Theo Ban Chỉ đạo, sau khi thành lập và tổ chức phiên họp thứ nhất, Ban Chỉ đạo đã lên khung chương trình, xác định các nhiệm vụ, quan điểm, mục tiêu, định hướng chính xây dựng Đề án phát triển kinh tế tư nhân; tổ chức 8 hội thảo, các đoàn công tác khảo sát tại các nước, địa phương; lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện thêm một bước dự thảo Đề án phát triển kinh tế tư nhân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp lần thứ hai của Ban Chỉ đạo xây dựng đề án phát triển kinh tế tư nhân. |
Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo tiếp tục thảo luận, cho ý kiến vào dự thảo Đề án phát triển kinh tế tư nhân. Trong đó, các thành viên Ban Chỉ đạo đánh giá vai trò của kinh tế tư nhân; thực trạng phát triển kinh tế tư nhân; những hạn chế, bất cập, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; đề xuất các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế tư nhân; cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân bảo đảm khả thi, hiệu quả; phát triển kinh tế tư nhân bảo đảm cơ chế kinh tế thị trường và các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hoan nghênh, đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, chất lượng, thể hiện kinh nghiệm cao của các thành viên Ban Chỉ đạo; yêu cầu tổ biên tập tổng hợp, hoàn thiện thêm một bước dự thảo các báo cáo, đề án và nghị quyết trình Bộ Chính trị bảo đảm thời gian, chất lượng.
Tán thành với đề cương Đề án, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nội dung Đề án phải được thể hiện sắc sảo, từ ngữ thể hiện giản dị, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ giám sát, kiểm tra; phạm vi Đề án là phát triển kinh tế tư nhân trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; không gian phát triển kinh tế tư nhân bao gồm từ người, hộ kinh doanh cá thể tới các loại hình doanh nghiệp tư nhân.
Yêu cầu Đề án phải thể hiện tư tưởng chỉ đạo đột phá mạnh mẽ hơn nữa, đổi mới tư duy, vượt qua giới hạn tư duy thông thường, tập trung có trọng tâm, trọng điểm, với các cơ chế, chính sách có tính chất đột phá, đòn bẩy, tạo cú hích, bước ngoặt phát triển kinh tế tư nhân khả thi, hiệu quả, đóng góp quan trọng vào thực hiện 2 mục tiêu 100 năm của đất nước.
Trong đó, phải giải phóng được toàn bộ sức sản xuất, nguồn lực của đất nước thông qua kinh tế tư nhân; huy động mọi nguồn lực của tư nhân vào phát triển đất nước; phát huy hiệu quả nội lực gồm con người, tài nguyên thiên nhiên, lịch sử, văn hóa, kết hợp hiệu quả với nguồn lực bên ngoài như vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, kinh nghiệm quản trị. Đặc biệt, Đề án phải quán triệt đầy đủ và kế thừa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân, nhất là phải bám sát, cụ thể hóa các ý kiến chỉ đạo và nội dung bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về kinh tế tư nhân.
Thủ tướng nhấn mạnh, phải có nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vai trò, tầm quan trọng của kinh tế tư nhân trong tổng thể nền kinh tế đất nước, xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất để triển kinh tế đất nước.
Để kinh tế tư nhân phát triển phải bảo đảm quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền tiếp cận bình đẳng với tài nguyên thiên nhiên, tài sản của đất nước; phải chuyển đổi trạng thái từ thụ động tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính, các kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, sang chủ động tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Chỉ rõ phải đặt các mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân cao hơn cả về số lượng, chất lượng, đóng góp cho GDP, về tăng năng suất lao động…, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, Đề án phải đưa ra giải pháp về hoàn thiện thể chế, gồm xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế, bảo đảm thông thoáng, giảm thủ tục hành chính, cắt bỏ thủ tục không cần thiết, không gây phiền hà, ách tắc cho người dân, doanh nghiệp, giảm chi phí tuân thủ ở mức cao nhất có thể, trong đó phải có thời gian cụ thể trong việc thành lập doanh nghiệp.
Đề án phải nêu được cách huy động nguồn lực, theo hướng đa dạng hóa nguồn lực, sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng; tạo điều kiện tiếp cận thuận lợi nhất cho kinh tế tư nhân tham gia thị trường; đẩy mạnh hợp tác công tư, nhất là áp dụng các mô hình “lãnh đạo công, quản trị tư”, “đầu tư công, quản lý tư”, “đầu tư tư, sử dụng công”; giải phóng được nguồn lực trong dân, với việc bảo đảm quyền tài sản, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế.
Yêu cầu phải tin tưởng, hy vọng, tạo động lực, truyền cảm hứng, khuyến khích mọi người dân tham gia phát triển kinh tế tư nhân, cũng là phát triển đất nước, nhất là thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh doanh bền vững trong kinh tế tư nhân, Thủ tướng chỉ đạo phải huy động, giao nhiệm vụ cho kinh tế tư nhân tham gia vào thực hiện 3 đột phá chiến lược mà Đảng, Nhà nước đang thực hiện, nhất là các công trình, dự án lớn phát triển hạ tầng như đường sắt tốc độ cao, sân bay, cảng biển, đường cao tốc; hay trong hiện đại hóa công nghiệp quốc phòng, an ninh, cũng như tham gia giải quyết các vấn đề lớn của đất nước như phòng, chống đại dịch…
Lưu ý tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; tạo điều kiện các doanh nghiệp tư nhân phát triển vươn tầm khu vực và quốc tế…, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục xin ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, các địa phương, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân và các hộ kinh doanh cá thể để hoàn thiện Đề án.
Cùng với đó, xây dựng trình Quốc hội xem xét ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế tư nhân; xây dựng nghị quyết của Chính phủ về chương trình hành động của Chính phủ và tổ chức triển khai quán triệt, thực hiện nghị quyết của Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân để sau khi Trung ương có nghị quyết có thể triển khai thực hiện ngay.
Nguồn: https://baobacgiang.vn/tao-cu-hich-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-postid415365.bbg
Bình luận (0)