhận được tin chồng hy sinh ở Côn Đảo. Dù đau đớn, bà vẫn vững vàng tiếp tục con đường cách mạng nhờ những lời chồng dặn dò: “Dấn thân vào con đường cách mạng là phải chịu gian khổ, hy sinh”.
Năm 1944, bà bắt liên lạc với Đảng và trong khí thế Cách mạng Tháng Tám, bà đã dẫn đầu hàng ngàn quần chúng cướp chính quyền tại tỉnh lỵ Bến Tre.
Khi Pháp quay lại chiếm Nam Bộ, bà được bầu vào Ban Chấp hành Phụ nữ cứu quốc tỉnh. Tháng 3.1946, bà được cử tham gia đoàn vượt biển từ huyện Thạnh Phú ra miền Bắc để báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình hình chiến trường và xin viện trợ vũ khí.
Sau đó, bà trở thành trưởng đoàn vận chuyển 12 tấn vũ khí từ Bắc vào Nam, mở đầu cho con đường “Đường Hồ Chí Minh trên biển”.
Về lại Bến Tre, năm 1947, bà được bầu vào Tỉnh ủy. Năm 1948, bà trở thành Đoàn trưởng Phụ nữ cứu quốc tỉnh, Ủy viên Mặt trận Liên Việt tỉnh.
Năm 1951, trong giai đoạn khó khăn nhất của tỉnh, bà được điều động làm Phó Bí thư, rồi Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày, lãnh đạo khôi phục phong trào cách mạng. Có thời điểm, bà phải rời địa bàn để tránh sự truy quét của địch. Năm 1952, bà là Đoàn trưởng Phụ nữ cứu quốc tỉnh Bến Tre.
Sau Hiệp định Genève, bà tiếp tục công tác trong điều kiện bí mật, chịu nhiều gian khổ và hiểm nguy. Nhờ sự giúp đỡ của nhân dân, bà luôn được bảo vệ an toàn.
Cuối năm 1959, với cương vị Phó Bí thư Tỉnh ủy, bà được cử đi tiếp thu Nghị quyết số 15 và về Bến Tre truyền đạt lại cho Tỉnh ủy. Chính bà là người đã gọi cuộc nổi dậy khởi nghĩa tại Bến Tre bằng khái niệm “Đồng khởi” và trực tiếp chỉ đạo cuộc “Đồng khởi” đợt 1, nổ ra ngày 17.1.1960.
Sự kiện này đã tạo ra đội quân tóc dài huyền thoại, với chiến lược “ba mũi giáp công” kết hợp chính trị, vũ trang và binh vận. Cách đánh sáng tạo này của chiến tranh nhân dân đã nhanh chóng lan tỏa khắp miền Nam, góp phần làm thất bại chiến lược chiến tranh của Mỹ - ngụy, cho đến khi miền Nam được giải phóng vào ngày 30.4.1975.
Nữ tướng anh hùng và di sản cách mạng
Sau chiến thắng vang dội của cuộc Đồng khởi, Nguyễn Thị Định được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre vào tháng 4.1960. Bà tiếp tục đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng, bao gồm Khu ủy viên Khu 8, phụ trách dân vận kiêm Bí thư đảng đoàn Phụ nữ Khu 8 vào năm 1961.
Năm 1965, bà được bầu làm Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam và nhận nhiệm vụ Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, tham gia chỉ đạo phong trào chiến tranh du kích. Đến năm 1974, bà được phong quân hàm Thiếu tướng, trở thành một trong những nữ tướng đầu tiên của quân đội ta.
Nữ tướng Nguyễn Thị Định và vị lãnh tụ nước Cộng hòa Cuba Fidel Castro. Nguồn: Báo Phụ nữ TP.HCM
Trong suốt giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, bà có những đóng góp quan trọng cho thắng lợi của quân và dân ta, đặc biệt là trong vai trò Phó Tổng tư lệnh Quân giải phóng.
Bà trực tiếp chỉ đạo chiến dịch giải phóng Sài Gòn vào mùa xuân 1975, góp phần quan trọng trong việc giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước.
Sau ngày đất nước thống nhất, bà tiếp tục đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng như Thứ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (12.1976), bà được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Từ đó, đồng chí Nguyễn Thị Định giữ nhiều chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước như: Ủy viên Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI. Bà cũng là Đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII và Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vào năm 1982.
Từ tháng 6.1987 - 3.1992, bà giữ chức Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Ngoài ra, thời gian này, bà còn giữ chức Phó Chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ dân chủ quốc tế, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba,...
Nguyễn Thị Định là người có phẩm chất nhân ái, gần gũi và tận tâm. Bà luôn chăm lo, giúp đỡ đồng đội, chiến sĩ và nhân dân, đặc biệt là những đồng chí, bạn bè trong thời kỳ kháng chiến.
Những lần về lại quê hương Bến Tre, bà đều dành thời gian gặp gỡ, ân cần thăm hỏi và tìm mọi cách giúp đỡ những anh chị em, bạn bè, đồng chí hoạt động kháng chiến cùng thời, cũng như nhân dân trên địa bàn căn cứ cách mạng, từng đùm bọc cưu mang những người kháng chiến trong những năm chiến tranh gian khó.
Có thể nói, cái tên chị Ba, cô Ba, bà Ba đã quen thuộc, thân thương, không chỉ sống mãi trong lòng nhân dân quê hương Bến Tre và cả nước, mà còn vượt ra xa, cả với bạn bè năm châu.
Bà Nguyễn Thị Định mất ngày 26.8.1992, để lại một di sản vĩ đại cho đất nước và nhân dân.
Với nhiều đóng góp lớn cho Tổ quốc, nhân dân, bà được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất và nhiều huân chương cao quý khác. Năm 1968, bà được nhận giải thưởng Hòa bình quốc tế Lênin.
Ngày 30.8.1995, bà được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân,…
Để tri ân công lao của bà, tỉnh Bến Tre đã xây dựng Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định, khánh thành vào ngày 20.12.2003, nâng cấp vào năm 2024 và hoàn thành vào đầu năm 2025.
Ngoài ra, nhiều trường học, con đường tại các địa phương trong cả nước cũng được mang tên bà. Tên tuổi bà còn được ghi nhớ qua giải thưởng Nguyễn Thị Định dành cho cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xuất sắc và học bổng Nguyễn Thị Định do tỉnh Bến Tre tổ chức từ năm 1996 đến nay.
THÙY TRANG
Nguồn: https://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3098/75254/hanh-trinh-cach-mang-va-di-san-vi-djai-cua-nu-tuong-nguyen-thi-djinh.html
Bình luận (0)