Hội thảo diễn ra dưới sự điều hành của ông Lazare Eloundou Assomo, Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà. Đại diện tỉnh Quảng Ninh dự hội thảo có đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Hội thảo là một sự kiện trong chuỗi các hoạt động triển khai Kế hoạch Hành động giai đoạn 2021-2025 của Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bản ghi nhớ Hợp tác Việt Nam - UNESCO giai đoạn 2021-2025, Chiến lược Ngoại giao văn hoá đến năm 2030 và các kết luận của Hội nghị Văn hoá Toàn quốc nhấn mạnh vai trò của văn hoá phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Hội thảo nhằm đánh giá tổng quan công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam, sự đóng góp của di sản thế giới đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương (đặc biệt là sự tiếp cận cộng đồng); nâng tầm và đẩy mạnh vai trò, giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới trong chiến lược phát triển bền vững.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Đạo Cương, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, cho biết: Ngày 19/10/1987, Việt Nam chính thức phê chuẩn tham gia Công ước 1972 về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Từ đó đến nay, Việt Nam đã có 8 di sản văn hóa, thiên nhiên được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Cùng với đó, kể từ khi tham gia Công ước 1972 đến nay, Việt Nam đã 2 lần được tín nhiệm bầu là một trong 21 thành viên Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2013-2017 và nhiệm kỳ 2023-2027.
Đặc biệt, ngày 23/11/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Di sản văn hóa, góp phần thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về di sản văn hóa, với nhiều điểm mới, tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống văn hóa, xã hội và kinh tế của đất nước, tạo nên bước chuyển cơ bản về thế và lực cho sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam.
Việt Nam cũng đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng về nhận thức, lý luận trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới, thể hiện qua hệ thống pháp luật về di sản văn hóa ngày càng được hoàn thiện. Năm 2024, 8 di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới ở Việt Nam đã đón khoảng 14,9 triệu lượt khách, là minh chứng sống động cho việc phát huy giá trị của di sản thế giới.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, nhấn mạnh, kể từ khi Vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, quy định về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản, đặc biệt trong lĩnh vực trọng tâm về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý Di sản, quản lý môi trường kinh doanh du lịch và phát triển sản phẩm du lịch.
Nhiều giải pháp đột phá được triển khai thể hiện sự quyết tâm ưu tiên bảo tồn nguyên vẹn các giá trị Di sản, như: Di dời các hộ dân làng chài trên vịnh lên bờ sinh sống; cấm đánh bắt thủy sản trong vùng bảo vệ tuyệt đối; chấm dứt hoạt động bốc xếp, chuyển tải hàng hóa rời clinker, xi măng, dăm gỗ trên vịnh Hạ Long; di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi vùng đệm di sản; thành lập khu bảo tồn thiên nhiên, khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan để bảo vệ nghiêm ngặt các hệ sinh thái của vịnh Hạ Long. Các sản phẩm, dịch vụ du lịch trên vịnh Hạ Long được ban hành các quy chuẩn riêng, thậm chí tàu du lịch được ban hành quy chuẩn cao hơn so với quy chuẩn quốc gia. Nhờ đó, đã mở ra cơ hội mới cho phát triển du lịch của tỉnh Quảng Ninh theo hướng tăng trưởng “xanh” gắn với phát triển bền vững dựa trên các trụ cột thiên nhiên - con người - văn hoá.
Đặc biệt, tỉnh xây dựng đã triển khai bộ quy tắc ứng xử "Văn minh du lịch", quy tắc ứng xử người Quảng Ninh, quy tắc ứng xử "Nụ cười Hạ Long". Trong các bộ quy tắc ứng xử đó, cộng đồng địa phương có vai trò tích cực trong bảo vệ các giá trị di sản và tham gia tổ chức các hoạt động dịch vụ, du lịch trên vịnh Hạ Long một cách hài hòa, phù hợp; ưu tiên bảo vệ di sản song hành với công tác bảo tồn, khai thác, phát huy bền vững các giá trị của Di sản thế giới. Đặc biệt, tổ chức các hoạt động trải nghiệm văn hóa làng chài của ngư dân trên vịnh Hạ Long: Tham quan các nhà bè bảo tồn tại khu vực Vông Viêng, Cửa Vạn; nghe hát giao duyên trên thực cảnh vịnh Hạ Long; cộng đồng dân cư tại Vịnh Hạ Long giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống thông qua các lễ hội, tập tục sinh hoạt và nghệ thuật dân gian. Các làng chài như Cửa Vạn và Vông Viêng đã trở thành điểm đến hấp dẫn, nơi du khách có thể trải nghiệm cuộc sống của ngư dân và tìm hiểu về văn hóa biển đảo.
Với sự nỗ lực và quyết tâm của cả chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân, Vịnh Hạ Long đã thực sự trở thành thương hiệu nổi tiếng của du lịch Quảng Ninh, của Việt Nam và của thế giới; là niềm tự hào của Quảng Ninh và là điểm đến được lựa chọn hàng đầu của du khách trong nước và quốc tế, được đài CNN bình chọn là một trong 25 điểm đến hấp dẫn nhất trên thế giới vào năm 2023.
Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm từ góc độ quản lý nhà nước, sở hữu di sản trong việc phát huy giá trị di sản thế giới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao đời sống của người dân. Đồng thời, rút ra một số kiến nghị, đề xuất cho công tác quản lý di sản trong thời gian tới, bao gồm: Tiếp tục hoàn thiện các cơ sở pháp lý trong quản lý di sản; tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức và vai trò, sự tham gia của cộng đồng vì đây chính là chủ sở hữu di sản.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường công tác bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên, phát triển du lịch bền vững; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản; đào tạo nâng cao năng lực của cán bộ quản lý di sản và ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/hoi-thao-ve-bao-ve-va-phat-huy-gia-tri-di-san-the-gioi-dua-vao-cong-dong-3359136.html
Bình luận (0)