Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Không để lõm sóng internet cản trở chuyển đổi số

Đồng Nai hiện còn 25 điểm lõm sóng internet, chủ yếu thuộc địa bàn biên giới, khu vực vùng sâu, vùng xa dân cư rất thưa thớt. Để đảm bảo chuyển đổi số diễn ra thành công và không bỏ sót ai, việc phủ sóng ở các khu vực lõm sóng là rất quan trọng.

Báo Đồng NaiBáo Đồng Nai11/07/2025

Thành viên Tổ Công nghệ số cộng đồng xã Bù Đăng hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục.  hành chính trực tuyến. Ảnh:CTV
Thành viên Tổ Công nghệ số cộng đồng xã Bù Đăng hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục. hành chính trực tuyến. Ảnh:CTV

Cùng với đó, để đảm bảo mọi người dân đều có thể tiếp cận và hưởng lợi từ các dịch vụ số, góp phần xây dựng một xã hội số toàn diện và bền vững, việc thực hiện “bình dân học vụ số” thông qua tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) là một chiến lược quan trọng.

Quyết tâm xóa các điểm lõm sóng trong năm 2025

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai còn 25 thôn, ấp lõm sóng (trong đó, 18 thôn, ấp thuộc tỉnh Bình Phước cũ; 7 thôn, ấp thuộc tỉnh Đồng Nai cũ). Chủ yếu lõm sóng tại khu vực có một cụm khu dân cư gồm vài hộ dân sinh sống trong một thôn, ấp.

Phó giám đốc Sở Khoa học và công nghệ (KHCN) Nguyễn Thanh Phong cho biết, việc vẫn còn nhiều điểm lõm sóng là do nhiều nguyên nhân. Trong đó, Đồng Nai có một số khu vực đồi núi, rừng cây hoặc địa hình không bằng phẳng, gây cản trở và suy hao tín hiệu sóng. Một số khu vực vùng sâu, vùng xa có thể chưa có điện lưới hoặc nguồn điện không ổn định, gây khó khăn cho việc vận hành Trạm BTS (Trạm Thu phát sóng di động).

“Ở khu vực vùng sâu, vùng xa, tuyến biên giới, dân cư thường không sinh sống tập trung khiến việc đầu tư xây dựng trạm phát sóng trở nên kém hiệu quả về mặt kinh tế. Mặc dù đã có các chương trình viễn thông công ích để hỗ trợ nhưng việc triển khai đôi khi còn chậm trễ hoặc chưa đủ hấp dẫn nên các nhà mạng không mấy mặn mà đầu tư vào những khu vực này” - ông Phong phân tích.

Lõm sóng băng rộng di động là khu vực chưa có sóng băng rộng di động hoặc đã có nhưng sóng yếu, chập chờn và không thể truy cập sử dụng dịch vụ internet băng rộng di động của một mạng thông tin di động nào hiện có của Việt Nam (Viettel, Vinaphone, Mobifone, VietnamMobile, GtelMobile) tại vị trí trung tâm của khu vực đó (ví dụ, đối với thôn, bản thì vị trí trung tâm là nhà văn hóa của thôn, bản).

Sở KHCN đang tham mưu xây dựng Quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến 2045 và Kế hoạch Phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2025-2030. Sau khi quy hoạch được ban hành, sở sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông rà soát, quy hoạch vị trí để triển khai xây dựng, theo đó dự kiến tháng 12-2025 sẽ hoàn thành việc phủ sóng tất cả vùng lõm sóng di động trên địa bàn tỉnh. Trước mắt, trong tháng 7-2025, Sở KHCN sẽ có văn bản chỉ đạo, đôn đốc các nhà mạng tích cực triển khai phủ sóng tại các khu vực này.

Để xóa vùng lõm sóng, Phó giám đốc Sở KHCN Nguyễn Thanh Phong cho rằng, cần phải có một lộ trình đa chiều với sự phối hợp chặt chẽ từ nhiều bên. Trong đó, các nhà mạng đóng vai trò tiên phong và xây dựng thêm Trạm BTS, đặc biệt ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi mật độ dân cư thấp nhưng lại rất cần kết nối internet. Song song đó là việc nâng cao chất lượng sóng 4G, 5G, đảm bảo tốc độ và dung lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các ứng dụng số.

