thực tế để duy trì hoạt động hiệu quả của loại hình vận tải này lại không phải là điều dễ dàng.
Tỉnh Quảng Ninh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, với vị thế chiến lược đã tạo nên những bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy nhanh quá trình đô thị hóa tại các trung tâm hành chính lớn của tỉnh, đồng thời quá trình này cũng gây ra những vấn đề phức tạp như gia tăng nhu cầu đi lại, sử dụng phương tiện cá nhân, gia tăng ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm tại một số tuyến đường trong đô thị, gây ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông. Nhận thức rõ tầm quan trọng của phát triển vận tải hành khách công cộng, tỉnh Quảng Ninh coi phát triển hệ thống vận tải công cộng bằng xe buýt là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, được thể hiện qua việc lập quy hoạch phát triển mạng lưới buýt trên địa bàn từ năm 2012 và nhiều giải pháp đồng bộ khác để giải quyết những vướng mắc của hạ tầng giao thông đô thị.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh, từ năm 2007 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 6 tuyến xe buýt (không được trợ giá) do các doanh nghiệp vận tải khai thác phục vụ nhân dân đi lại. Tuy nhiên thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng hành khách sử dụng dịch vụ xe buýt giảm mạnh, doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả; phương tiện sử dụng từ 12 – 14 năm đã xuống cấp, doanh nghiệp thiếu kinh phí thay thế mới phương tiện, chi phí đầu tư xe buýt chạy bằng năng lượng điện cao. Cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động xe buýt (bãi đỗ xe, điểm dừng, nhà chờ, điểm đầu, điểm cuối) chưa được đầu tư đồng bộ, đúng mức để đảm bảo trật tự an toàn giao thông và tạo mỹ quan đô thị. Việc miễn, giảm giá vé cho các đối tượng chính sách chưa được các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc. Chất lượng dịch vụ còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Để phát triển loại hình vận tải khách công cộng bằng xe buýt cả về chất lượng và số lượng cần phải có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển, nâng cấp phương tiện, hạ tầng phục vụ hoạt động xe buýt và hỗ trợ giá vé để thu hút người dân, nhất là công nhân lao động, học sinh, sinh viên, người có thu nhập thấp sử dụng dịch vụ vận tải khách công cộng.
Triển khai thực hiện Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành Giao thông vận tải, Quảng Ninh đã phê duyệt Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2030. Trong đó, đề ra mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh; nâng tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ xe buýt lên khoảng 3% năm 2025 và đến năm 2030 khoảng 6,5%. Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt để đạt tiêu chuẩn của xe buýt tại các đô thị lớn trong cả nước (như TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh...) đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và khách du lịch. Tuy nhiên trên thực tế, đến nay nhiều mục tiêu nói trên không thể đạt được.
Hiện nay, 6 tuyến vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh có 3 doanh nghiệp tham gia, trong đó nhiều nhất là Công ty TNHH Phúc Xuyên đang khai thác 4 tuyến là Uông Bí – Vàng Danh, Đông Triều – Hòn Gai, Hòn Gai – Quảng Yên và Uông Bí – Quảng Yên; Công ty Cổ phần xe buýt Bãi Cháy Quảng Ninh và Công ty Cổ phần xe khách Vân Đồn cùng khai thác 2 tuyến: Bãi Cháy – Cái Rồng và Bãi Cháy – Mông Dương. Điều này cho thấy số lượng tuyến xe buýt hoạt động còn ít chưa tương xứng với vị thế chiến lược nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ của địa phương. Các tuyến xe buýt cũng mới chỉ đi qua những trục giao thông có nhu cầu lớn, còn lại các tuyến đường có lưu lượng khách đi lại ít không được chú trọng phát triển.
Thời gian qua, số lượng hành khách sử dụng dịch vụ xe buýt giảm mạnh nhưng trên thực tế, nhiều đơn vị trường học, nhiều doanh nghiệp lại phải ký hợp đồng thuê ô tô đưa đón công nhân, người lao động, học sinh. Tình hình này, làm nảy sinh những bất cập trong quản lý, bảo đảm an toàn giao thông, cũng như làm giảm sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư phát triển dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Không những vậy, mặc dù kinh doanh dịch vụ vận tải khách công cộng bằng xe buýt là loại hình kinh doanh đặc thù thế nhưng các doanh nghiệp cũng không có cơ chế, chính sách hỗ trợ về trợ giá vé cho hành khách; hỗ trợ lãi suất ngân hàng để tái đầu tư; cơ chế ưu tiên về thuế thu nhập doanh nghiệp...
Như vậy, để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích phát triển hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, việc kịp thời ban hành các chính sách về hỗ trợ, khuyến khích phát triển loại hình hoạt động này là điều kiện cần thiết góp phần thúc đẩy phát triển hoạt động vận tải hành khách công cộng, phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại đa dạng của người dân, kết nối với các loại hình vận tải một cách đồng bộ và hợp lý hơn. Đồng thời, góp phần tiết kiệm chi phí đi lại và chi phí chung của toàn xã hội, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, giảm khí thải, giảm tiếng ồn, bảo đảm được điều kiện sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/khuyen-khich-phat-trien-hoat-dong-van-tai-hanh-khach-cong-cong-bang-xe-buyt-3350511.html
Bình luận (0)