Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Khám bảo hiểm y tế: Xếp hàng từ sáng sớm, trưa vẫn chưa tới lượt

Tình trạng quá tải tại các bệnh viện khiến bệnh nhân bảo hiểm y tế rơi vào tình trạng chờ đợi mòn mỏi mỗi lần thăm khám. Tại các bệnh viện tuyến cuối, dù đã xếp hàng từ sáng sớm, nhiều người vẫn phải mệt mỏi chờ đợi ít nhất 4-5 tiếng mới tới lượt.

Báo Tuổi TrẻBáo Tuổi Trẻ13/05/2025

bảo hiểm - Ảnh 1.

Người bệnh khám BHYT tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn (TP.HCM) mòn mỏi chờ đợi đến lượt khám dù có nhiều người có mặt tại đây từ 5-6h - Ảnh: THU HIẾN

Đây cũng là bài toán "đau đầu" của nhiều bệnh viện, nhất là đối với các bệnh viện tuyến cuối khi số lượng người bệnh từ các tỉnh đổ về ngày một đông.

Chờ 4-5 tiếng mệt mỏi vật vã 

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ vào những ngày đầu tháng 5, tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM bệnh nhân ngồi đợi xếp hàng thăm khám đông nghẹt tại các khu vực khám và điều trị.

Gần 10h sáng nhiều bệnh nhân vẫn chưa đến lượt thăm khám, điều trị dù đã xếp hàng ở bệnh viện từ lúc 6h sáng, thậm chí sớm hơn. Đa phần các bệnh nhân từ tuyến tỉnh chuyển đến như Đồng Nai, Bình Dương, Bến Tre, Bình Định...

Đây là lần thứ 9 bà N.T.L. (50 tuổi, Bến Tre, mắc ung thư đại trực tràng) đến bệnh viện để được hóa trị vào mỗi tuần. Dù được các bác sĩ đưa giấy hẹn vào số 47 nhưng đến gần 10h sáng số thứ tự mới đến 43.

"Hơn 4h sáng vợ chồng tôi đã tranh thủ dọn dẹp đồ đạc, ăn sáng rồi chạy xe từ quê đến bệnh viện thăm khám. Chúng tôi chờ đợi từ lúc 6h sáng đến gần 10h vẫn chưa tới lượt do bệnh nhân hóa trị đông quá. Cứ mỗi lần đi khám là xác định mất hết luôn ngày", bà L. tâm sự.

Tương tự, tại khu vực chờ khám bệnh ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn (TP.HCM) những ngày gần đây chật kín người chờ khám bệnh, trong đó phần đông là người cao tuổi khám bảo hiểm y tế (BHYT).

Đặc biệt vào khung giờ từ sáng sớm đến giữa trưa, lượng bệnh nhân khám BHYT đổ về đây rất đông. Từ phòng khám đến sảnh chính, từng lớp người bệnh ngồi kín các dãy ghế, lớp thì nối đuôi nhau xếp hàng dài chờ đến lượt.

Vì đợi quá lâu và mệt mỏi, nhiều người bệnh phải ngồi bệt xuống nền nhà. Các bệnh nhân cho biết họ có mặt tại bệnh viện từ lúc 5-6h sáng, tranh thủ xếp hàng lấy số thứ tự nhưng vẫn không tránh khỏi cảnh chen chúc, chờ đợi.

"Tôi đến đây lấy số từ sáng sớm, mà gần 2 tiếng mới được gọi tên", một bệnh nhân chia sẻ. Cùng cảnh ngộ, một bà cụ cho hay mình phải đi đo điện tim định kỳ theo yêu cầu của bác sĩ, nhưng mỗi lần đến đều phải đợi từ 1-2 tiếng.

Quá tải ở bệnh viện tuyến cuối

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Võ Hồng Minh Phước - phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM) - cho hay có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh nhân chờ đợi lâu như do số lượng bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh lý ung bướu mới ngày càng nhiều dẫn đến việc gia tăng lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh.

Ngoài ra, bệnh nhân từ các tỉnh đổ về nhiều, phần lớn bệnh nhân luôn có nhu cầu khám xong trong ngày (để tránh phát sinh các chi phí ăn ở qua đêm) nên thường tập trung đến khám từ đầu giờ sáng.

Bên cạnh đó do hạn chế về năng lực phục vụ như máy móc hiện đại nhưng số lượng còn hạn chế, không đủ đáp ứng số lượng bệnh nhân ngày càng tăng.

Bác sĩ Phước cho hay với số bệnh nhân đến từ các tỉnh tăng, bệnh viện đưa ra nhiều giải pháp để giảm tải cho người bệnh như sau: tổ chức triển khai tiếp nhận và khám bệnh sớm từ 5h sáng; tăng số ca xạ bắt đầu từ 5h sáng, kết thúc khoảng 24h; tổ chức mổ ngoài giờ hành chánh và ngày thứ bảy; hóa trị ngoài giờ ngày thứ bảy...

Đồng thời khuyến khích người bệnh sử dụng app/website để đặt lịch khám; dự kiến thời gian tới bệnh viện sẽ tăng cường các hình thức thanh toán viện phí, BHYT hoặc nhận kết quả xét nghiệm, hình ảnh trực tuyến để tránh người bệnh phải chờ đợi lấy kết quả.

bảo hiểm - Ảnh 2.

Tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM bệnh nhân ngồi đợi xếp hàng thăm khám đông nghẹt tại các khu vực khám và điều trị - Ảnh: GIA HÂN

Giải quyết căn cơ ra sao?

Tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn, đại diện bệnh viện thừa nhận có những thời điểm khoa khám bệnh quá tải vì phần mềm, máy móc gặp trục trặc.

Bên cạnh đó bệnh viện mới đưa vào vận hành tòa nhà mới nên cách bố trí chưa hài hòa giữa các khoa phòng, khiến bệnh nhân di chuyển nhiều hơn, kéo theo thời gian chờ đợi lâu hơn.

Số lượt bệnh nhân khám BHYT tại bệnh viện có chiều hướng tăng với khoảng 1.700 lượt/ngày (trước đây khoảng 1.400 - 1.500 lượt/ngày). Trường hợp bệnh nhân đến khám bệnh lấy thuốc, không khám cận lâm sàng thì thời gian khám nhanh, khoảng 30 phút.

Còn trường hợp bệnh nhân khám cận lâm sàng (siêu âm, đo điện tim, xét nghiệm máu, chụp X-quang) thì thời gian khám kéo dài hơn, có số ít trường hợp không kịp khám trong buổi sáng.

Trả lời phản ánh của người bệnh về việc mặc định phải làm xét nghiệm mới ra toa thuốc khi khám BHYT, vị này cho biết theo phác đồ của Bộ Y tế, người bệnh mắc một số bệnh lý cần khám cận lâm sàng sau 3-6 tháng như đái tháo đường, không có việc mặc định mỗi lần người bệnh đến khám sẽ làm.

Để giải quyết căn cơ tình trạng bệnh nhân đến từ các tỉnh tập trung ở các bệnh viện lớn TP.HCM như Bệnh viện Ung bướu, ông Phước cho rằng cần phải triển khai những kế hoạch, giải pháp như sau: xây dựng và phát triển mạng lưới phòng chống ung thư khu vực phía Nam và liên kết vùng, cần tăng cường phối hợp vùng nhằm triển khai công tác khám sàng lọc, đẩy mạnh phối hợp, hợp tác vùng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác chẩn đoán, điều trị các bệnh lý ung thư thường gặp tại mỗi địa phương.

Đồng thời phát triển, chuẩn hóa nguồn nhân lực chuyên ngành ung bướu theo các cấp độ kỹ thuật, các cấp chuyên môn. Các bệnh viện tuyến tỉnh cần nâng cao năng lực điều trị để thu hút bệnh nhân đến điều trị ở các tuyến dưới nhằm giảm tải cho những bệnh viện tuyến trên.

Các bệnh viện tuyến cuối tăng cường hỗ trợ

Nhằm giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh, những năm gần đây ngành y tế TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp như: chuyển đổi số, nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở (đưa thuốc về trạm y tế, đưa bác sĩ mới ra trường thực hành tại y tế cơ sở, đưa bác sĩ trẻ về trạm y tế), các bệnh viện tuyến cuối tăng cường hỗ trợ cho tuyến quận, huyện, liên kết vùng…

Điển hình, mới đây Sở Y tế TP.HCM đã ký quyết định cho bốn bệnh viện tuyến cuối gồm: Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP, Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Nhi đồng 1 hỗ trợ toàn diện cho Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn. Điều này sẽ giải quyết được nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân, giảm tải cho tuyến cuối.

Ngoài ra ngành y tế TP.HCM cũng đã ký kết hợp tác và thỏa thuận với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, 13 tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Điều này giải quyết bài toán căng thẳng bấy lâu nay khi giúp người bệnh không phải lên tuyến trên chữa trị, vừa tốn kém vừa gây lãng phí nguồn lực.

Đọc tiếp Về trang Chủ đề
THU HIẾN - XUÂN MAI - GIA HÂN

Nguồn: https://tuoitre.vn/kham-bao-hiem-y-te-xep-hang-tu-sang-som-trua-van-chua-toi-luot-20250512220842929.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang
Những điểm du lịch Ninh Bình không thể bỏ qua
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Những bản làng bên dãy Trường Sơn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm