Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hình tượng Bác Hồ mới trên sân khấu kịch

Hai vở diễn đề tài về Bác Hồ là nhóm tác phẩm quan trọng được Nhà hát Kịch VN đưa vào chương trình nghệ thuật mừng 50 năm đất nước thống nhất.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên28/04/2025

Đêm suy tư, ngày sử thi

Những ngày này, ngoài sảnh cũng như bên trong Nhà hát Kịch VN rợp cờ đỏ sao vàng. "Chúng tôi muốn tạo không khí ngay từ khi người xem mới bước chân vào nhà hát", NSND Kiều Minh Hiếu, Phó giám đốc nhà hát, cho biết. Không khí đó được tạo nên để khán giả cảm nhận tốt hơn về ngày đất nước thống nhất cũng như người đã "kiến tạo" nên ngày đó: Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hình tượng Bác Hồ mới trên sân khấu kịch- Ảnh 1.

Bác Hồ và vụ án tham nhũng của Cục trưởng Cục Quân nhu

ẢNH: NHÀ HÁT KỊCH VN

Nhà hát Kịch VN góp 2 vở diễn trong chuỗi chương trình nghệ thuật kỷ niệm 50 năm ngày đất nước thống nhất, đều là những vở diễn về Bác Hồ. "Chúng tôi chọn hai vở diễn này vì đó là hai vở diễn xuất sắc, cũng là thế mạnh của chúng tôi", NSND Kiều Minh Hiếu chia sẻ. Đêm trắng Người đi dép cao su là hai vở diễn được người trong nghề đánh giá cao qua nhiều giải thưởng, cũng được công chúng yêu mến qua hàng loạt đêm diễn cháy vé trước đó…

Đêm trắng không phải là một kịch bản mới, vì thế dựng tác phẩm này là thách thức với NSND Xuân Bắc. Đêm trắng - đêm không ngủ của Bác Hồ vì một bản án, vì sự tha hóa của cán bộ - Cục trưởng Cục Quân nhu Hoàng Trọng Vinh… Vở diễn được đẩy từ từ lên cao trào nhờ những lớp cảnh sắc màu đối lập: những hiểm nguy mà người chiến sĩ phải đối mặt, bữa tiệc xa hoa khi người dân mỗi tuần phải nhịn ăn để tiết kiệm cho hũ gạo kháng chiến, nỗi đau đớn của người vợ khi biết chồng phạm tội…

Đêm trắng có dàn diễn viên giỏi để mọi vị trí đều trọn vẹn. Vở diễn có tới 100 diễn viên tham gia và có những diễn viên "đinh" để chốt những vai khó. Đó là nghệ sĩ Minh Hải khi vào vai Bác Hồ mang đến cho khán giả cảm xúc thân thuộc từ giọng nói đến dáng vai, cái chống tay ngang hông… Là Hoàng Trọng Vinh phách lối, phản bội lý tưởng, phản bội nhân dân (do NSND Việt Thắng/NSƯT Trịnh Mai Nguyên đóng)… Là sự sững sờ, đối diện với chính mình - vai diễn của NSND Kiều Minh Hiếu, khi thấy việc quản lý nhân sự không nghiêm đã gây ra tổn thất lớn thế nào.

Hình tượng Bác Hồ mới trên sân khấu kịch- Ảnh 2.

Sự tha hóa có thể đến bất cứ lúc nào

ẢNH: NHÀ HÁT KỊCH VN

Nếu như Đêm trắng là đêm suy tư thì Người đi dép cao su lại là những ngày sử thi. Vở diễn được dựng từ kịch bản của nhà văn Kateb Yacine (Algeria). Từ cái nhìn của một người Algeria, hình ảnh Bác Hồ được xây dựng là lãnh tụ cách mạng của một nước thuộc địa, đấu tranh giành tự do độc lập. Những người VN là một dân tộc dám đứng lên chiến đấu giành độc lập qua nhiều thời kỳ.

Trong Người đi dép cao su, cả chiều dài chống giặc ngoại xâm của đất nước được tái hiện. Từ Hai Bà Trưng đến Hồ Chủ tịch, Người đi dép cao su là một "bài ca giữ nước" trên sân khấu kịch nói. Vở diễn có nhiều cảnh đông người, cho thấy những lãnh tụ trong sự nâng đỡ, đi theo của nhân dân anh hùng. Những nhân vật này phần lớn đều không có tên, nhưng luôn kết thành khối khi lên sân khấu. Điều này tạo hiệu ứng hình ảnh đẹp. Bác Hồ cũng được đặt trên nền như vậy - gắn bó mật thiết với nhân dân.

Hình tượng Bác Hồ mới trên sân khấu kịch- Ảnh 3.

Người đi dép cao su cho thấy cái nhìn sử thi về lãnh tụ, dân tộc

ẢNH: NHÀ HÁT KỊCH VN

Nghệ sĩ "mới", khán giả mới

Nghệ sĩ Minh Hải đóng vai Bác Hồ cả ở hai vở diễn Đêm trắngNgười đi dép cao su. Những lần vào vai Bác Hồ ở cả trên sân khấu và điện ảnh của anh rất nhiều và nổi trội. Trên sân khấu Nhà hát Kịch VN, Minh Hải vào vai Bác Hồ trong 2 trích đoạn Ông cụ ở quê ra Chị em ngày gặp lại; vai Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Đêm trắng; vai Bác Hồ trong chùm kịch ngắn Bác Hồ và mùa xuân năm ấy Đoàn kết là sức mạnh. Với điện ảnh, truyền hình, Minh Hải vào vai Nguyễn Ái Quốc trong phim điện ảnh Vượt qua bến Thượng Hải, phim truyền hình Ý chí độc lập, kịch truyền hình Nước mắt rừng Pắc Bó

Là người có lợi thế để vào vai Bác Hồ với vóc người nhỏ nhắn, Minh Hải cũng không quá khó khăn để hóa trang giống Bác. Bên cạnh đó, nghệ sĩ lại là người Nghệ An nên việc thể hiện âm sắc miền Trung càng thuận lợi. Những cử động trên sân khấu của Minh Hải cho thấy anh đã dày công luyện tập để có một hình tượng Bác Hồ gần gũi, giản dị. Những cử chỉ, điệu bộ của Bác, anh đã rèn luyện và có kinh nghiệm khoảng 20 năm diễn xuất. Minh Hải đã trở thành một diễn viên sau thế hệ của NSND Tiến Hợi có dấu ấn với vai diễn Bác Hồ.

Hình tượng Bác Hồ mới trên sân khấu kịch- Ảnh 4.

Nghệ sĩ Minh Hải gắn với vai Bác Hồ trong nhiều tác phẩm

ẢNH: NHÀ HÁT KỊCH VN

Trên thực tế, cùng với nhiều vở diễn đề tài lịch sử khác, Đêm trắng và Người đi dép cao su đều là những vở diễn vừa nhiều giải thưởng, vừa hút khách của Nhà hát Kịch VN. Với những đêm diễn Đêm trắng và Người đi dép cao su tháng 4 - 5 mừng 50 năm ngày đất nước thống nhất, Nhà hát Kịch VN không đặt mục tiêu doanh thu cao nhất. Nhà hát hướng tới khán giả trẻ, đặc biệt là sinh viên các trường đại học. Đối tượng này sẽ được giảm giá vé khi đến xem vở diễn. "Có rất nhiều trường đại học có đội kịch, dựng kịch. Các em cũng muốn xem kịch và đấy là những khán giả chúng tôi nhắm tới", NSND Kiều Minh Hiếu nói.

Nguồn: https://thanhnien.vn/hinh-tuong-bac-ho-moi-tren-san-khau-kich-185250427222222495.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Người dân chờ đợi 5 tiếng để chiêm ngưỡng pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TPHCM
Trực tiếp: Khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên năm 2025
Cận cảnh nút giao thông tại Quy Nhơn khiến Bình Định chi hơn 500 tỷ cải tạo
Quân đội Trung Quốc, Campuchia, Lào hợp luyện diễu binh ở TP.HCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm