Sáng 31.3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên, về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, giai đoạn 2021 - 2024. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Lâm Văn Đoan chủ trì cuộc làm việc.

Có chính sách đãi ngộ vẫn khó thu hút
Theo Báo cáo, chính sách thu hút, tuyển dụng, sử dụng đối với đội ngũ giảng viên của Trường Đại học Y - Dược được quy định tại Quy chế đào tạo, bồi dưỡng viên chức, người lao động và Quy chế chi tiêu nội bộ của trường, hàng năm được chỉnh sửa, bổ sung phù hợp với thực tế. Những chính sách này được đánh giá nhìn chung cao hơn các trường trong Đại học Thái Nguyên và một số trường đại học y - dược trong nước.
Cụ thể, chi thưởng thu hút cán bộ về trường (Thạc sĩ 100.000.000 đồng/người; Tiến sĩ 400.000.000 đồng/người); chi hỗ trợ hàng tháng cho cán bộ giảng dạy có trình độ cao theo quy định của Đại học Thái Nguyên (Giáo sư 1.200.000 đồng/người/tháng; Phó Giáo sư, GVCC 900.000 đồng/người/tháng; Tiến sĩ 600.000 đồng/người/tháng); chi hỗ trợ tiền học phí, tiền ăn ở, đi lại hàng tháng đối với cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn.

Bên cạnh đó, trường còn chi thưởng khuyến khích đối với cán bộ hoàn thành học nghiên cứu sinh: nghiên cứu sinh bảo vệ luận án cấp Trường thành công, đúng kỳ hạn (theo Quyết định cử đi học): 50.000.000 đồng/người; chi thưởng đối với cán bộ đạt chuẩn các chức danh do Hội đồng học hàm Nhà nước công nhận: Giáo sư: 100.000.000 đồng/người; Phó Giáo sư: 60.000.000 đồng/người.
Tuy nhiên, đến nay, Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên, chưa tuyển được cán bộ lĩnh vực sức khỏe có trình độ cao về công tác. Nguyên nhân, theo TS. Nguyễn Phương Sinh, Phó Hiệu trưởng nhà trường, là do tâm lý e ngại phải đi học nghiên cứu sinh khi mức lương còn hạn chế; sự chênh lệch lớn về mức lương, chính sách thu hút ban đầu đối với giảng viên, giảng viên trình độ cao giữa các trường đại học y - dược công lập và các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở y tế ngoài công lập.
Sự hạn chế về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị… để giảng viên phát huy năng lực nghiên cứu khoa học và triển khai các kỹ thuật phục vụ cộng đồng so với các bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập, giữa các địa phương với Trung ương cũng là nguyên nhân khiến Trường Đại học Y - Dược nói riêng, các trường đại học y - dược công lập nói chung khó thu hút giảng viên trình độ cao.

Nhiều quy định gây khó khăn cho tuyển sinh
Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên, là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực y tế có trình độ đại học, sau đại học; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ y - dược; hỗ trợ phát triển hệ thống y tế, cung cấp dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân các dân tộc Trung du, miền núi phía Bắc và cả nước. Đến nay Trường đã đào tạo được gần 40 nghìn nhân viên y tế có chất lượng cao. Nhiều cựu người học của Trường đã và đang thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt đồng bào dân tộc thiểu số tại các tuyến cơ sở đến Trung ương.
Hiện Trường có quy mô đào tạo gần 11.000 người học với 9 mã ngành trình độ đại học, 43 mã ngành trình độ sau đại học và hàng trăm chương trình đào tạo/bồi dưỡng ngắn hạn, nhằm thường xuyên cập nhật, nâng cao trình độ cho đội ngũ nhân lực y tế các tỉnh.

Theo TS. Nguyễn Quang Mạnh - Trưởng phòng Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, công tác tuyển sinh của trường hiện cũng gặp khó khăn, do một số quy định pháp luật chưa phù hợp. Chẳng hạn như, tuyển sinh dự bị đại học được thực hiện theo Điều 4, Thông tư số 44/2021/NĐ-CP ngày 8.12.2020 của Chính phủ (cử tuyển), chỉ tiêu tuyển sinh nằm trong chỉ tiêu tuyển sinh chung, nên đối tượng dự bị đại học khi xét tuyển, cơ hội trúng tuyển thấp hơn so với tuyển sinh chính quy.
Theo Điều 9, Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT, ngưỡng đầu vào đối với tuyển sinh khối ngành sức khỏe: a) Học lực lớp 12 xếp loại từ giỏi trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8,0 trở lên đối với ngành Y khoa, Răng - Hàm - Mặt và Dược học; b) Học lực lớp 12 xếp loại từ khá trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 6,5 trở lên đối với các ngành Điều dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng. Quy định như vậy chưa phù hợp với cán bộ y tế đang làm việc tại các Trạm y tế ở khu vực miền núi đặc biệt khó khăn.
Điều 5, Thông tư số 18/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định chỉ tiêu liên thông chính quy, liên thông vừa làm vừa học không quá 20% chỉ tiêu tuyển sinh chính quy cũng chưa phù hợp với nhu cầu đào tạo liên thông khối ngành sức khỏe, đặc biệt khu vực miền núi phía Bắc…
Hoàn thiện chính sách đào tạo nhân lực y tế người dân tộc thiểu số
Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt ở khu vực Trung du, miền núi phía Bắc, Trường Đại học Y - Dược kiến nghị Chính phủ rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách đào tạo nguồn nhân lực y tế người dân tộc thiểu số.
Quy định về lương và các chế độ khác cần điều chỉnh phù hợp với thời gian đào tạo, mức độ đặc thù ngành nghề đối với giảng viên lĩnh vực sức khỏe vì vừa thực hiện nhiệm vụ của giảng viên vừa thực hiện nhiệm vụ của cán bộ y tế tham gia khám, điều trị, phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Xem xét, điều chỉnh tiêu chí lựa chọn sinh viên cử tuyển là người dân tộc thiểu số, tiêu chí lựa chọn vào học dự bị đại học theo chế độ cử tuyển tại Nghị định số 141/2020/NĐ-CP.

Với Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề nghị nghiên cứu xây dựng Đề án đào tạo liên thông giữa các trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng với trình độ đại học cho cán bộ y tế đang làm việc tại tuyến y tế cơ sở. Đối với tuyển sinh dự bị đại học, không tính chung với chỉ tiêu tuyển sinh chính quy và nên có cơ chế tuyển sinh đặc thù.
Bổ sung các trường đào tạo lĩnh vực sức khỏe vào nhóm trường đào tạo nhóm ngành đặc thù. Điều chỉnh quy định ngưỡng đầu vào đối với tuyển sinh liên thông ngành Y khoa, Răng hàm mặt để phù hợp với cán bộ y tế đang làm việc tại các trạm y tế ở khu vực miền núi đặc biệt khó khăn...
Thay mặt Đoàn giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Lâm Văn Đoan đánh cao nỗ lực, thành quả của Trường Đại học Y - Dược trong gần 60 năm qua, đào tạo đội ngũ cán bộ y tế không chỉ cho Thái Nguyên mà còn cho các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc. Nhà trường cũng đã có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, được đánh giá hơn hẳn nhiều cơ sở giáo dục đại học khác...
Trong bối cảnh khoa học - công nghệ phát triển nhanh chóng đặt ra yêu cầu đào tạo nhân lực ngày càng cao. Chia sẻ với những khó khăn của nhà trường khi đào tạo lĩnh vực đặc thù là chăm sóc sức khỏe, Đoàn giám sát mong muốn Trường Đại học Y - Dược tiếp tục phát huy truyền thống, thực hiện tốt sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực y tế; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ y - dược; hỗ trợ phát triển hệ thống y tế, cung cấp dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân các dân tộc cho Thái Nguyên và khu vực, bảo đảm cả số lượng và chất lượng.
Những những kiến nghị của nhà trường, nhất là việc sửa đổi các quy định pháp luật, sẽ được Đoàn nghiên cứu tổng hợp trong quá trình xây dựng báo cáo kết quả giám sát cũng như hoàn thiện chính sách, pháp luật lĩnh vực Giáo dục, Y tế…
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/kho-tuyen-dung-giang-vien-trinh-do-cao-khoi-nganh-suc-khoe-post408856.html
Bình luận (0)