“Các nhà mạng nên nghiên cứu áp dụng công nghệ mới như: small cell (trạm phát sóng nhỏ), cân nhắc giải pháp vệ tinh, đồng thời cần tăng cường chia sẻ hạ tầng dùng chung để phủ sóng các điểm còn lõm sóng” - ông Phong gợi ý.

Để hỗ trợ và đồng hành cùng các nhà mạng, ông Phong cho rằng, chính quyền cần có chính sách hỗ trợ tài chính, miễn giảm thuế, phí cho các nhà mạng khi đầu tư hạ tầng ở vùng lõm sóng, vùng khó khăn; rút ngắn thời gian, đơn giản hóa quy trình cấp phép xây dựng Trạm BTS, đảm bảo tính minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà mạng. Bên cạnh đó, sử dụng hiệu quả nguồn Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích để bù đắp chi phí cho các nhà mạng khi triển khai hạ tầng ở những khu vực kém hiệu quả về kinh tế.

Phát huy vai trò tổ công nghệ số cộng đồng

Mới đây, tại Hội nghị Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu ngành KHCN phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thực hiện “bình dân học vụ số”, trong đó phát huy vai trò của tổ CNSCĐ.

Đồng Nai hiện có 1.954 tổ CNSCĐ. Các tổ này đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền về lợi ích của chuyển đổi số, đồng thời hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng các ứng dụng cơ bản như: VNeID, hướng dẫn thanh toán không dùng tiền mặt, hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến và tra cứu thông tin hành chính, hướng dẫn sử dụng mạng xã hội an toàn và hiệu quả để giao tiếp, cập nhật thông tin…

Thành viên Tổ Công nghệ số cộng đồng xã Bù Gia Mập hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến. Ảnh: H.Yến

Ông Nguyễn Thanh Phong cho biết, Sở KHCN sẽ tổ chức các khóa tập huấn thường xuyên về kiến thức, kỹ năng số mới nhất cho tổ CNSCĐ (như: an toàn thông tin mạng, phòng chống lừa đảo trực tuyến, sử dụng AI cơ bản...). Đồng thời, sẽ biên soạn các cẩm nang, video clip ngắn gọn, dễ hiểu để các thành viên của tổ CNSCĐ có công cụ hỗ trợ người dân. Hiện nay, tổ CNSCĐ hoạt động trên tinh thần tự nguyện, không được hỗ trợ kinh phí. Do vậy, Sở KHCN sẽ có hình thức công nhận, khen thưởng kịp thời để động viên các thành viên tổ, tạo động lực hoạt động bền vững.

Để thực hiện được “bình dân học vụ số” như tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Sở KHCN sẽ thiết kế nội dung và phương pháp phù hợp cho từng nhóm đối tượng: người lớn tuổi, phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số, người lao động… Cùng với đó là khuyến khích phát triển mô hình “Cộng đồng học tập số” (xây dựng các không gian học tập, chia sẻ kiến thức số tại nhà văn hóa, thư viện, điểm bưu điện văn hóa xã)…

“Chúng tôi sẽ thường xuyên khảo sát, lắng nghe phản hồi từ người dân để điều chỉnh phương pháp, nội dung hỗ trợ cho phù hợp. Đồng thời, xây dựng các “điểm cầu số” tại thôn, ấp, khu phố, nơi người dân có thể đến để được hướng dẫn, giải đáp thắc mắc về công nghệ bất cứ lúc nào. Các hoạt động của tổ CNSCĐ không chỉ dừng lại ở việc hướng dẫn sử dụng cơ bản, mà còn thúc đẩy người dân tham gia sâu hơn vào các hoạt động kinh tế số, xã hội số, chính phủ số” - ông Phong cho hay.

Hải Yến

 

 

Nguồn: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202507/khong-de-lom-song-internet-can-tro-chuyen-doi-so-c1e22c0/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Tạp chí du lịch danh tiếng ca ngợi hang Sơn Đoòng 'kỳ vĩ nhất hành tinh'
 Hang động huyền bí hấp dẫn khách Tây, được ví như 'động Phong Nha' ở Thanh Hóa
Khám phá vẻ đẹp nên thơ của vịnh Vĩnh Hy
Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm