Sản xuất công nghệ cao đã giúp cho nhận thức cộng đồng về nông nghiệp bền vững |
Thúc đẩy phong trào sản xuất mới
Vườn rau được sản xuất theo quy trình mới của HTX Thủy canh Huế, tại phường Thủy Lương (nay là phường Hương Thủy) là một trong số các mô hình trồng trọt bằng công nghệ cao. Theo đó, mô hình được thực hiện bằng phương pháp tiên tiến, kỹ thuật trồng rau sạch được đơn vị thiết kế trong nhà màng, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và quy trình làm mát của Israel, với hệ thống tưới, châm phân, quạt thông gió điều hòa không khí... bằng hệ thống tự động điều khiển qua mạng wifi.
Giám đốc HTX Nông nghiệp thủy canh Huế Ngô Xuân Phước chia sẻ, nông nghiệp công nghệ cao đã góp phần giảm ô nhiễm, ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các mô hình như trồng cây trong nhà kính hoặc canh tác thẳng đứng. Qua đó, đã góp phần thúc đẩy phong trào sản xuất mới, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về nông nghiệp bền vững.
Cùng với kỹ thuật trồng rau được thiết kế trong nhà màng, ứng dụng tưới nhỏ giọt và quy trình làm mát của công nghệ Israel, mô hình sản xuất rau sạch của HTX này còn được thực hiện với quy trình thủy canh, tức là kỹ thuật trồng cây trong dung dịch dinh dưỡng hay được gọi là trồng cây trong nước hoặc trồng cây không cần đất. Theo ông Ngô Xuân Phước, quy trình sản xuất rau sạch này đem lại giá trị kinh tế cao gần gấp đôi so với sản xuất thông thường, do thị trường ưu chuộng và tin dùng...
Vườn rau của HTX Thủy canh Huế cũng là mô hình trồng trọt công nghệ cao đang được ứng dụng và đầu tư khá phổ biến tại TP. Huế. Mô hình này bao gồm các hoạt động sản xuất nông nghiệp phù hợp trong không gian đô thị, ven đô như trồng rau sạch, hoa kiểng, đến nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi quy mô nhỏ… Thực tế cho thấy, các mô hình nông nghiệp đô thị ở Huế gần đây đã góp phần cung cấp nguồn thực phẩm tươi sạch tại chỗ, giảm phụ thuộc vào vận chuyển từ nông thôn, tạo thu nhập và việc làm ổn định cho cư dân đô thị.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Lê Văn Anh cho rằng, xuất phát từ nhu cầu thực tế, hầu hết các doanh nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp đều đầu tư nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cao vào sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Cùng với trồng trọt công nghệ cao, thành phố Huế đã và đang triển khai nhiều mô hình nông nghiệp nuôi trồng thủy sản bền vững, ứng dụng công nghệ sinh thái để bảo vệ môi trường đầm phá. Thành phố cũng đang tận dụng rất tốt cảnh quan tự nhiên và di sản văn hóa để phát triển các mô hình nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái, tổ chức các trang trại ở ven đô, kết hợp sản xuất nông nghiệp với trải nghiệm du lịch, thu hút khách tham quan tìm hiểu về nông nghiệp và văn hóa Huế.
Vườn rau được sản xuất với công nghệ cao của HTX Thủy canh Huế |
Cơ hội phát triển
Theo Quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, thành phố Huế định hướng phát triển kinh tế xanh, bền vững, với cơ cấu kinh tế dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Trong đó, nông nghiệp được xác định là một trụ cột, đặc biệt là nông nghiệp đô thị, gắn với bảo tồn di sản và thích ứng biến đổi khí hậu.
Nông nghiệp đô thị đang hướng đến mô hình hiện đại, chất lượng cao với tỷ suất đầu tư cho dự án lớn. Tuy nhiên, trở ngại hiện nay của Huế là phát triển hạ tầng kỹ thuật như nhà màng, kho bãi, hệ thống tưới tiêu… chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu phát triển nông nghiệp đô thị công nghệ cao. Việc đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi vốn lớn, trong khi nhiều nông dân và hợp tác xã còn thiếu kỹ năng và công nghệ tiên tiến. Vấn đề quan trọng khác là thị trường, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Nhà nước cần giữ vai trò kết nối, tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao ở các cơ sở du lịch cao cấp và xuất khẩu ra các thị trường khó tính. Xem đó là yếu tố then chốt.
Theo ông Lê Văn Anh, để phát triển nông nghiệp đô thị, bên cạnh việc ứng dụng công nghệ cao trong phát triển, cần xây dựng trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ nông nghiệp phù hợp, tích hợp nông nghiệp đô thị vào quy hoạch đô thị, ưu tiên phát triển các vùng nông nghiệp công nghệ cao tập trung ở các vùng ven đô thị, hình thành không gian sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch. Ngoài ra, hỗ trợ hình thành và phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh việc phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, giá trị cao tại các vùng sinh thái. Chú trọng đào tạo nhân lực quản trị và lao động có kỹ thuật, tay nghề giỏi, khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp, các trang trại, gia trại tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và phát huy nội lực để nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nông sản, đặc sản Huế; thông qua kết nối du lịch, như du lịch sinh thái, ẩm thực, làng nghề nhằm gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, từ đó hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị...
Nguồn: https://huengaynay.vn/kinh-te/huong-toi-nen-nong-nghiep-do-thi-155395.html
Bình luận (0)