Những cô gái xinh đẹp nhất của đêm chung kết cuộc thi hoa khôi đã khiến khán giả bất ngờ và xúc động khi nói về tình cảm gia đình giữa thời đại trí tuệ nhân tạo và công nghệ lên ngôi.
Đây là cuộc thi Miss SIU của Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn năm 2025, có chủ đề “Gen Z thời đại số”, với vòng chung kết diễn ra vào tối 12.4.
Từ trái qua: Á khôi 1 Mai Nguyễn Song Thư (ngành quản trị khách sạn), Miss SIU Trang Gia Hân (ngành ngôn ngữ Anh) và á khôi 2 Trần Thị Thanh Thảo (ngành ngôn ngữ Anh)
ẢNH: TRẦN THUẬT
Vượt qua các vòng sơ khảo và bán kết, 14 thí sinh xuất sắc nhất bước vào đêm chung kết, tham gia các phần thi trình diễn Việt phục, áo dài, dạ hội.
Hãy giữ những cuộc trò chuyện không cần wifi
10 cô gái xinh đẹp được chọn tranh tài ở phần thi thuyết trình với câu hỏi "Là thế hệ gen Z thời đại số, bạn muốn truyền đi thông điệp gì?", đã đưa ra những lập luận không chỉ sắc sảo mà còn gây xúc động khi nói về tình cảm thiêng liêng nhất, đó là tình cảm gia đình, đang bị công nghệ đe dọa.
Đặng Thúy Hiền (ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng) chia sẻ: "Là một người trẻ lớn lên giữa bước chuyển biến thần tốc của công nghệ, mạng xã hội và thế giới phẳng, điều đó không có nghĩa là chúng em chỉ sống trong thế giới ảo. Gen Z không chỉ chia sẻ trend, mà còn chia sẻ sự quan tâm, không chỉ theo đuổi thành công cá nhân mà còn khao khát cống hiến những điều tốt đẹp nhất cho cộng đồng và xã hội".
Thúy Hiền cho rằng công nghệ chỉ là công cụ, con người mới là chủ thể. Chính vì vậy hãy tận dụng mạng xã hội để chia sẻ những giá trị tích cực, sử dụng trí tuệ nhân tạo để phát triển bản thân.
"Ngoài, ra đừng quên dành thời gian cho gia đình và bạn bè, với những cuộc nói chuyện không cần wifi. Hãy xem công nghệ không chỉ là công cụ mà còn là trái tim".
ẢNH: TRẦN THUẬT
Thí sinh thướt tha trong phần thi trang phục áo dài
ẢNH: TRẦN THUẬT
Cô nữ sinh Trần Thị Thanh Thảo (ngành ngôn ngữ Anh) đề cập tới cụm từ "chữa lành" để nói về những tác động của mạng xã hội và công nghệ tới gen Z.
Thảo khẳng định mạng xã hội, internet mở ra vô vàn cánh cửa nhưng cũng đặt ra những thách thức chưa từng có.
"Một trong những vấn đề cấp bách là sức khỏe tinh thần. Mỗi ngày chúng ta đều phải đối mặt với những áp lực từ xã hội và sự so sánh bản thân không ngừng. 'Chữa lành' là một hành trình mà dường như tuổi trẻ đều phải trải qua để tìm lại sự cân bằng, yêu thương, trân trọng bản thân và đặc biệt tìm ra tiếng nói của tâm hồn", Thanh Thảo nhận định.
Trong khi đó, thí sinh Trương Thúy Anh (ngành quản trị kinh doanh) cho rằng mình lớn lên cùng công nghệ nên hiểu rõ thế hệ mình là cầu nối kết nối giữa truyền thống với hiện đại, giữa bản sắc văn hóa dân tộc với tri thức thế giới.
"Công nghệ là cầu nối nhưng tâm hồn mới chạm đến con người. Dù chúng ta có học được bao nhiêu tri thức thế giới đi nữa thì sự khiêm nhường, lòng nhân ái và bản sắc văn hóa Việt Nam mới là gốc rễ", Thúy Anh chia sẻ.
Công nghệ không có lỗi
Tại vòng ứng xử, Trần Thị Thanh Thảo tiếp tục thể hiện sự tự tin bằng song ngữ khi trình bày quan điểm trước 'lối sống phông bạt' của giới trẻ.
"Bạn nghĩ gì về hiện tượng một số người có kiểu sống phông bạt để tô vẽ cho giá trị ảo của bản thân trên không gian mạng" là câu hỏi ban giám khảo dành cho Thảo.
Cô nữ sinh tự tin phản biện: "Hiện tượng 'sống phông bạt' thực ra đối với em cũng là hiện tượng rất bình thường, chỉ là đang bị đẩy lên một cách thái quá. Em nghĩ rằng mỗi chúng ta đều có quyền được chia sẻ khoảnh khắc của bản thân lên mạng xã hội và em tin rằng điều đó không xấu, chúng ta chỉ đang cho mọi người thấy chúng ta đang sống hạnh phúc như thế nào trên mạng xã hội mà thôi". Với phần trả lời này, Thanh Thảo đã trở thành á khôi 2 của cuộc thi.
ẢNH: TRẦN THUẬT
ẢNH: TRẦN THUẬT
Phần thi trang phục dạ hội
ẢNH: TRẦN THUẬT
Với câu hỏi "Người ta cho rằng do cuộc sống công nghệ hiện đại ngày nay thế hệ trẻ dần mất đi kết nối với gia đình, khoảng cách thế hệ càng ngày càng lớn, bạn có góc nhìn như thế nào về vấn đề này?", Mai Nguyễn Song Thư (ngành quản trị khách sạn) không hề bị "làm khó".
Thư cho rằng công nghệ phát triển giúp chúng ta có thể trò chuyện và kết nối với những người thân yêu, những người bạn ở xa một cách dễ dàng. "Tuy nhiên chính vì sự tiện lợi đó khiến không ít bạn trẻ dần trở nên xa cách với gia đình vì họ cảm thấy rằng chỉ có những người bạn ảo ở trên mạng mới thực sự kết nối với họ. Vấn đề không nằm ở việc do công nghệ phát triển mà chính là chúng ta chưa đủ sự thấu hiểu", Thư nhìn nhận.
Điều gen Z nên làm, theo Thư là sử dụng công nghệ đúng cách, đúng lúc để trở thành công cụ hỗ trợ để kết nối yêu thương với gia đình. Câu trả lời này đã giúp Mai Nguyễn Song Thư giành ngôi á khôi 1.
ẢNH: TRẦN THUẬT
Miss SIU Trương Gia Hân
ẢNH: TRẦN THUẬT
Danh hiệu hoa khôi đã thuộc về nữ sinh ngành ngôn ngữ Anh Trương Gia Hân sau câu hỏi ứng xử "Trước sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI), bạn có lo lắng về tương lai nghề nghiệp của mình không và tại sao?".
Gia Hân đã thuyết phục ban giám khảo bằng câu trả lời: "AI như một công cụ để phát triển bản thân chứ không phải là yếu tố thay thế hoàn toàn con người. Chúng ta không chắc chắn được rằng trong tương lai xã hội sẽ phát triển tới mức nào, nhưng em tin dù trong thời đại nào thì tình cảm, cảm xúc giữa người với người vẫn là quan trọng nhất. Vì thế khi làm bất cứ công việc gì, nếu chúng ta đặt cái tâm vào, chúng ta không khô khan, máy móc như AI thì chúng ta vẫn thành công".
Nguồn: https://thanhnien.vn/hoa-khoi-a-khoi-gen-z-noi-ve-tri-tue-nhan-tao-va-loi-song-phong-bat-185250413113409777.htm
Bình luận (0)