Đại diện Thành đoàn, Ban Giám hiệu Trường THPT Trần Phú và Quận đoàn Hoàn Kiếm tặng hoa các đại biểu tham dự giao lưu. Ảnh: Mai Tùng
Phát biểu tại chương trình, Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội thành phố Hà Nội Đào Đức Việt chia sẻ: Chương trình giao lưu nhân chứng lịch sử “Kể chuyện lịch sử - Tiếp lửa truyền thống” là dịp để tri ân những người đã cống hiến, hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Những con người đã góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại mùa xuân năm 1975 tiếp thêm nhiều động lực mới cho thế hệ trẻ để thi đua học tập, lao động, cống hiến và viết tiếp những trang sử hào hùng, vẻ vang cho đất nước hôm nay và mai sau…
Giao lưu tại chương trình, cựu chiến binh An Mạnh Hùng cho biết, ông là chiến sĩ thuộc Tham mưu E229 Công binh, Bộ Tư lệnh Công binh, trực tiếp tham gia chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị giai đoạn 1972-1973, tại Sê Pôn - Lào năm 1974 và tham gia Chiến dịch mùa xuân năm 1975.
Ông An Mạnh Hùng trước khi nhập ngũ đang là sinh viên năm thứ hai Trường Đại học Mỏ - Địa chất. Ông Hùng kể, đó là thời kỳ cả đất nước sục sôi khí thế lên đường ra trận với tinh thần “Nước còn giặc còn đi đánh giặc, chiến trường giục giã bước hành quân”, “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”… “Không chỉ riêng tôi mà giáo viên, sinh viên và tất cả thanh niên đều rất mong muốn được góp công sức của mình vào chiến trường để giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước, sau đó quay lại trường học”, ông Hùng nói.
Các nhân chứng lịch sử và học sinh giao lưu tại chương trình. Ảnh: Thu Hà
Cũng là sinh viên tình nguyện nhập ngũ, ông Phùng Huy Thịnh lên đường khi đang là sinh viên năm thứ 2 Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp. Kể về những ngày tháng chiến đấu ở chiến trường Quảng trị, nhất là ở Thành cổ Quảng Trị, ông Thịnh và ông Hùng đều dùng từ “khốc liệt”. Mỗi tấc đất Thành cổ Quảng Trị thấm đẫm máu xương của chiến sĩ ta.
“Đánh trận ở Quảng Trị không chết mới lạ, vì may mắn, nhờ ơn trên”, ông Thịnh xúc động nói và cho biết: “Chúng ta chiến đấu bằng tinh thần, sức mạnh khí tài quân sự hoàn toàn thua xa Đế quốc Mỹ. Nhưng chính tinh thần đó mà sau 81 ngày đêm, chúng ta đã lật lại thế cờ, để có Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”.
Học sinh Trường THPT Trần Phú, quận Hoàn Kiếm giao lưu cùng nhân chứng lịch sử tại chương trình. Ảnh: Hồng Phượng
Nhắn nhủ thế hệ trẻ hôm nay, ông Hùng nhấn mạnh: Hòa bình của nước ta phải trả bằng máu xương của hàng ngàn, hàng vạn chiến sĩ, thanh xuân của biết bao lớp người. Chỉ riêng ở Quảng Trị, có 55.000 phần mộ liệt sĩ ở hai nghĩa trang quốc gia và nhiều nghĩa trang liệt sĩ khác trên toàn tỉnh. Do vậy, lớp trẻ thời đại hiện nay cần trân trọng giá trị hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất của đất nước; nỗ lực học tập và rèn luyện góp công sức dựng xây đất nước, bước vào kỷ nguyên mới.
Ông Thịnh cũng mong rằng, trong điều kiện đất nước phát triển và hội nhập quốc tế hiện nay, người trẻ cần học hỏi những tinh hoa, điều hay từ các nước trên thế giới; cùng với năng lực tư duy, trình độ và ứng xử văn hóa, mỗi người cần trang bị tốt năng lực hành động.
Lắng nghe chia sẻ của hai nhân chứng lịch sử, đảng viên trẻ Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm Trần Diệu Linh cho biết, em cảm thấy may mắn khi được sinh ra và lớn lên trong hòa bình, thống nhất. "Trân trọng điều này, mỗi người trẻ chúng em càng ý thức trách nhiệm hơn trong học tập, rèn luyện để hoàn thiện bản thân, tham gia dựng xây đất nước", Diệu Linh chia sẻ.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/hoc-sinh-ha-noi-giao-luu-voi-nhan-chung-lich-su-tiep-lua-truyen-thong-700089.html
Bình luận (0)