Ảnh: CTV
Ở bản Lon Kéo, xã Chiềng Kheo, huyện Mai Sơn, bà Lò Thị Viên thuộc hộ nghèo, thường xuyên đau ốm, sống một mình trong căn nhà tạm bợ. Được xét duyệt làm nhà ở theo chương trình lần này, bà Viên vui mừng khôn xiết. Tuy nhiên, khi tiến hành làm nhà, điều bà lo ngại nhất là số tiền công phải trả rất lớn, không thể kham nổi.
Điều bà Viên lo lắng đã được giải tỏa, ngoài số tiền hỗ trợ 60 triệu đồng của Nhà nước, còn được bà con, anh em, đoàn thể đóng góp, hỗ trợ, bà Viên đã có ngôi nhà khang trang để an hưởng tuổi già. Bà Viên tâm sự: Nhờ có sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự đồng cảm, sẻ chia và hỗ trợ của bà con, ước mơ về ngôi nhà kiên cố của tôi đã thành sự thật.
Chị Cầm Thị Hương, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Chiềng Kheo, huyện Mai Sơn cho biết: Chúng tôi đã phát động tới toàn thể hội viên phụ nữ trong toàn xã, mỗi hội viên ủng hộ từ 1-2 kg gạo và ít nhất 1 ngày công lao động giúp các chị em phụ nữ nghèo xóa nhà tạm trong dịp này.
Mai Sơn là một trong những địa phương có nhu cầu xóa nhà tạm lớn. Qua rà soát, năm 2025, toàn huyện có 523 hộ đăng ký xóa nhà tạm, trong đó, có 455 hộ nghèo; 68 hộ người có công. Đến nay, 100% các nhà đã hoàn thành, vượt kế hoạch đề ra. Mỗi căn nhà được xây dựng đảm bảo theo tiêu chuẩn “3 cứng”, với diện tích tối thiểu 30 mét vuông.
Ông Ngô Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn, cho biết: Việc huy động sức dân và các lực lượng vào cuộc để xây dựng nhà ở, không chỉ giảm được tối đa kinh phí xây dựng, giảm bớt khó khăn cho các đối tượng, mà còn rút ngắn thời gian thực hiện. Ngoài nguồn hỗ trợ theo quy định của tỉnh, huyện đã cân đối nguồn kinh phí tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 và huy động gần 3,9 tỷ đồng từ nguồn xã hội hoá để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Tại các địa phương của huyện Mai Sơn, đều có những cách làm sáng tạo trong việc huy động sức dân chung tay xóa nhà tạm. Điển hình, xã Phiêng Pằn đã phối hợp với đơn vị xây dựng thi công theo hình thức “chìa khóa trao tay”. Tại xã Chiềng Lương, Hội Cựu chiến binh xã đã thành lập 2 tổ xây, với 16 thành viên là các cựu chiến binh có kinh nghiệm xây dựng đứng ra nhận thi công và lấy giá ưu đãi, thấp hơn giá thị trường...
Còn tại huyện vùng cao Bắc Yên, đặt mục tiêu xóa 161 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025, huyện đã xây dựng kế hoạch chi tiết, phân công nhiệm vụ cho các phòng, ban chuyên môn, các xã, thị trấn. Trong quá trình triển khai, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp đã có nhiều giải pháp huy động nguồn lực từ nhân dân để xóa nhà tạm, nhà dột nát, với tinh thần “ai có gì giúp nấy, có công giúp công, có của giúp của, có ít giúp ít, có nhiều giúp nhiều”. Kết quả, huyện Bắc Yên đã về đích sớm hơn 15 ngày so với kế hoạch đề ra.
Ông Đào Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên, chia sẻ: Theo tính toán, để làm được một ngôi nhà theo đúng tiêu chí “3 cứng” (nền cứng, khung cứng và mái cứng) thì chi phí lên tới 200 triệu đồng, nhưng với sự tham gia đóng góp ngày công, vật liệu xây dựng của cộng đồng, chi phí làm mỗi căn nhà có thể giảm một nửa. Các địa phương vùng cao đã huy động lực lượng quân sự, công an, dân quân tự vệ, đoàn viên, hội viên các đoàn thể tham gia gần 2.400 ngày công lao động, đóng góp gần 20 triệu đồng mua vật dụng thiết yếu và vật liệu xây dựng hỗ trợ nhân dân làm nhà. Một số xã còn bảo lãnh ứng trước vật liệu để nhân dân thi công đúng tiến độ.
Cán bộ Ban CHQS huyện Mai Sơn giúp hộ nghèo xã Chiềng Chăn xóa nhà tạm.
Ảnh: CTV
Chị Hoàng Thị Huệ, Bí thư Huyện đoàn Bắc Yên, cho biết: Tuổi trẻ Bắc Yên thành lập 16 đội tình nguyện, với hơn 400 thành viên hỗ trợ ngày công và quyên góp, ủng hộ vật liệu xây dựng giúp đỡ 18 gia đình xây dựng nhà ở.
Toàn tỉnh đã huy động hàng nghìn ngày công lao động; hàng trăm tấn vật liệu xây dựng và đồ dùng thiết yếu đã được người dân chung tay hỗ trợ, đóng góp, đã giúp các địa phương hoàn thành 3.058 căn nhà cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công, hoàn thành sớm hơn 169 ngày so với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thành quả ấy không chỉ là sự khẳng định quyết tâm chính trị, mà còn là minh chứng sống động cho sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.
Với những cách làm linh hoạt, sáng tạo, sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành và nhân dân, Sơn La đã đẩy nhanh tiến độ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, từng bước hiện thực hóa giấc mơ an cư cho hộ nghèo, thể hiện tính nhân văn sâu sắc của chương trình.
Nguồn: https://baosonla.vn/xa-hoi/huy-dong-suc-dan-xoa-nha-tam-nha-dot-nat-5pklRvaNR.html
Bình luận (0)