Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Kịch hè 2025: Chăm chút cho vở diễn thiếu nhi

Hiện nay 3 sân khấu IDECAF, Trương Hùng Minh, Quốc Thảo đã chuẩn bị kỹ lưỡng kịch hè dành cho thiếu nhi

Người Lao ĐộngNgười Lao Động14/05/2025

Trong bối cảnh sân khấu khởi sắc, kịch thiếu nhi tại các sân khấu xã hội hóa lại nổi lên như một điểm sáng đặc biệt. Với tinh thần sáng tạo, đầu tư nghiêm túc và tình yêu sâu sắc dành cho khán giả nhí, nhiều đơn vị nghệ thuật đã tạo nên những tác phẩm ấn tượng, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ bằng những giá trị nhân văn sâu sắc.

Ba màu sắc - Một điểm chung

Tại TP HCM, 3 sân khấu xã hội hóa là IDECAF, Trương Hùng Minh và Quốc Thảo đã khẳng định vai trò tiên phong trong lĩnh vực kịch thiếu nhi. Từ đầu tháng 4, ba đơn vị này đã chuẩn bị vở mới phục vụ khán giả nhí. Mỗi sân khấu mang một phong cách riêng nhưng đều hướng đến mục tiêu chung: Dùng nghệ thuật để giáo dục, mang lại niềm vui trong sáng trong giải trí và nâng cao trí tưởng tượng cho trẻ em.

Kịch hè 2025: Chăm chút cho vở diễn thiếu nhi- Ảnh 1.

Các nghệ sĩ Nhà hát IDECAF với hình tượng nhân vật trong vở “Hậu duệ thần mặt trời” (Ảnh: IDECAF)

Nhà hát IDECAF với chuỗi "Ngày xửa ngày xưa" đã xây dựng một thương hiệu kịch thiếu nhi bền vững hơn 20 năm. Ngày 22-5, chương trình thứ 36 với vở "Hậu duệ thần mặt trời" sẽ diễn phúc khảo. Vở kịch hứa hẹn không chỉ hấp dẫn bởi kỹ thuật sân khấu hoành tráng, mà còn truyền tải thông điệp nhân văn thông qua các nhân vật cổ tích cải biên hiện đại qua sự dàn dựng, chăm chút của bộ đôi nghệ sĩ "mát tay" thể loại kịch cổ tích: Đình Toàn, Quang Thảo.

Sân khấu Trương Hùng Minh, dưới sự dẫn dắt của NSƯT Minh Nhí, chọn lối đi hài hước, gần gũi. Đạo diễn Chánh Trực lần này được mời dựng vở "Công chúa mũi to và vương quốc Meo Meo". Anh cho biết bảng dựng sẽ sử dụng ngôn ngữ dí dỏm, tương tác trực tiếp với khán giả nhỏ tuổi, tạo nên một không gian "chơi mà học" sinh động.

Sân khấu Quốc Thảo nổi bật với các vở mang chất liệu thần thoại. Hè này, anh và cộng sự sẽ ra mắt vở "Na Tra đại náo long cung", tái hiện truyền thuyết dân gian bằng hình thức kể chuyện hiện đại, đồng thời là môi trường thực hành sáng tạo cho sinh viên ngành sân khấu.

Đầu tư đầy tâm huyết

Sau thành công vang dội của chương trình "Ngày xửa ngày xưa" thứ 35 với hơn 15.000 vé bán ra chỉ sau vài ngày mở bán, Nhà hát IDECAF tiếp tục chuẩn bị cho chương trình thứ 36, dự kiến vở này sẽ công diễn vào mùa hè 2025 tại Nhà hát Bến Thành, TP HCM.

Đạo diễn Đình Toàn chia sẻ: "Chúng tôi sẽ cố gắng tiếp tục duy trì thương hiệu "Ngày xửa ngày xưa" đã được đông đảo khán giả yêu mến. Lần này, chúng tôi nỗ lực tạo sức hấp dẫn riêng cho mỗi câu chuyện kịch, từ nội dung kịch bản đến trang phục, cảnh trí… đều được đầu tư tới nơi tới chốn".

Với phương châm làm kịch thiếu nhi không đơn giản là kể chuyện cổ tích mà là cách nghệ sĩ gieo mầm nhân cách, trí tưởng tượng và lòng nhân ái cho các em, các nghệ sĩ Nhà hát IDECAF đã đồng lòng sáng tạo để làm nên một vở diễn mới đạt chất lượng nghệ thuật phục vụ hè 2025.

"Mỗi lần viết kịch bản hoặc dàn dựng cho "Ngày xửa ngày xưa", chúng tôi đều đặt ra một câu hỏi: Trẻ sẽ học được điều gì sau khi xem kịch? Nhưng học ở đây không phải theo kiểu "lên lớp", mà qua tình huống, cảm xúc, qua nụ cười và cả nước mắt. Chúng tôi luôn giữ chất lượng như một vở kịch người lớn - từ âm thanh, ánh sáng, phục trang đến diễn xuất - vì trẻ em xứng đáng được thưởng thức nghệ thuật tử tế" - ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, Nhà hát IDECAF, chia sẻ.

NSƯT Minh Nhí cho rằng: "Trẻ con ngày nay rất thông minh, tinh tế và nhạy cảm. Muốn chạm tới trái tim các em, sân khấu phải chân thành và gần gũi. Tôi muốn sân khấu của mình là nơi các bé đến rồi cười thật nhiều nhưng khi về vẫn nhớ mãi bài học về lòng hiếu thảo, tình bạn hay sự dũng cảm. Điều đặc biệt là chúng tôi luôn tạo điều kiện cho các diễn viên trẻ sáng tạo, biến tấu tình huống phù hợp với thời đại, từ đó tạo không khí tự nhiên, thân thiện - như chơi mà học".

Riêng đạo diễn Quốc Thảo (Sân khấu Quốc Thảo) nói: "Tôi muốn các em nhỏ thấy được sự thích thú khi đến với sân khấu. Từ trí tưởng tượng của các em, việc học hè và vui chơi đúng cách sẽ tiếp thêm năng lượng để các em học tập tốt hơn".

Từ những chia sẻ trên, có thể thấy mỗi sân khấu có một hướng đi riêng nhưng họ đều chung một niềm tin: Trẻ em không phải là lượng khán giả "phụ", mà là thế hệ cần được nuôi dưỡng tâm hồn bằng nghệ thuật đích thực nên các vở diễn phục vụ họ vừa chỉn chu vừa nhẹ nhàng. Chính sự nghiêm túc, tâm huyết và sáng tạo trong từng vở diễn đã góp phần làm nên thành quả đáng tự hào của sân khấu xã hội hóa TP HCM trong lĩnh vực kịch thiếu nhi.

NSND Trần Minh Ngọc nhận xét nhờ những nỗ lực bền bỉ của các sân khấu xã hội hóa, kịch thiếu nhi tại TP HCM đang dần trở thành một "vùng sáng" đáng quý trong đời sống nghệ thuật sau 50 năm thống nhất đất nước.

Không chỉ đơn thuần là sân khấu mùa hè, những vở kịch ấy đang góp phần nuôi dưỡng cả một thế hệ khán giả văn minh, đầy tinh tế và giàu cảm xúc trong tương lai. 

Đông đảo khán giả đã đến xem các vở kịch thiếu nhi tại Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM (Sân khấu 5B) như: "Thế giới đồ chơi và câu chuyện chú bé Rồng", "Vương quốc những người xấu xí", "Bộ lạc nanh trắng", "Đại náo Long cung", "Ve ve chành chành và 2 cục bướu"... Tất cả các vở này đều của tác giả Vương Huyền Cơ.

Các vở diễn đã tạo được tương tác tốt với khán giả, nhất là lồng ghép những thông điệp giáo dục cho các khán giả nhí. "Muốn chạm tới trái tim trẻ, sân khấu phải kể câu chuyện rất đời thường. Sân khấu 5B chọn cách kể chuyện nhẹ nhàng, hài hước nhưng vẫn đầy ý nghĩa. Trẻ em sẽ nhớ lâu hơn nếu bài học đến từ tiếng cười và sự gần gũi" - tác giả Vương Huyền Cơ nói.

Ngoài ra, Sân khấu Ban Mai mới thành lập hơn 1 năm nhưng đã dựng, đầu tư công phu một số vở: "Rago - Hành trình đầu tiên", "Colora - Xứ sở rực rỡ", "Trăng ơi trăng à" và mới nhất là "Penny - Ô mê ly"...


Nguồn: https://nld.com.vn/kich-he-2025-cham-chut-cho-vo-dien-thieu-nhi-19625051320473335.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định
Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang
Những điểm du lịch Ninh Bình không thể bỏ qua

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm