Ông Huỳnh Đức Vinh (bên trái) kiểm tra thực tế việc sửa chữa nhà ở cho gia đình chính sách trên địa bàn phường Mỹ An. Ảnh: HOÀNG NHUNG |
Về với cơ sở
Đầu tháng 4-2024, ông Huỳnh Đức Vinh được điều động về làm Bí thư Đảng ủy phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn. Công việc mới, đòi hỏi nhiều nỗ lực bởi sự đa dạng trong môi trường tiếp xúc cũng như tính chất, khác hẳn 3 năm anh làm Chánh văn phòng UBND quận giai đoạn Covid-19 xảy ra và thực hiện chính quyền đô thị.
Song cũng nhờ làm chánh văn phòng nên anh có khả năng tổng hợp, dễ hình dung vấn đề hơn. Khi nhận nhiệm vụ mới, Vinh bắt tay vào học hỏi để nắm tình hình địa phương. Bắt đầu học việc nhanh nhất là từ người tiền nhiệm và trao đổi với anh chị em trong Ban Thường vụ Đảng ủy phường. Sau đó là quá trình gặp gỡ, trao đổi với các chú, các bác là bí thư chi bộ khu dân cư về các chủ trương, vấn đề thực tiễn diễn ra hằng ngày.
“Ban đầu tôi đi dự sinh hoạt chi bộ khu dân cư, hiểu được nhiều việc tồn tại qua nhiều thế hệ chưa được giải quyết như xây dựng chợ Bắc Mỹ An, trạm y tế phường xuống cấp. Khi đã quen rồi, các bí thư chi bộ trao đổi, phản ánh qua tin nhắn về những tồn tại ở khu dân cư, buộc mình phải theo dõi, đôn đốc, lăn lộn vào để nắm, rồi về trao đổi với UBND phường, các hội đoàn thể, sát sao với công việc để xử lý”, anh Vinh chia sẻ về cách làm.
Là phường được định hướng cơ cấu kinh tế thương mại-dịch vụ-du lịch, với tiềm năng phát triển du lịch sẵn có, nhất là khu vực ven biển và phố du lịch An Thượng, theo anh Vinh, nếu kết nối du khách với chợ và các tuyến phố kinh doanh ẩm thực, có thể khai thác các lợi thế. Thêm nữa, trong định hướng của thành phố về phát triển du lịch đường sông, phường đang làm đề án sử dụng vỉa hè đường Chương Dương, nếu đẩy mạnh được du lịch đường sông sẽ phát triển hài hòa phía đông và tây và phát huy các thế mạnh sẵn có.
Một quan điểm mà Bí thư Đảng ủy phường Mỹ An luôn hướng đến là trong công việc giữ nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, mình chỉ làm về chủ trương và đừng làm thay công việc của người khác, phương pháp, cách làm của mỗi người sẽ khác nhau. Nhưng mấu chốt của được việc hay không là phải xem đó là việc của mình, phân công trong tập thể ai làm gì chứ không chỉ là chủ trương. “Nếu quan điểm của mình chưa phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thì phải điều chỉnh để hài hòa. Trên nền tảng những người đi trước tạo nên, mình phải tiếp tục xây dựng, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội địa phương, tiếp tục đặt nền móng cho những năm sau. Vì mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống, nâng chất lượng thụ hưởng cuộc sống của nhân dân”, Vinh chia sẻ.
Về làm Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang từ năm 2022, Nguyễn Hải Cường nói rằng môi trường ở xã như một huyện thu nhỏ. Anh được giao phụ trách thu ngân sách, quản lý trật tự xây dựng, giải tỏa, di dời... Trong vài năm về Hòa Phú, anh cùng góp sức tăng thu ngân sách của xã từ 1 tỷ đồng/năm lên 1,2 và 2 tỷ đồng vào năm 2024. Dự kiến số thu này sẽ tăng thêm khi anh đề xuất thu thuế phi nông nghiệp trên đất được thí điểm sử dụng vào các công trình tạm.
Anh Cường từng trải qua các nhiệm vụ khác nhau như chuyên viên ban quản lý khu công nghiệp, Phòng Tài nguyên - Môi trường, Công Thương… Đặc biệt là 10 năm trong phụ trách mảng quy hoạch, cho anh nhiều kinh nghiệm công tác, nhất là nhìn ra được vấn đề để đề xuất phương án, chính sách. Một lợi thế nữa của người cán bộ trẻ này là việc kịp thời nắm bắt thông tin, công việc, dễ dàng thích ứng với nhân dân, sẵn sàng điều chỉnh trong lãnh đạo, điều hành khi được nhân dân góp ý. Nhờ đó anh rèn luyện được bản lĩnh chính trị, thử thách và nâng tầm hiểu biết lên để thực hiện nhiệm vụ.
Dự kiến thời gian tới, anh sẽ trình với huyện đề án phát triển kinh tế đồng bào Cơ tu dựa vào tiềm năng và lợi thế sẵn có, bao gồm phát triển các mô hình nông nghiệp và tổ chức tour giúp du khách trải nghiệm các vườn rau công nghệ cao, sau đó đi thăm khu căn cứ cách mạng Huyện ủy Hòa Vang và nhà Gươl. Hiện nay khu vực nhà Gươl không hề có dịch vụ đón khách, dự kiến nơi đây sẽ xây dựng bãi đậu xe, nhà vệ sinh, quầy bán các sản phẩm du lịch như rau củ quả, rượu cần, các sản phẩm thủ công truyền thống, hằng tháng có thể tổ chức chợ phiên...
Quyết tâm để thu quả ngọt
Hòa Nhơn là một trong những xã có địa bàn rộng nhất của huyện Hòa Vang với 14 thôn, hơn 18.000 nhân khẩu (gần 5.000 hộ dân), có 23 chi bộ đảng. Hiện nay xã có 48 dự án, trong đó có nhiều dự án động lực của Trung ương và thành phố như cao tốc Hòa Liên - Túy Loan, quốc lộ 14B, Cụm công nghiệp Hòa Nhơn, trung tâm logictis… với 70% diện tích toàn xã có ảnh hưởng đến các dự án.
Riêng dự án cao tốc ảnh hưởng đến hơn 500 hồ sơ và gần 2.000 ngôi mộ và nhà thờ tộc. Bí thư Đảng ủy xã Phan Thị Thu Hồng, cho biết trong đợt thực hiện phát động thi đua của huyện “90 ngày thực hiện giải phóng mặt bằng dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14B”, 3 ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy xã làm tổ trưởng 3 tổ giải tỏa, phối hợp với Ban Giải phóng mặt bằng huyện Hòa Vang, Tổ công tác 888 của UBND thành phố tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương chung; lắng nghe các kiến nghị, tâm tư tình cảm của từng người dân nằm trong vùng dự án trên nguyên tắc bảo vệ quyền lợi của người dân.
Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, cả hệ thống chính trị xã Hòa Nhơn dành phần lớn thời gian đến từng thôn, xóm, gia đình để vận động và tháo gỡ những vướng mắc trong phạm vi quyền hạn của địa phương, những vấn đề phát sinh vượt quá thẩm quyền được báo cáo kịp thời lên cấp trên xem xét và có ý kiến phản hồi lập tức nên tiến độ bàn giao mặt bằng được đẩy nhanh. Theo chị Hồng, mọi việc dù nhỏ hay lớn đều phải lấy lợi ích của người dân đặt lên hàng đầu; phải làm tốt công tác dân vận “nói cho dân hiểu”, “làm cho dân tin”.
Trưởng thành từ công chức phụ trách công tác trẻ em ở xã Hòa Phong cách đây hơn 20 năm, chị Hồng trải qua nhiều nhiệm vụ như chủ tịch, phó chủ tịch hội liên hiệp phụ nữ xã, chuyên viên văn phòng Đảng ủy, phó chủ tịch xã, phó bí thư Đảng ủy xã. Trong những năm tháng đó, chị vừa làm việc vừa học lên cao. Đến năm 2019, chị được điều động lên làm Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận huyện, rồi làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy. Cuối năm 2021, chị được phân công làm Bí thư Đảng ủy xã Hòa Nhơn.
Chị nói công việc này khá mới mẻ, không rõ nhiệm vụ chuyên môn nhưng tính bao quát toàn diện, việc thì nhiều. Song nhờ bản tính phụ nữ chịu khó, tỉ mỉ, mềm dẻo, bu bám đến cùng sự việc, quyết tâm với công việc cộng với phong cách làm việc hết mình, không cầu kỳ nên chị làm được một số việc thành công”.
Hiện nay Hòa Nhơn đã đạt các tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, hoàn thành giao thông kiệt hẻm và giao thông nội đồng. Khi về địa bàn mới làm bí thư, chị Hồng đưa ra nghị quyết chuyên đề về tập trung lãnh đạo giải pháp nâng cao hạ tầng giao thông nông thôn giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn xã. Nhờ đó mỗi năm xã đầu tư làm được 3-5km đường giao thông, các kiệt hẻm đều có bảng tên đường, bảng chỉ dẫn…
Dù ở cương vị nào, môi trường nào, những cán bộ được luân chuyển, điều động ở các phường, xã trên địa bàn thành phố đều thực hiện khá xuất sắc nhiệm vụ được giao. Cơ sở không chỉ là cái nôi để rèn luyện năng lực, bản lĩnh, còn giúp mỗi cán bộ thể hiện tư duy, tầm nhìn để cống hiến hết mình cho cơ sở.
HOÀNG NHUNG
Nguồn: https://baodanang.vn/xa-hoi/202504/kien-tri-phuc-vu-nguoi-dan-4003106/
Bình luận (0)