Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Kiện toàn lực lượng, tăng hiệu quả bảo vệ rừng trong tình hình mới

(GLO)- Thực hiện Nghị định số 159/2024/NĐ-CP ngày 18-12-2024 của Chính phủ, tỉnh Gia Lai đang từng bước kiện toàn lực lượng kiểm lâm và chuyên trách bảo vệ rừng theo hướng tinh gọn, hiệu quả, phù hợp thực tiễn.

Báo Gia LaiBáo Gia Lai18/07/2025

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Gia Lai đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Hoan-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường.

*Thưa ông, việc triển khai thực hiện theo Nghị định số 159 có tác động như thế nào đối với các lực lượng bảo vệ rừng tại tỉnh Gia Lai?

6-1.jpg
Ông Nguyễn Văn Hoan-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường. Ảnh: NVCC

- Nghị định số 159 đã làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng kiểm lâm địa phương; đồng thời thiết lập mối quan hệ phối hợp rõ ràng giữa kiểm lâm với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của chủ rừng.

Bên cạnh đó, Nghị định còn bổ sung và hoàn thiện các quy định pháp luật, tạo cơ sở pháp lý vững chắc liên quan đến tổ chức bộ máy, chế độ, chính sách cho lực lượng này. Nhờ vậy, các lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng có thể hoạt động hiệu quả hơn, khẳng định được vai trò và vị thế quan trọng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Ngoài ra, Nghị định cũng trao quyền phân cấp mạnh hơn cho chính quyền địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Điều này tạo điều kiện để các địa phương chủ động rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy, ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực đội ngũ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Với diện tích rừng tự nhiên lớn, đa dạng sinh học phong phú, tỉnh Gia Lai sẽ có thêm điều kiện thuận lợi để kiện toàn cơ cấu tổ chức lực lượng kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng theo hướng tinh gọn, hiệu quả và phù hợp thực tiễn. Các địa phương cũng sẽ chủ động hơn trong tổ chức lực lượng, sử dụng ngân sách, đầu tư công nghệ và xây dựng cơ chế phối hợp sát với thực tế. Với địa hình rộng, nhiều vùng giáp ranh và đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống phụ thuộc vào rừng, việc triển khai Nghị định kịp thời và hiệu quả là rất cần thiết để đảm bảo ổn định và phát triển bền vững tài nguyên rừng.

*Sở đã và đang triển khai những giải pháp gì để kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, nhất là khi yêu cầu chuyên môn ngày càng cao và khối lượng công việc ngày càng lớn, thưa ông?

- Chúng tôi xác định con người là yếu tố trung tâm trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Do đó, việc nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của chủ rừng luôn là ưu tiên hàng đầu.

Để công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được hiệu quả hơn, Sở đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên và chuyên sâu về pháp luật lâm nghiệp, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ thuật sử dụng công nghệ giám sát rừng hiện đại như viễn thám, UAV, hệ thống GPS cho đội ngũ kiểm lâm và lực lượng chuyên trách.

Đồng thời, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả, phân công rõ trách nhiệm, đồng thời nâng cao trách nhiệm cá nhân. Việc đánh giá công chức, viên chức gắn chặt với kết quả thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt ở các địa bàn trọng điểm.

Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong báo cáo và giám sát rừng, từ đó giảm tải công việc hành chính để cán bộ kiểm lâm tập trung nhiều hơn vào nhiệm vụ chuyên môn.

Bên cạnh đó, Sở đang tích cực đề xuất cải thiện chính sách, phụ cấp, trang bị bảo hộ và phương tiện làm việc cho lực lượng kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, nhằm đảm bảo điều kiện công tác và giữ chân lực lượng gắn bó lâu dài với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

8-2.jpg
Lực lượng kiểm lâm tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Ngọc Tú

*Thưa ông, thời gian tới, Sở sẽ có những kiến nghị gì để nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về lâm nghiệp, đặc biệt tại cơ sở?

- Chúng tôi sẽ kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định số 159/2024/NĐ-CP, đảm bảo tính khả thi và phù hợp với đặc điểm vùng miền, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới như Gia Lai.

Đồng thời, cần có cơ chế đặc thù đối với các địa phương có rừng tự nhiên lớn, bao gồm: Cơ chế linh hoạt về biên chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư cơ sở vật chất cho lực lượng kiểm lâm làm việc tại cơ sở và hỗ trợ chi phí hoạt động cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.

Bên cạnh đó, sẽ kiến nghị tăng cường đầu tư chuyển đổi số trong lĩnh vực lâm nghiệp, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ từ tỉnh đến xã, kết nối với dữ liệu đất đai và tài nguyên thiên nhiên để phục vụ quản lý rừng hiệu quả theo không gian số. Ngoài ra, cần tiếp tục phát triển cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng và cơ chế hợp tác công - tư để huy động nguồn lực xã hội, tăng cường vai trò của cộng đồng và các tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Chúng tôi tin rằng, với sự quan tâm của Chính phủ, sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành và sự nỗ lực của lực lượng kiểm lâm cũng như lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của Gia Lai sẽ ngày càng hiệu quả và bền vững.

*Xin cảm ơn ông!

Nguồn: https://baogialai.com.vn/kien-toan-luc-luong-tang-hieu-qua-bao-ve-rung-trong-tinh-hinh-moi-post560811.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm