BHG - Lịch sử không chỉ là những sự kiện, ngày, tháng đánh dấu các mốc “vàng son” của dân tộc, mà lịch sử còn chứa đựng những bài học sinh động về lòng yêu nước, ý chí kiên cường và sự hy sinh của các thế hệ đi trước để giành lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc. Bởi vậy, giáo dục lịch sử dân tộc cho thế hệ trẻ luôn là nhiệm vụ quan trọng.
Những ngày tháng Tư lịch sử, khi cả nước đang hướng về kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hơn 1.000 học sinh Trường THCS Yên Biên (thành phố Hà Giang) đã tham gia buổi sinh hoạt dưới cờ đặc biệt. Đặc biệt bởi những tiết mục văn nghệ, hoạt cảnh tái hiện sinh động cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, học sinh được giáo viên và cán bộ đoàn chia sẻ về ý nghĩa lịch sử của ngày thống nhất non sông. Buổi học ngoại khóa thực sự chạm đến cảm xúc của học sinh, giúp các em cảm nhận những mất mát, hy sinh của cha ông, tự hào vì những trang sử hào hùng của dân tộc, từ đó khơi gợi lòng yêu nước, lòng biết ơn.
Đoàn viên thành phố Hà Giang sinh hoạt chuyên đề và xem bộ phim “Địa đạo – Mặt trời trong bóng tối”. |
Trong giờ ngoại khóa giáo dục địa phương, hơn 350 học sinh khối 12 của Trường THPT Chuyên được xem bộ phim lịch sử “Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc”. Bộ phim tái hiện chân thực và đầy cảm xúc về những trang sử hào hùng của dân tộc, nơi khắc họa tinh thần bất khuất và sự hy sinh anh dũng của các thế hệ đi trước để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Sau khi xem phim, những hình ảnh người lính kiên cường, “sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử” và tình đồng bào nồng ấm đã để lại trong lòng các em những ấn tượng sâu sắc.
Trước đây, trong trường học, môn Lịch sử thường bị mặc định là môn học phụ, khô khan, thiên về ghi nhớ. Nhưng hiện nay, Lịch sử - Địa lý đang trở thành môn học chính được nhiều học sinh yêu thích. Năm học 2025 - 2026, Hà Giang chọn Lịch sử - Địa lý là môn thi bắt buộc trong kỳ thi vào lớp 10. Các thầy, cô đổi mới phương pháp giảng dạy, kết hợp chiếu phim tư liệu, mô hình mô phỏng, hình ảnh sinh động, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu lịch sử, thi “Rung chuông vàng” tìm hiểu về Đảng, Bác Hồ, sân khấu hóa, đóng vai nhân vật lịch sử hay mời các nhân chứng sống đến giao lưu; tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa đến thăm di tích Căng Bắc Mê, Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên, Bảo tàng tỉnh... Qua đó, giúp học sinh nhớ lâu, hiểu sâu sắc và cảm nhận chân thực về lịch sử, quê hương, đất nước và trách nhiệm với Tổ quốc.
Cùng với giáo dục lịch sử trong nhà trường, tâm điểm điện ảnh Việt Nam trong những ngày tháng Tư lịch sử thuộc về bộ phim “Địa đạo – Mặt trời trong bóng tối” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Các đoàn viên, thanh niên đến từ các đơn vị lực lượng vũ trang, trường học trên địa bàn thành phố Hà Giang được ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến vĩ đại khi xem bộ phim trong buổi sinh hoạt chuyên đề kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước do Tỉnh đoàn tổ chức. Đây là hình thức giáo dục chính trị, tư tưởng sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với nhu cầu tiếp nhận của giới trẻ hiện nay. Thông qua trải nghiệm trực quan sinh động, đoàn viên, thanh niên dễ dàng tiếp cận lịch sử, từ đó khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, trách nhiệm cộng đồng. Ghi nhận tại cụm rạp Venus Cinema thành phố Hà Giang, có rất nhiều khán giả trẻ hào hứng đến rạp để xem bộ phim này, hiện tại, phim có 5 suất chiếu mỗi ngày vào hầu hết các khung giờ để phục vụ khán giả.
Lịch sử không chỉ nằm trên trang sách, mà sống trong từng nhịp đập của dân tộc. Khi thế hệ trẻ hiểu, yêu lịch sử và rung động trước những hy sinh, kỳ tích của cha ông, đó chính là lúc lịch sử thực sự sống lại, sống trong nhận thức, cảm xúc và trong hành động của thế hệ trẻ hôm nay.
Bài, ảnh: AN GIANG
Nguồn: https://baohagiang.vn/50-nam-giai-phong-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc/202504/khoi-day-long-yeu-nuoc-tu-nhung-bai-hoc-lich-su-cb57e88/
Bình luận (0)