Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Khúc tráng ca kiêu hùng thời hoa lửa

Việt NamViệt Nam24/04/2025


Những người lính sinh viên hào hoa đã dâng hiến cả tuổi thanh xuân nơi chiến trường. Không ít người đã ngã xuống, mãi mãi dừng lại ở tuổi 20… Họ đã viết nên khúc tráng ca kiêu hùng bằng ước mơ và lý tưởng của một thời tuổi trẻ.

sinh-vien.jpg
Sinh viên Trường Đại học Kinh tế kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế quốc dân) trước giờ lên đường nhập ngũ, tháng 9-1971. Ảnh tư liệu

Xếp bút nghiên lên đường ra trận

Năm 1970 là thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn cực kỳ cam go, quyết liệt, nhu cầu chi viện cho chiến trường miền Nam vô cùng cấp bách. Thực hiện lệnh tổng động viên của Nhà nước, các địa phương đồng loạt gọi thanh niên, sinh viên đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự. Trong khí thế “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, hàng nghìn sinh viên miền Bắc cũng như ở Thủ đô Hà Nội sẵn sàng “xếp bút nghiên lên đường ra trận”.

Ngày 6-9-1971, gần 4.000 sinh viên của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp khu vực miền Bắc đã dự lễ xuất quân lên đường ra trận. Tất cả chung lời hẹn ước, đợi ngày đất nước thống nhất sẽ quay lại ghế giảng đường, trau dồi kiến thức, xây dựng quê hương. Hành trang họ mang theo vào chiến trường không chỉ có súng đạn, mà còn cả những ước mơ, hoài bão tuổi trẻ, cùng khát vọng và niềm tin vào một tương lai hòa bình, thống nhất đất nước. Trong chiếc ba lô, ngoài quân tư trang, nhiều người không quên đem theo một vài cuốn sách, sổ tay làm nhật ký… như một kỷ vật, gắn bó với đời sinh viên.

Tạm xa mái trường, những người lính sinh viên vốn chỉ quen với đèn sách, phải làm quen với súng đạn, với những đêm hành quân... Khi ấy, nhà báo, cựu chiến binh Phùng Huy Thịnh đang là sinh viên năm thứ hai Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp cũng hăng hái lên đường.

Ông Phùng Huy Thịnh nhớ lại những năm tháng hào hùng: “Ngày hôm đó, chúng tôi lên đường, đem tri thức ra trận, phục vụ chiến đấu. Đông nhất là sinh viên các trường: Đại học Bách khoa, Tổng hợp, Nông nghiệp, Xây dựng, Kinh tế kế hoạch (nay là Kinh tế quốc dân), Sư phạm, Mỏ địa chất, Y dược... Phần lớn được bổ sung vào các quân binh chủng kỹ thuật, đòi hỏi có học lực cao, nhằm đáp ứng ngay các nhu cầu sử dụng vũ khí hiện đại của quân đội ta tại các chiến trường. Tôi trở thành trinh sát pháo binh thuộc Sư đoàn 325…”.

Còn ông Đào Chí Thành, ngày tòng quân mới là sinh viên năm thứ nhất Khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Chưa đầy 18 tuổi nhưng lúc đó, ông Thành đã suy nghĩ rất rõ ràng rằng, mình còn trẻ thì phải cống hiến, khi Tổ quốc gọi thì sẵn sàng lên đường và phải hoàn thành nhiệm vụ.

“Sau 3 tháng huấn luyện tăng cường, tháng 12-1971, tôi được biên chế về Đại đội 14, Trung đoàn 95, Sư đoàn 325. Đến cuối tháng 4-1972, chúng tôi vào Quảng Bình, vừa huấn luyện vừa bảo vệ miền Trung. Một tháng sau đó, đơn vị tôi hành quân vào Quảng Trị, chốt tại cổng Đông Thành cổ, chiến đấu liên tục trong những ngày hè đỏ lửa…”, ông Đào Chí Thành nhớ lại.

Xung phong vào chiến trường khi đang là sinh viên Trường Đại học Kinh tế kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế quốc dân), ông Nguyễn Chí Tuệ kể: “Ngày ấy, 100% sinh viên của nhà trường viết đơn xin nhập ngũ. Tôi được biên chế vào Trung đoàn 95, Sư đoàn 325. Trận đầu tiên là trận đánh vào Thành cổ Quảng Trị năm 1972. 81 ngày đêm, gian khổ, ác liệt lắm. Địch bắn phá không ngừng nghỉ. Lúc đó, chúng tôi toàn ăn lương khô, uống nước sông Thạch Hãn”. Sau trận Thành cổ Quảng Trị, tháng 12-1972, ông Nguyễn Chí Tuệ có niềm vinh dự lớn lao là được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

“Pháo địch nã vào Thành cổ liên tục, ta cũng đánh trả quyết liệt. Bộ đội của ta chỉ có bộ binh và pháo binh, còn của địch có cả máy bay, pháo binh, xe tăng... Chúng tôi, những thanh niên khi ấy, không chỉ chiến đấu bằng sức trẻ, mà còn bằng trí tuệ và cả trái tim yêu nước. Chúng tôi bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng đội và bảo vệ chính trái tim của mình”, ông Phùng Huy Thịnh kể tiếp.

Lớp sinh viên Hà Nội can trường ấy đã có mặt trên khắp các trận tuyến khốc liệt nhất, từ Thành cổ Quảng Trị đến chiến trường Đông Nam Bộ, tham gia giải phóng Buôn Ma Thuột, rồi tiến vào Sài Gòn. Dọc đường hành quân, những lá thư vẫn đều đặn gửi về cho thầy cô, bạn bè ở trường đại học. Sau giờ chiến đấu, họ còn tranh thủ viết nhật ký chiến trường. Những chàng trai Hà Nội hào hoa để lại hình ảnh vô cùng đẹp của những người lính tuổi đôi mươi, yêu đời, thông minh, sáng trí, dũng cảm và đầy nhiệt huyết nơi chiến trường khốc liệt.

Sau ngày non sông liền một dải, những người lính sinh viên lại trở về giảng đường, tiếp tục đi học. Rất nhiều người trở thành nhà khoa học, nhà giáo, cán bộ chủ chốt, tướng lĩnh quân đội, nhà thơ, nhà văn... Nhưng cũng không ít người đã vĩnh viễn nằm lại dưới đất thiêng ở lứa tuổi đẹp nhất của cuộc đời mình...

Đậm sâu nghĩa tình

Tuy chưa có thống kê chính xác, song có tài liệu cho rằng, trong hơn 10.000 sinh viên “xếp bút nghiên lên đường ra trận”, hàng nghìn người đã trở thành liệt sĩ khi tuổi đời chớm đôi mươi. Có người ngã xuống ngay cửa ngõ Sài Gòn như liệt sĩ Nguyễn Văn Tư (sinh viên Trường Đại học Bách khoa), hy sinh sáng 30-4-1975, cách giờ phút chiến thắng chưa đầy hai tiếng.

Hay như liệt sĩ Nguyễn Kim Duyệt (sinh viên Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội) mang theo trong ba lô toàn sách tiếng Anh, tiếng Pháp. Trong quá trình chiến đấu, người lính tài hoa ấy luôn mong ước khi nước nhà thống nhất sẽ trở lại giảng đường đại học, nhưng ước nguyện đó mãi dở dang, bởi anh đã ngã xuống ngay trước ngày đại thắng… Vậy đấy, lời hẹn “trở về” mãi mãi không thực hiện được. Nói như cựu chiến binh Phùng Huy Thịnh, được trở về là mơ ước chính đáng của tất cả, nhưng không phải ai cũng có được ngày về…

“Sau khi đất nước hòa bình và thống nhất, được sự quan tâm của Ban Giám hiệu, một số trường đại học đã xây dựng “Đài kỷ niệm cán bộ, sinh viên tham gia quân ngũ, bảo vệ Tổ quốc”. Đó là Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, Học viện Nông nghiệp, Đại học Khoa học tự nhiên và Đại học Khoa học xã hội & nhân văn (tiền thân là Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội). Đài kỷ niệm chính là nơi anh em đồng đội cựu sinh viên chiến sĩ tri ân anh linh các liệt sĩ, đồng đội đã anh dũng hy sinh”, cựu chiến binh Phùng Huy Thịnh chia sẻ.

Hòa bình lập lại, cựu chiến binh Nguyễn Chí Tuệ tiếp tục theo học rồi công tác tại Đại học Kinh tế quốc dân cho đến khi nghỉ hưu. Ông đã tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám hiệu trường xây dựng Phòng tưởng niệm 61 liệt sĩ là sinh viên của trường và thường xuyên tổ chức chương trình giao lưu nhân chứng lịch sử với sinh viên.

“Mong muốn của chúng tôi là thế hệ sau biết đến những hy sinh, đóng góp to lớn của lớp sinh viên “xếp bút nghiên lên đường ra trận”. Đặc biệt, vào ngày 27-7 hằng năm, nhà trường đều duy trì truyền thống gửi thư thăm hỏi tới thân nhân các gia đình liệt sĩ như một sự tri ân, chia sẻ. Các gia đình liệt sĩ vô cùng cảm động”, ông Tuệ chia sẻ.

Những chàng sinh viên năm xưa may mắn trở về, nay đều đã trên 70 tuổi, mái đầu đã điểm bạc, nhưng đối với họ, tình đồng đội luôn là điều thiêng liêng và quý giá nhất. Chính vì thế, họ đã tìm lại nhau, thành lập Hội Sinh viên - Chiến sĩ 6971, kết nối bạn bè, đồng ngũ đang sinh sống khắp mọi miền Tổ quốc. Hơn 10 năm qua, hội không chỉ tổ chức kỷ niệm gặp mặt đồng đội vào các dịp lễ lớn mà còn phối hợp với Ban liên lạc Hội Sinh viên - Chiến sĩ 6971 của các trường đại học, cao đẳng tổ chức tri ân đồng đội, thăm hỏi động viên thân nhân liệt sĩ; cùng chính quyền địa phương và gia đình tìm kiếm phần mộ đồng đội và đưa rước các anh về quy tập tại nghĩa trang liệt sĩ quê nhà…

“Các cựu sinh viên chiến sĩ chúng tôi đang chuẩn bị cho chương trình “Thành cổ Quảng Trị - Trái tim bạn và tôi”, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước. Khoảng 400 cựu sinh viên tề tựu tại Quảng Trị từ ngày 24 đến 28-4-2025, với các hoạt động như thăm lại chiến trường, dâng hương tưởng nhớ anh em đồng đội... Đặc biệt là lễ Phụng Nghĩa diễn vào tối 26-4, để tri ân những người đã nằm xuống mãi mãi ở tuổi hai mươi", cựu chiến binh Phùng Huy Thịnh chia sẻ.

Nửa thế kỷ đất nước trọn niềm vui, những người lính “Xếp bút nghiên lên đường đánh Mỹ” ra đi từ giảng đường đại học năm ấy đã dâng hiến phần tuổi trẻ tươi đẹp ở chiến trường. Tuy chỉ một phần thôi nhưng đó là phần tinh hoa, kiêu hãnh nhất cuộc đời. Họ đã góp phần tạo nên khúc tráng ca vẻ vang và oanh liệt của thế hệ học sinh - sinh viên Hà Nội hôm nay và mai sau.

(Còn nữa)



Nguồn: https://hanoimoi.vn/ky-niem-50-nam-ngay-giai-phong-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc-30-4-1975-30-4-2025-thu-do-ha-noi-hau-phuong-lon-tron-nghia-ven-tinh-bai-7-khuc-trang-ca-kieu-hung-thoi-hoa-lua-700139.html

Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm