Tham dự trực tuyến tại điểm cầu Vĩnh Long gồm ông Trần Tiến Dũng, Bí thư Tỉnh ủy - chủ trì, ông Đặng Văn Chính, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Long; ông Nguyễn Minh Dũng, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long; Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
Phiên họp tập trung đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2025, công tác giải ngân vốn đầu tư công, triển khai chương trình 3 mục tiêu quốc gia; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; các nhiệm vụ, trọng tâm thời gian tới; và một số nội dung quan trọng khác.
Theo đó, trong tháng 3 và quý I/2025, các cấp, các ngành, các địa phương đã tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp, ngoài các nhiệm vụ thường xuyên thì đặc biệt tập trung vào 5 nhiệm vụ: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025 từ 8% trở lên, tạo đà, tạo thế, tạo lực cho tăng trưởng 2 con số trong những năm tới để đạt 2 mục tiêu 100 năm; tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương; rà soát, hoàn thiện các văn kiện, chuẩn bị tổ chức đại hội Đảng các cấp và tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc; tập trung triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; chuẩn bị tổ chức các ngày lễ lớn của đất nước.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhân dân, doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tình hình kinh tế - xã hội Quý I/2025 đạt nhiều kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Tăng trưởng GDP quý I đạt 6,93%, cao hơn cùng kỳ 5 năm qua và cao hơn kịch bản tăng trưởng ban đầu, dù vẫn thấp hơn kịch bản tăng trưởng mới. Việc Việt Nam tăng trưởng thuộc nhóm cao trong khu vực và quốc tế là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh hiện nay.
An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Trong quý I có 96,4% số hộ gia đình đánh giá có thu nhập ổn định hoặc cao hơn cùng kỳ; thu nhập bình quân của lao động đạt 8,3 triệu đồng/tháng, tăng 9,5% so với cùng kỳ; hỗ trợ an sinh xã hội 20.500 tỷ đồng; hỗ trợ người dân gần 6.900 tấn gạo; cấp phát hơn 27,1 triệu thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Đặc biệt, Liên Hợp Quốc xếp hạng Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam năm 2025 tăng 8 bậc, xếp thứ 46, chỉ đứng sau Singapore trong khu vực Đông Nam Á.
Công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được đẩy mạnh; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, tai nạn giao thông được kéo giảm; công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh. Tổ chức thành công nhiều hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; duy trì môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển đất nước.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh 3 bài học kinh nghiệm quan trọng đó là càng khó khăn, thách thức, áp lực thì càng nỗ lực, càng phấn đấu vươn lên mạnh mẽ, thể hiện bản lĩnh, giá trị cốt lõi, trí tuệ và văn hoá người Việt Nam; "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể"; dựa vào nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá.
Bên cạnh đó phải nắm chắc diễn biến tình hình, phát huy bản lĩnh, trí tuệ, sáng suốt, phản ứng chính sách chủ động, kịp thời, linh hoạt, phù hợp, hiệu quả; nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn; coi trọng thời gian, trí tuệ và sự quyết đoán đúng thời điểm; chủ động giải quyết công việc theo thẩm quyền, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; phân công nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm: "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả"; "làm việc nào ra việc đấy; làm việc nào dứt việc đó".
Đồng thời phải tăng cường đoàn kết, thống nhất; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với sức mạnh thời đại, phát huy sức mạnh đoàn kết trong từng cơ quan, đơn vị, cả hệ thống chính trị và toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ trên các lĩnh vực với quan điểm: "Đảng chỉ đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi".
Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số nội dung trọng tâm cần tập trung thực hiện như tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các kết luận, nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ; tiếp tục hoàn thiện thể chế, tinh gọn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, sắp xếp địa giới hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số. Từng bộ, cơ quan, địa phương có kế hoạch, giải pháp cụ thể về rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Phấn đấu năm 2025 giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; giảm ít nhất 30% chi phí kinh doanh; bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh; 100% thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh; ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tiếp tục xử lý có kết quả các vấn đề tồn đọng, kéo dài. Các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng kéo dài, chống lãng phí; lưu ý triển khai quyết liệt, hiệu quả Nghị định số 76/2025/NĐ-CP về cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án. Đồng thời, tiếp tục rà soát, xử lý các dự án tồn đọng kéo dài còn lại; chú trọng các lĩnh vực văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; chuẩn bị chu đáo, tổ chức tốt các ngày lễ lớn của đất nước.
Song song đó, Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, đặc biệt chú ý việc xử lý tài sản sau khi sáp nhập các địa phương; củng cố quốc phòng, an ninh; giữ vững trật tự an toàn xã hội; tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội, các bộ, ngành, địa phương tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh truyền thông chính sách.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng báo cáo và công bố kết quả, xếp hạng chỉ số cải cách hành chính năm 2024 của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Kết quả, Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR INDEX) năm 2024 của các tỉnh, thành phố tiếp tục duy trì tăng trưởng tích cực với giá trị trung bình cao nhất từ trước đến nay, đạt 88,37%, cao hơn 1,39% so với năm 2023. Đây cũng là lần thứ 2 liên tiếp có 63/63 địa phương đều đạt kết quả chỉ số cải cách hành chính trên 80%.
Lâm Dung
Nguồn: http://tintuc.vinhlong.gov.vn/Default.aspx?tabid=3212&ID=274317
Bình luận (0)