Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Không để lọt tội phạm ngay từ khâu tiếp nhận tin báo

Trách nhiệm công tố và công tác kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm là một trong những khâu quan trọng đầu tiên trong chuỗi hoạt động tố tụng hình sự, quyết định đến chất lượng của cả quá trình xử lý tội phạm. Việc kiểm sát thực hiện tốt khâu này không chỉ giúp phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, mà còn phòng ngừa oan sai, bỏ lọt tội phạm, góp phần tạo nên nền tư pháp khách quan, công bằng, vì quyền con người và vì sự nghiêm minh của pháp luật.

Báo Phú YênBáo Phú Yên23/04/2025

Công tác kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm được ngành Kiểm sát chú trọng nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm từ ban đầu. Ảnh: VIỆN KSND TỈNH

Trong bối cảnh tình hình tội phạm có nhiều diễn biến phức tạp, mô hình tổ chức điều tra có sự thay đổi, viện KSND hai cấp Phú Yên đã chủ động, triển khai nhiều giải pháp phù hợp, nỗ lực thực hiện tốt trách nhiệm công tố, kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, bảo đảm xử lý tin báo đúng pháp luật.

Siết chặt kiểm sát ngay từ “cửa đầu”

Theo Viện KSND tỉnh, từ tháng 10/2024-3/2025, viện KSND hai cấp Phú Yên đã thực hành quyền công tố, kiểm sát việc thụ lý 905 tin báo, tố giác về tội phạm (giảm 102 tin so với cùng kỳ). Trong số đó, 733 tin đã được cơ quan điều tra giải quyết, còn 172 tin đang trong quá trình xử lý.

Điểm đáng chú ý là ngành Kiểm sát tỉnh đã ban hành 496 văn bản yêu cầu kiểm tra, xác minh, thể hiện rõ vai trò chủ động, sâu sát trong kiểm sát hoạt động điều tra ngay từ giai đoạn đầu, góp phần phòng chống nguy cơ oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm có thể nảy sinh trong khởi tố, điều tra. Viện kiểm sát cũng đã yêu cầu hủy bỏ 1 quyết định không khởi tố vụ án và cơ quan điều tra (CQĐT) đã chấp nhận, ra quyết định khởi tố theo yêu cầu; đồng thời yêu cầu khởi tố 1 vụ án khác, CQĐT đã tiếp thu và khởi tố theo đúng yêu cầu.

Viện trưởng Viện KSND tỉnh Phạm Trung Thuận chia sẻ: Với trách nhiệm kiểm sát của mình, ngành luôn thận trọng, trách nhiệm để mỗi quyết định khởi tố, không khởi tố đều phải có căn cứ không để lọt người phạm tội cũng không để xảy ra oan sai.

Từ sự chủ động ban hành hàng trăm yêu cầu xác minh, đến việc trực tiếp kiến nghị khắc phục vi phạm và thúc đẩy ký kết quy chế phối hợp liên ngành, cho thấy công tác công tố, kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm ở Phú Yên đang thích ứng với mô hình tổ chức mới của lực lượng điều tra, đồng thời khẳng định vai trò “gác cổng công lý” của ngành Kiểm sát.

Không chỉ kiểm sát trên hồ sơ, Viện KSND tỉnh còn trực tiếp tổ chức 3 cuộc kiểm sát tại CQĐT để đánh giá toàn diện việc thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm. Qua đó, đơn vị đã ban hành 11 kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm và 6 kiến nghị phòng ngừa, tất cả đều được cơ quan điều tra tiếp thu, thực hiện nghiêm túc. Ngoài ra, Viện KSND tỉnh cũng đã ban hành 2 thông báo rút kinh nghiệm, tăng cường tính giáo dục, phòng ngừa sai sót trong hoạt động tố tụng.

Bên cạnh đó, trách nhiệm công tố còn thể hiện rõ trong việc xem xét, phê chuẩn các biện pháp ngăn chặn. Đây là giai đoạn quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân. Việc đề ra yêu cầu xác minh, phân tích chứng cứ được chú trọng để vừa phục vụ xử lý đúng người, đúng tội, vừa phòng ngừa sai sót có thể dẫn đến oan sai.

Đáp ứng yêu cầu mới từ thực tiễn

Trong giai đoạn hiện nay, một yêu cầu đặt ra cấp thiết đối với công tác kiểm sát giải quyết nguồn tin tội phạm là việc không tổ chức CQĐT công an cấp huyện, trong khi tình hình tội phạm ngày càng tinh vi, đa dạng. Trước thực tế này, cuối tháng 3 vừa qua, Viện KSND tỉnh và Công an tỉnh đã chủ động ký kết quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, phân loại, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; điều tra vụ án hình sự đối với điều tra viên, cán bộ điều tra bố trí tại công an xã, phường, thị trấn.

Viện trưởng Viện KSND tỉnh Phạm Trung Thuận cho biết: Quy chế phối hợp giữa hai ngành được ký kết nhằm bảo đảm quá trình tố tụng hình sự diễn ra liên tục, đúng pháp luật, đáp ứng tình hình thực tiễn hiện nay. Quy chế phối hợp này không chỉ làm rõ vai trò, trách nhiệm của từng ngành, mà còn tạo hành lang pháp lý cho sự phối hợp nhịp nhàng giữa kiểm sát và điều tra không để gián đoạn, quá hạn hoặc bỏ sót, lọt nhiệm vụ hoặc vụ việc đang thụ lý giải quyết, với mục tiêu cuối cùng là xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, giữ vững kỷ cương pháp luật, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của ngành và của địa phương.

Bên cạnh công tác chuyên môn, Viện KSND tỉnh còn đặc biệt chú trọng đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ kiểm sát viên, nhất là về nghiệp vụ kiểm sát nguồn tin tội phạm. Cùng với đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, quản lý và theo dõi tin báo cũng được ngành Kiểm sát Phú Yên tích cực triển khai. Điều này không chỉ nâng cao hiệu quả nghiệp vụ mà còn giúp kiểm sát viên kiểm soát tiến độ và chất lượng giải quyết tin báo một cách nhanh nhạy, khách quan, chính xác.

Nguồn: https://baophuyen.vn/phap-luat/202504/khong-de-lot-toi-pham-ngay-tu-khau-tiep-nhan-tin-bao-6ce1b09/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tứ đại đỉnh đèo đất Việt
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Khoảnh khắc SVĐ Mỹ Đình ‘vỡ òa’ khi hai xe tăng rầm rập tiến vào
Cờ Tổ quốc, cờ Đảng tung bay giữa trời Nam rực nắng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm