Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hỗ trợ người dân lên sàn thương mại điện tử

Nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đẩy mạnh chuyển đổi số theo chủ đề năm 2025 của TPHCM, các địa phương, đơn vị, tổ chức đã chú trọng thực hiện chuyển đổi số thuộc lĩnh vực, địa bàn phụ trách. Trong đó có việc tích cực hỗ trợ các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, hộ nông dân tiếp cận với sàn thương mại điện tử (TMĐT), giúp nhiều hộ kinh doanh có cơ hội mở rộng thị trường, đưa sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng.

Thời ĐạiThời Đại02/04/2025

Lên mạng mở rộng nguồn khách hàng

Có cơ sở sản xuất các sản phẩm từ sữa dê nhưng những năm qua, hộ gia đình bà Lê Thị Thu Minh (xã Đa Phước, huyện Bình Chánh) chủ yếu bán trực tiếp tại nhà. Trong xu thế chuyển đổi số, khách mua hàng trực tiếp ngày càng ít, trong khi sản phẩm không thể tiếp cận được khách hàng ở xa.

Hỗ trợ người dân lên sàn thương mại điện tử
Chủ tịch UBND TP Thủ Đức (TPHCM) Hoàng Tùng tham gia phiên livestream giới thiệu sản phẩm của hộ kinh doanh trên "Chợ Thủ Đức trực tuyến". Ảnh: PHƯƠNG UYÊN

Không chỉ hộ bà Lê Thị Thu Minh, nhiều hộ kinh doanh nông sản sạch, nông sản hữu cơ và các sản phẩm truyền thống trên địa bàn cũng gặp lúng túng khi lên sàn TMĐT. Biết được điều này, đoàn viên, thanh niên Huyện đoàn Bình Chánh đã khảo sát các hộ có sản phẩm đặc trưng cần giới thiệu rộng rãi để có kế hoạch hỗ trợ. Sau đó, Huyện đoàn Bình Chánh phối hợp Bưu điện huyện Bình Chánh, Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM tổ chức các chương trình tập huấn cho người dân.

Huyện đoàn Bình Chánh cũng hỗ trợ các hộ sản xuất, hộ kinh doanh đưa sản phẩm đặc trưng lên sàn TMĐT Postmart.vn và các sàn TMĐT khác thông qua việc hướng dẫn, đào tạo tập huấn các kỹ năng sử dụng điện thoại thông minh hoặc các thiết bị khác để truy nhập vào sàn TMĐT; hướng dẫn thực hiện quy trình đóng gói - kết nối - giao nhận để các hộ tác nghiệp trong quá trình kết nối mua bán trên sàn TMĐT; hướng dẫn áp dụng công nghệ mã vạch, mã QR… để truy xuất nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm tại các hộ kinh doanh.

Bên cạnh đó, Huyện đoàn Bình Chánh hỗ trợ các hộ kinh doanh đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bằng cách phối hợp quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, thực hiện các không gian, ngày hội kết nối sản phẩm đặc trưng của huyện Bình Chánh nhằm góp phần quảng bá sản phẩm...

Tại TP Thủ Đức, “Chợ Thủ Đức trực tuyến” ra đời từ năm 2024 đã giúp hàng trăm hộ kinh doanh lên sàn TMĐT. Trong phiên livestream tại “Chợ Thủ Đức trực tuyến” vào giữa tháng 1-2025 vừa qua, nhiều người tiếp cận được các sản phẩm như nón, bình hoa, khay đựng đồ lưu niệm… bằng sợi chuối của một nhóm bạn trẻ. Dương Hồng Nhung, tác giả của các sản phẩm từ sợi chuối, cho biết, nhờ có “Chợ Thủ Đức trực tuyến” mà bạn cùng cộng sự có cơ hội quảng bá sản phẩm của mình. “Chúng tôi cũng chủ động livestream và đăng tải sản phẩm lên trang cá nhân để quảng bá nhưng hiệu quả chưa cao. Khi tham gia “Chợ Thủ Đức trực tuyến”, được UBND TP Thủ Đức bảo trợ về độ uy tín, hiện đã có một số đơn vị liên hệ tìm hiểu về sản phẩm”, Hồng Nhung chia sẻ.

Đồng hành trong quá trình chuyển đổi số

Theo các địa phương, đơn vị, việc hỗ trợ về kỹ thuật và phương pháp chỉ là cơ sở ban đầu, để các hộ kinh doanh nhỏ, hộ nông dân duy trì ổn định trên sàn TMĐT thì cần phải trang bị kỹ năng bán hàng cho họ.

Hỗ trợ người dân lên sàn thương mại điện tử

Tiểu thương chợ Bến Thành livestream bán hàng. Ảnh: THI HỒNG

Ngoài hơn 50 hộ được đoàn viên, thanh niên huyện Bình Chánh ra quân hỗ trợ, huyện Bình Chánh hiện có hơn 350 hộ nông dân đã lên sàn TMĐT. Để có kết quả như trên, Hội Nông dân huyện Bình Chánh đã nhiều lần tổ chức giới thiệu và kết nối tiêu thụ nông sản của nông dân lên sàn TMĐT, đồng thời phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn hội viên, nông dân, doanh nghiệp tham gia sàn TMĐT; hướng dẫn hội viên nông dân đăng ký tham gia xây dựng sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) để bán hàng trên sàn TMĐT.

Trên địa bàn TP Thủ Đức đang có gần 70.000 doanh nghiệp và gần 60.000 hộ kinh doanh đang hoạt động. Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Hữu Hiệp cho biết, tại Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định TPHCM là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số. Mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP. Riêng TP Thủ Đức được xác định trở thành cực tăng trưởng mới, là đô thị sáng tạo, tương tác cao, hạt nhân thúc đẩy kinh tế - xã hội của TPHCM. Với mục tiêu đó, TP Thủ Đức chủ trương đẩy mạnh các hoạt động đồng hành cùng doanh nghiệp, hộ kinh doanh, nhất là trong chuyển đổi số.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Thủ Đức Nguyễn Thị Tuyết Nga thông tin, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP Thủ Đức, thời gian qua, trung tâm tổ chức “Chợ Thủ Đức trực tuyến” để các doanh nghiệp, hộ kinh doanh làm quen với các hình thức kinh doanh mới. Trung tâm cũng thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn miễn phí cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn nhằm nâng cao kỹ năng bán hàng trực tuyến, cập nhật xu hướng TMĐT. Qua đó, doanh nghiệp, hộ kinh doanh sẽ được tiếp cận các nội dung về TikTok shop và nền tảng TMĐT; được hướng dẫn tạo tài khoản, gian hàng chuyên nghiệp; quản lý sản phẩm, tối ưu nội dung livestream cũng như được trải nghiệm các công cụ bán hàng, vận hành bán các sản phẩm trên nền tảng TikTok shop…

Bên cạnh đó, các hội chợ, triển lãm sản phẩm nông nghiệp cũng thường xuyên được tổ chức nhằm giúp các doanh nghiệp, nhất là hộ nông dân, phát triển mạnh mẽ trên sàn TMĐT. Khi tổ chức hội chợ, triển lãm, ngoài trưng bày các sản phẩm đặc trưng của vùng, miền, ban tổ chức còn tổ chức livestream trên nền tảng TikTok shop và Shopee. Các phiên livestream giới thiệu gần 170 sản phẩm nông sản của hơn 60 doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp…

Mô hình “Chợ trực tuyến” thông qua ứng dụng UTOP (nền tảng cung cấp điểm và quà tặng cho các nhãn hàng tiêu dùng ở Việt Nam) đang được triển khai rộng rãi tại các chợ dân sinh hiện nay. Theo bà Trần Như Quỳnh, Phó trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương TPHCM, trên địa bàn thành phố hiện có 33 chợ triển khai mô hình “Chợ trực tuyến”, hỗ trợ tiểu thương kinh doanh, tạo thuận lợi cho người tiêu dùng tương tác với các cửa hàng tại chợ dân sinh. Qua thống kê, “Chợ trực tuyến” phục vụ hơn 16.000 đơn hàng. Hiện nay, sở phối hợp với các đơn vị tập huấn cho các thương nhân tại chợ tăng cường bán hàng thông qua livestream hoặc xây dựng các giao diện online để bán hàng.

Theo Báo Sài Gòn Giải Phóng

https://www.sggp.org.vn/ho-tro-nguoi-dan-len-san-thuong-mai-dien-tu-post788738.html

Nguồn: https://thoidai.com.vn/ho-tro-nguoi-dan-len-san-thuong-mai-dien-tu-212096.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm