Mới đây, tại buổi kiểm tra, khảo sát về tình hình triển khai học bạ số, xây dựng học liệu số và tổ chức dạy 2 buổi/ngày đối với giáo dục phổ thông, đại diện Bộ GD-ĐT cho hay, tới đây sẽ hướng tới yêu cầu bậc THCS, THPT dạy 2 buổi/ngày.
Thông tin ngay lập tức nhận được sự quan tâm của những người đứng đầu các trường học. Nhiều hiệu trưởng bày tỏ băn khoăn và cho rằng, rất khó để triển khai trong điều kiện hiện tại ở cơ sở, địa phương mình.
Chia sẻ với VietNamNet, ông Hồ Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) cho hay, tinh thần hướng tới tổ chức dạy học 2 buổi/ngày là đúng đắn, tuy nhiên để thực hiện trong điều kiện hiện tại khá khó khăn.
“Trước hết, phải đảm bảo cơ sở vật chất của các nhà trường, đặc biệt là số phòng học, trong khi nhiều trường hiện nay đang thiếu. Như trường tôi có 34 lớp nhưng chỉ có 17 phòng học. Trường đang luân phiên cho 17 lớp học buổi sáng, 17 lớp học buổi chiều. Như vậy, bản chất là học 2 ca, mỗi học sinh học 1 buổi/ngày và cũng đã kín tuần, chứ chưa nói đến dạy học 2 buổi/ngày”, ông Tuấn Anh nói và cho biết, năm học tới đây, số lớp của trường còn tăng lên.
Điều kiện thứ hai cần đáp ứng nếu muốn học 2 buổi/ngày là giáo viên. “Nếu không đủ đội ngũ sẽ nảy sinh vấn đề vượt số tiết dạy chuẩn. Vướng mắc không chỉ nằm ở vấn đề kinh phí để trả cho giáo viên vượt số tiết dạy chuẩn mà còn chuyện đảm bảo sức khỏe cho người lao động, thực hiện đúng quy định của bộ Luật Lao động là làm việc không vượt quá 200 giờ/năm”, ông Tuấn Anh phân tích.
Bên cạnh đó, để thực hiện, theo ông Tuấn Anh, điều kiện cốt lõi là phải xây dựng được một chương trình dạy học 2 buổi/ngày thật phù hợp, đúng nghĩa. “Bởi câu chuyện không chỉ đơn giản là mở cửa trường cho học sinh được tự do vui chơi, trải nghiệm, tận dụng cơ sở vật chất của các nhà trường. Bất luận trường hợp nào, khi đã có học sinh đến trường là phải có người quản lý, dù nơi đó là thư viện hay sân vận động, bể bơi,... nhằm hướng dẫn học sinh hoạt động đúng nội dung cần thiết và quan trọng hơn là đảm bảo an toàn cho các em. Nếu không tính kỹ, việc tổ chức buổi học 2 sẽ dễ biến tướng thành những hoạt động dạy thêm, học thêm trá hình”, ông Tuấn Anh nói.
Ông Tuấn Anh dẫn chứng, ở Chương trình phổ thông 2006 trước đây, có một nội dung là tiết học tự chọn, nhưng trên thực tế, hầu hết trường “biến” những tiết tự chọn đó thành tiết học thêm. “Như vậy, tổ chức buổi 2 nhưng quản lý không tốt và không có chương trình thật chuẩn và phù hợp thì cũng dễ bổn cũ soạn lại”, ông nói.

Ở Hà Nội, hiệu trưởng một trường THCS tại huyện Hoài Đức cho hay, trước nay, trường vẫn cho học sinh học buổi sáng với tối đa 5 tiết/buổi. Nhưng tới đây, nếu Bộ yêu cầu tổ chức dạy học 2 buổi/ngày thì sẽ chia ra buổi sáng không quá 4 tiết, buổi chiều không quá 3 tiết.
“Việc này có thể giảm căng thẳng cho học sinh với việc học 5 tiết cùng trong 1 buổi và giãn thời gian làm việc của giáo viên. Tuy nhiên, giáo viên phải làm việc nhiều hơn. Ví dụ, hiện nay, giáo viên trường tôi chỉ phải đến trường vào buổi sáng, nhưng nếu chuyển sang 2 buổi/ngày sẽ phải thêm thời gian buổi chiều. Trong khi trường không thu thêm tiền học phí nếu thêm buổi, nên giáo viên cũng không thể có thêm thu nhập”, vị này nói.
Cũng theo vị hiệu trưởng này, mục đích của Bộ GD-ĐT là giảm tải cho học sinh về số tiết học cùng trong 1 buổi nhưng tổ chức 2 buổi/ngày, giáo viên sẽ vất vả hơn. Cái được là những trường nào tổ chức ăn bán trú thì phụ huynh yên tâm hơn về việc quản lý con tại trường.
Song, theo vị hiệu trưởng, trước tiên phải giải được bài toán đáp ứng cho các trường đủ điều kiện cơ sở vật chất. Như trường của bà, nếu sang năm, triển khai dạy học 2 buổi/ngày sẽ phải sửa sang lại để thiết kế thêm phòng học.
“Riêng với học sinh cuối cấp, nếu học 2 buổi/ngày thì vất vả hơn cho các em so với việc học một buổi sáng rồi chiều được nghỉ để tự học, tự ôn tập hoặc đơn giản là nghỉ ngơi”, vị này nói.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/nhieu-hieu-truong-than-kho-neu-to-chuc-day-hoc-2-buoi-ngay-2388246.html
Bình luận (0)