Từ nhiều năm nay, anh Bo Bo Thụ (xã Ba Cụm Bắc) đã trở thành một thành viên tích cực trong đội văn nghệ của xã và huyện. Với niềm yêu thích ca hát, cùng ý thức về việc góp phần giữ gìn văn hóa truyền thống của đồng bào mình, anh đã không ngừng nỗ lực để tập luyện, biểu diễn được nhiều làn điệu dân ca Raglai, sử dụng nhạc cụ đàn đá, mã la. “Ban đầu, tôi chỉ tham gia đội văn nghệ để được cùng mọi người đi biểu diễn, gặp gỡ giao lưu cho vui. Nhưng càng ngày, tôi càng thấy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình thật hay và ý nghĩa nên mong muốn được cùng mọi người giới thiệu rộng rãi hơn”, anh cho biết.
Các bạn trẻ ở huyện Khánh Sơn trình diễn trang phục truyền thống tại Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam trên địa bàn tỉnh năm 2025. |
Với Nghệ nhân Ưu tú Mấu Quốc Tiến, sau mấy chục năm gắn bó với công việc sưu tầm, biên soạn về văn hóa, nghệ thuật dân gian Raglai, ông gần như đã chứng kiến đầy đủ những giai đoạn thăng trầm của vốn văn hóa truyền thống trong đời sống người dân. Từng có những năm tháng, văn hóa, nghệ thuật diễn xướng Raglai đã đi vào con đường mai một, lớp trẻ thờ ơ với chính những giá trị tinh thần của ông bà mình truyền lại. Vậy nên, chứng kiến cảnh những bạn trẻ người Raglai hôm nay đi học sử dụng nhạc cụ đàn đá, kèn bầu, mã la, đàn chapi, hát các làn điệu dân ca alâu, hát ru, biểu diễn những vũ điệu truyền thống, mặc các bộ trang phục dân tộc… thực sự để lại nhiều cảm xúc đối với người tâm huyết với văn hóa Raglai như ông. “Thế hệ trẻ bây giờ được học hành đầy đủ, nên trình độ nhận thức về văn hóa dân tộc cũng được nâng lên. Cùng với đó, đời sống vật chất của người dân ngày càng phát triển hơn nên mỗi người có thêm điều kiện để quan tâm, tìm về với vốn văn hóa, nghệ thuật truyền thống. Các cấp chính quyền cũng triển khai thực hiện nhiều chính sách về bảo tồn, phát huy vốn văn hóa truyền thống dân tộc. Tất cả đã mang đến những kết quả tích cực khi ngày càng có nhiều người chung tay giữ gìn văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc Raglai”, ông chia sẻ.
Một trong những chính sách về bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống được thực hiện trên địa bàn huyện Khánh Sơn khá hiệu quả chính là Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với phát triển du lịch”, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Triển khai các nội dung của dự án 6, từ năm 2021 đến nay, huyện Khánh Sơn đã tiếp nhận nguồn vốn đầu tư hơn 3,8 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, qua đó thực hiện 19 nhiệm vụ thành phần của dự án được cấp có thẩm quyền giao. Nhìn chung, các chỉ tiêu, tiêu chí cơ bản đạt hoặc gần đạt so với kế hoạch đề ra như: Có 75% xã, thị trấn có trung tâm văn hóa, thể thao; 96,8% thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa, khu thể thao thôn; hỗ trợ hoạt động cho 12 đội văn nghệ truyền thống (đạt 75% kế hoạch); phục dựng 1 lễ hội truyền thống tiêu biểu trên địa bàn huyện (đạt 50% kế hoạch); tổ chức 2 lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy bảo tồn, phát huy các loại hình văn hóa phi vật thể (đạt 100% kế hoạch); hỗ trợ xây dựng tủ sách cộng đồng cho 8 xã vùng đồng bào DTTS (đạt 100% kế hoạch); hỗ trợ đầu tư xây dựng và trang thiết bị hoạt động cho thiết chế văn hóa, thể thao tại các thôn vùng đồng bào DTTS (đạt 100% kế hoạch). Hiện vẫn còn một số chỉ tiêu chưa thực hiện gồm: Hỗ trợ xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào DTTS; bảo tồn làng văn hóa truyền thống vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Tiết mục biểu diễn nghệ thuật truyền thống của đội văn nghệ quần chúng huyện Khánh Sơn tại Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam trên địa bàn tỉnh năm 2025. |
Theo ông Cao Minh Vỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, việc thực hiện dự án 6 đã góp phần thực hiện có hiệu quả, kịp thời các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; góp phần khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống; bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào DTTS và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc. Các đội văn nghệ được hỗ trợ về hướng dẫn, dàn dựng và tổ chức hoạt động. Qua đó, các thành viên trong đội tham gia tích cực các sự kiện, hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Nhiều thiết chế văn hóa được đầu tư, cải tạo, nâng cấp đảm bảo tiêu chuẩn, khang trang, sạch đẹp. Dự án 6 được triển khai góp phần quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.
Tuy nhiên, việc thực hiện dự án 6 trên địa bàn huyện Khánh Sơn vẫn còn gặp những khó khăn, nhất là việc thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống DTTS gắn với phát triển du lịch; việc huy động nguồn lực của nhân dân tham gia công tác này còn hạn chế. Vậy nên, thời gian tới, các cấp chính quyền trên địa bàn huyện cần tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh hiệu quả công tác tuyên truyền; phát huy vai trò làm chủ, tích cực tham gia của cộng đồng và người dân trong công tác bảo tồn, phát huy, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống…
GIANG ĐÌNH
Nguồn: https://baokhanhhoa.vn/van-hoa/202505/khanh-son-giu-gin-net-dep-van-hoa-truyen-thong-nguoi-raglai-d201791/
Bình luận (0)