Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hành trình thay đổi phương pháp dạy và học

Trong bài viết “Tương lai cho thế hệ vươn mình”, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đặt ra tầm nhìn chiến lược, xây dựng một thế hệ trẻ Việt Nam bản lĩnh, trí tuệ, hội nhập toàn cầu nhưng vẫn giữ bản sắc dân tộc. Lời kêu gọi ấy đã truyền cảm hứng mạnh mẽ, thôi thúc các nhà giáo đổi mới phương pháp dạy và học.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân20/05/2025

Những năm gần đây, mô hình giáo dục khai phóng được không ít cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn như Trường tiểu học và trung học cơ sở Olympia, Trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông Nguyễn Siêu, Trường trung học phổ thông Chu Văn An (Hà Nội)...

Mục tiêu của mô hình này là tạo điều kiện tối đa để học sinh bộc lộ năng khiếu và thiên hướng nghề nghiệp, đầu tư mạnh vào cơ sở vật chất và chương trình dạy học để các em phát triển toàn diện theo hướng chân-thiện-mỹ.

Trường trung học phổ thông Trí Đức (Hà Nội) đã xây dựng mô hình giáo dục nội trú “3 trong 1” độc đáo: Trường học đẳng cấp, xã hội nhỏ văn minh, và đại gia đình đầm ấm.

Thầy Hà Trung Hưng, nguyên giảng viên Trường đại học Sư phạm Hà Nội, người đặt nền móng cho mô hình này cho biết: “Giáo dục không chỉ truyền đạt kiến thức mà hướng đến phát triển trí tuệ, đạo đức, nghị lực”. Tư tưởng “Thành người trước khi thành tài” đã trở thành kim chỉ nam, định hướng cho các thầy, cô giáo đổi mới phương pháp, giúp học sinh rèn luyện năng lực tự học, tư duy phản biện và kỹ năng sống.

Cô Trần Thị Hải Yến, Phó hiệu trưởng kiêm giáo viên môn Sinh tại Trường trung học phổ thông Trí Đức chia sẻ: “Tôi không chỉ truyền đạt kiến thức, mà trở thành người dẫn dắt, giúp học sinh tự khám phá và trưởng thành về nhân cách”. Với mô hình lớp học thảo luận, cô đã dành cả tháng chỉ để hướng dẫn học sinh cách nghiên cứu trước bài học sao cho hiệu quả, biết đặt câu hỏi và ghi chép vào vở tự học. Sau 6 tháng, 85% học sinh của cô đã cải thiện rõ rệt kỹ năng tự học, kỹ năng giao tiếp và định hướng nghề nghiệp rõ ràng hơn.

Em Nguyễn Thùy Linh, học sinh lớp 10 cho biết: “Nhờ mô hình lớp học thảo luận, em không chỉ tự tin hơn mà còn học được cách quản lý cảm xúc, điều em từng rất khó kiểm soát”.

Hành trình khai phóng của các nhà giáo không hề dễ dàng. Cô Yến cho biết, để triển khai mô hình Lớp học thảo luận, các thầy, cô phải chuẩn bị công phu từng tiết học, từ đặt câu hỏi dẫn dắt đến phân tích kỹ thuật giảng dạy. Họ thậm chí phải đóng vai “học sinh” để tư duy và nghiên cứu bài trước, bảo đảm dẫn dắt học sinh đi đúng hướng. Và cũng nhờ đó, chính các nhà giáo trưởng thành, sáng tạo hơn trong vai trò của mình. Họ không còn là người truyền thụ đơn thuần, mà trở thành “nhà thiết kế” trải nghiệm học tập, đồng hành cùng học sinh trên hành trình phát triển toàn diện.

Giáo dục khai phóng là một triết lý giáo dục hướng đến việc đào tạo những con người toàn diện, có khả năng thích ứng với sự thay đổi và học tập suốt đời. Đây không chỉ là một hướng đi đổi mới, mà còn là chiến lược lâu dài. Tuy nhiên, để hành trình này thành công, cần sự đồng bộ từ chính sách, xã hội và chính các nhà giáo.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định: “Giáo dục khai phóng hiệu quả với học sinh có nền tảng tốt, nhưng những học sinh chưa có thói quen tự học cần thời gian thích nghi dài hơn”.

Giáo sư, Tiến sĩ Furuta Motoo, Hiệu trưởng Trường đại học Việt Nhật bổ sung: “Triển khai giáo dục khai phóng ở Việt Nam không đơn giản, nhưng có thể thực hiện bằng cách điều chỉnh mô hình phù hợp với thực tiễn”.

Nhìn từ quốc tế, các mô hình giáo dục khai phóng thành công tại Phần Lan, Singapore, hay Ấn Độ cho thấy cần đầu tư mạnh vào khâu đào tạo giáo viên và điều chỉnh mô hình để phù hợp với bối cảnh địa phương.

Hành trình khai phóng giáo dục, như câu chuyện tại một số nhà trường, đã thử triển khai cho thấy không chỉ thay đổi học sinh mà còn thay đổi chính các nhà giáo. Cô Trần Thị Hải Yến chia sẻ: “Chứng kiến các em trưởng thành, tôi nhận ra mình cũng đã khai phóng chính mình”.

Nguồn: https://nhandan.vn/hanh-trinh-thay-doi-phuong-phap-day-va-hoc-post880922.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng
Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Cảnh bình minh đỏ rực như lửa tại Ngũ Chỉ Sơn
10.000 món đồ cổ đưa bạn trở về Sài Gòn xưa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm