Việc cả hai tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp đều được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) đã tạo nên sự cộng hưởng về thành quả, nội lực và khát vọng phát triển. Những kết quả này đã giúp tỉnh Đồng Tháp mới mở ra hướng đi bền vững và có chiều sâu trong xây dựng, phát triển nông nghiệp, nông thôn.
NỀN TẢNG VỮNG CHẮC
Khi Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM bắt đầu được triển khai, cả Tiền Giang và Đồng Tháp trước đây đều thuộc nhóm tỉnh có xuất phát điểm thấp. Tuy nhiên, từ thực tiễn đó, hai địa phương đã có những giải pháp hiệu quả, phát huy nội lực, khơi dậy tinh thần tự lực và khát vọng vươn lên của người dân.
Tỉnh Đồng Tháp có hệ thống hạ tầng nông thôn hoàn chỉnh từ nền tảng xây dựng NTM của tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp trước đây. |
Đồng Tháp xây dựng NTM với tư duy “đồng hành - kiến tạo”, đặt nông dân làm trung tâm, lấy sáng tạo làm động lực. Tiền Giang thì đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, phát triển hệ thống hợp tác xã, ứng dụng khoa học kỹ thuật và tăng cường liên kết vùng.
Đến năm 2024, tỉnh Đồng Tháp trước đây có 100% số xã đạt chuẩn NTM. Hai huyện Tháp Mười và Cao Lãnh được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 68,498 triệu đồng/người/năm, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,08%.
Tỉnh Tiền Giang trước đây cũng có kết quả ấn tượng không kém với 100% xã đạt chuẩn NTM, 11/11 huyện, thị xã, thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, 2 huyện Chợ Gạo và Gò Công Đông được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.
Thu nhập bình quân người dân vùng nông thôn đạt khoảng 76,4 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 4,08 lần so với năm 2010. Tính đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm mạnh, còn khoảng 0,79%. Hệ thống giao thông nông thôn được nâng cấp đồng bộ, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng cải thiện rõ rệt.
GIỮ VỮNG CÁC TIÊU CHÍ NTM
Từ ngày 1-7-2025, tỉnh Đồng Tháp mới chính thức đi vào hoạt động trên cơ sở hợp nhất toàn bộ địa giới, dân cư, cơ sở hạ tầng và nguồn lực của hai tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp. Tỉnh Đồng Tháp mới có diện tích tự nhiên 5.938,7 km² và dân số 3.397.200 người.
Không chỉ là một trong những địa phương lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Đồng Tháp còn có nền tảng NTM sâu rộng thừa hưởng từ tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp trước đây.
Phát biểu tại Lễ Công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh Đồng Tháp (cũ) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM ngày 29-6, đồng chí Lê Minh Hoan, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đích đến của xây dựng NTM trong thời gian tới là nông thôn thông minh - nơi người dân tiếp cận tri thức mới, áp dụng công nghệ một cách vừa sức, vừa túi tiền, vừa thói quen. Là nơi hợp tác xã không chỉ bán sản phẩm, mà biết kể câu chuyện sản phẩm. Là nơi học sinh nông thôn có thể học STEM, học AI như bạn bè thành phố, nhưng vẫn giữ được chất giọng quê nhà. Nông thôn hạnh phúc là nơi người cao tuổi không bị cô đơn, người trẻ không phải bỏ quê, người nghèo không bị bỏ lại, bình đẳng giới vào từng nếp nhà, công sở. Là nơi không chỉ có “cơ sở vật chất đạt chuẩn”, mà có tình làng nghĩa xóm ấm áp. Là nơi mà chính sách không nằm trên giấy, mà đi vào đời sống từng gia đình, từng thửa ruộng… |
Tỉnh Đồng Tháp mới không chỉ thừa hưởng hạ tầng và tài nguyên, mà còn tiếp nhận những giải pháp hiệu quả, kinh nghiệm trong xây dựng NTM phù hợp với đặc thù của từng địa phương, cùng với hệ sinh thái nông nghiệp - văn hóa - xã hội phong phú trải dài từ vùng đầu nguồn sông Tiền đến vùng biển Gò Công.
Tỉnh Đồng Tháp mới có hệ thống hạ tầng đạt chuẩn với giao thông thông suốt, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, 100% đường trục xã được cứng hóa. Điện, nước sinh hoạt, y tế, giáo dục và dịch vụ hành chính công đều đạt chuẩn. Toàn bộ xã có trường học và trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; trên 97% người dân có thẻ bảo hiểm y tế. Nhà ở dân cư cơ bản đạt chuẩn theo quy định, đời sống nông thôn được nâng cao về mọi mặt.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh ghi nhận nhiều chỉ tiêu quan trọng được giữ vững hoặc vượt kế hoạch gồm: Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100% (trong đó 94,99% hộ dùng nước sạch); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,81%.
Hoạt động thu gom chất thải rắn sinh hoạt đạt 97,15%, góp phần nâng cao chất lượng sống. Giá trị sản xuất khu vực nông - lâm - thủy sản tăng 3,94%; diện tích cây ăn trái và thủy sản tiếp tục mở rộng. Tỉnh cũng đẩy mạnh Chương trình OCOP với 942 sản phẩm được chứng nhận, trong đó nhiều sản phẩm tiềm năng vươn ra thị trường quốc tế.
TIỀM LỰC LỚN PHÁT TRIỂN KINH TẾ NÔNG NGHIỆP
Sau hợp nhất, kinh tế nông nghiệp tiếp tục là lợi thế cốt lõi của tỉnh Đồng Tháp. Trong 6 tháng đầu năm 2025, diện tích lúa ước đạt 615.000 ha, sản lượng trên 4 triệu tấn; diện tích cây ăn trái đạt 133.370 ha, sản lượng 1,35 triệu tấn; diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 17.174 ha, sản lượng nuôi và khai thác đạt 453.750 tấn. Toàn tỉnh có 176 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm đầu tư hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đồng Tháp, tốc độ tăng trưởng (GRDP) khu vực nông - lâm - thủy sản trong 6 tháng đầu năm 2025 của tỉnh tăng 3,94% (cùng kỳ năm trước tăng 3,16%). Giá trị sản xuất khu vực nông - lâm - thủy sản đạt trên 50.679 tỷ đồng, tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước. Một trong những điểm nhấn nổi bật là toàn tỉnh có 2.433 mã vùng trồng được xác lập với tổng diện tích đạt 217.589 ha; 541 cơ sở nuôi đối tượng chủ lực được cấp giấy xác nhận (mã số ao nuôi) với diện tích trên 1.965 ha mặt nước, chiếm 45,8% diện tích mặt nước nuôi. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 12.060 ha cây trồng, trên 2,054 triệu con gia súc, gia cầm được chứng nhận sản xuất theo GAP, hữu cơ… Song song đó, kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm củng cố và phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả. Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác kết nối và hỗ trợ các chủ thể trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 942 sản phẩm OCOP của 436 chủ thể, gồm: 743 sản phẩm đạt 3 sao, 189 sản phẩm đạt 4 sao, 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao và 3 sản phẩm đạt 5 sao. Điều này thể hiện sự chuyển biến tích cực trong chất lượng và giá trị thương hiệu của sản phẩm địa phương… |
Đặc biệt, nhiều vùng sản xuất đã được cấp chứng nhận chất lượng quốc tế như VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP và đang tiếp tục mở rộng, khẳng định vị thế của nông sản Đồng Tháp trên thị trường trong nước và quốc tế. Đây sẽ là tiềm lực rất lớn để tỉnh Đồng Tháp tiếp tục phát triển kinh tế nông nghiệp trong tương lai.
Công nghệ và chuyển đổi số đóng vai trò then chốt trong định hướng phát triển nông nghiệp của Đồng Tháp. Các giải pháp như giám sát sâu bệnh thông minh, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và ứng dụng phần mềm trong sản xuất, quản lý nông nghiệp đã được triển khai rộng rãi. Tất cả đều hướng đến mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp bền vững, thông minh, tuần hoàn và thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo tương lai ổn định cho ngành Nông nghiệp Đồng Tháp.
Tuy nhiên, điều làm nên khác biệt trong phát triển nông thôn của tỉnh Đồng Tháp không chỉ là những con số. Đó là tư duy mới được hình thành và thừa hưởng từ quá trình xây dựng NTM ở tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp - nơi nông thôn không chỉ là vùng sản xuất mà còn là không gian sống đáng mơ ước.
NTM không còn là khái niệm mang tính phong trào, mà đã trở thành văn hóa ứng xử - nơi con người, cộng đồng và chính quyền cùng nhau kiến tạo hạnh phúc. Tất cả những điều đó cho thấy, Đồng Tháp không chỉ thừa hưởng thành tựu NTM của hai địa phương trước đây, mà đang đặt nền móng cho giai đoạn mới phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hơn, hiệu quả hơn và sâu rộng hơn.
C.THẮNG
Nguồn: https://baoapbac.vn/kinh-te/202507/dong-thap-nen-tang-vung-chac-phat-trien-nong-nghiep-1046936/
Bình luận (0)