Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hiệu quả kinh tế từ trồng cây dong riềng

(Baothanhhoa.vn) - Cây dong riềng được người dân ở một số huyện miền núi của tỉnh đánh giá thích hợp với thổ nhưỡng, chịu hạn tốt phù hợp với đất đồi dốc và cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao.

Báo Thanh HóaBáo Thanh Hóa22/04/2025

Hiệu quả kinh tế từ trồng cây dong riềng

Người dân xã Ngọc Liên (Ngọc Lặc) thu hoạch dong riềng.

Nhận thấy cây dong riềng dễ trồng, dễ chăm sóc, đem lại thu nhập cao, nên những năm qua người dân xã Ngọc Liên (Ngọc Lặc) đã phát triển diện tích cây dong riềng, đáp ứng nguồn nguyên liệu cho sản xuất miến dong. Đến nay, xã Ngọc Liên đã chuyển đổi khoảng 50ha đất trồng cây nông nghiệp cho năng suất thấp sang trồng cây dong riềng để làm miến dong. Để nâng cao giá trị từ việc trồng dong riềng, nhiều HTX, hộ gia đình trên địa bàn xã đã đầu tư trang thiết bị, máy móc phát triển sản phẩm miến dong bảo đảm chất lượng cung cấp ra thị trường. Trong đó, có sản phẩm miến dong Hương Ngọc của HTX dịch vụ nông nghiệp thương mại và xây dựng Thành Công được công nhận là sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh. Theo ông Lê Bá Toản, thôn 4, xã Ngọc Liên, dong riềng là cây dễ trồng, sau 8 đến 10 tháng có thể cho thu hoạch. Năng suất trung bình khoảng 75 tấn củ/ha, cho doanh thu 80 - 100 triệu đồng, trừ chi phí cho thu nhập 60 - 80 triệu đồng/ha. Nhận thấy giá trị kinh tế từ cây dong riềng đem lại cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác trên cùng đơn vị diện tích. Năm nay, nhiều hộ dân trong xã đã mở rộng thêm diện tích để trồng cây dong riềng. Hiện diện tích dong riềng của người dân trong xã đang phát triển ở giai đoạn từ 3 - 5 lá, chúng tôi đang tập trung chăm sóc và bón thúc đợt 1 để cây cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng nuôi củ với mong muốn cuối năm đạt năng suất cao.

Trước đây, người dân xã Yên Lạc (Như Thanh) chỉ trồng ngô, sắn trên sườn đồi khó khăn về nguồn nước tưới, nên cho năng suất thấp. Những năm gần đây, do nhu cầu nguyên liệu làm miến dong tăng cao nên người dân đã chuyển cơ cấu cây trồng trên các vùng đồi sang trồng cây dong riềng. Qua đó, đến tháng 4/2025, người dân trên địa bàn xã Yên Lạc đã phát triển được hơn 20ha cây dong riềng làm nguyên liệu phục vụ nhu cầu sản xuất miến dong cung cấp cho các cơ sở chế biến. Theo người dân, trồng dong riềng ở thôn 4, xã Yên Lạc, sau 8 tháng trồng, chăm sóc, năng suất dong đạt từ 75 đến 80 tấn/ha, sau khi trừ chi phí thu nhập khoảng 80 triệu đồng/ha. Ông Phạm Công Bảo, giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp và thương mại Yên Lạc (Như Thanh), cho biết: Với công suất dây chuyền chế biến dong riềng của HTX khoảng 80 tấn tinh bột/năm, nên HTX cần đến hàng nghìn tấn dong nguyên liệu để phục vụ sản xuất. Để chủ động nguồn nguyên liệu, HTX đã liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm dong riềng với người dân địa phương.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 230ha cây dong riềng, tập trung ở các huyện Như Thanh, Ngọc Lặc, Như Xuân, Cẩm Thủy... Cây dong riềng chủ yếu được người dân canh tác trên đất đồi chiếm khoảng 80% diện tích và trên đất ruộng, vườn nhà khoảng 20%. Để tăng giá trị, chất lượng sản phẩm tại các huyện Ngọc Lặc, Cẩm Thủy đã xây dựng và nhân rộng mô hình trồng dong riềng theo hướng VietGAP với diện tích khoảng 10ha. Qua đó, các hộ trồng dong riềng được tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây dong riềng theo tiêu chuẩn VietGAP. Tại các địa phương cũng xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với các cơ sở chế biến miến dong nhằm bảo đảm đầu ra cho sản phẩm và thu nhập ổn định cho người dân. Từ việc trồng cây dong riềng, đến nay trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được các sản phẩm miến dong Hương Ngọc (Ngọc Lặc), miến dong Yên Lạc (Như Thanh); miến dong Đồi Ao, xã Cẩm Bình và miến dong Thuận Tâm, xã Cẩm Liên (Cẩm Thủy) đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Hiện sản phẩm miến dong của các địa phương đã và đang cung cấp cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước, như: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh...

Để mở rộng diện tích và phát triển dong riềng thành cây trồng chủ lực, các địa phương đang tích cực rà soát, định hướng vùng trồng tập trung và đưa các giống dong mới phát triển tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương vào sản xuất. Đồng thời, thực hiện các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích người dân tích tụ, tập trung đất đai, hình thành vùng sản xuất nguyên liệu gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm dong riềng.

Bài và ảnh: Hải Đăng

Nguồn: https://baothanhhoa.vn/hieu-qua-kinh-te-tu-nbsp-trong-cay-dong-rieng-246436.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Vì sao Kiên Giang lọt tốp ‘điểm đến thân thân thiện nhất thế giới’
Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm