Dịch vụ ẩm thực tại các khách sạn sang trọng thường bao gồm tiệc chiêu đãi cao cấp và các hoạt động giải trí trang trọng, với trang trí tinh xảo và những món ăn được chế biến công phu. Điều này thường được xem là xứng đáng với mức giá cao.
Tuy nhiên, đối với nhiều người tiêu dùng ở Trung Quốc, xu hướng đang dần thay đổi.
Vào tháng 7, khách sạn 5 sao Zhongwu tại Trường Châu, tỉnh Giang Tô – khách sạn đứng thứ 2 trong số 10 khách sạn sang trọng hàng đầu tại thành phố theo xếp hạng của Trip.com khiến nhiều người bất ngờ khi tung ra dịch vụ bán đồ ăn bình dân theo kiểu "xe đẩy vỉa hè". Trong đó, các suất ăn giá rẻ do chính , do đội ngũ bếp khách sạn chế biến.
“Trước hết, bạn phải giải quyết được vấn đề sinh tồn. Nếu đến bản thân mình còn không lo nổi thì còn nói gì đến chuyện khác", ông Trần Dũng Hoa, quản lý khách sạn Zhongwu, cho biết.

Quyết định này phản ánh tình trạng kinh doanh ảm đạm trong ngành khách sạn cao cấp của Trung Quốc giữa bối cảnh người tiêu dùng trở nên thận trọng hơn trong chi tiêu do lo ngại về nền kinh tế đang chững lại.
Với mức giá dao động từ 20 đến 100 tệ (75.000 đồng - 350.000 đồng), các suất ăn này khác xa với mức giá hàng nghìn tệ cho một bàn tiệc truyền thống. Thực đơn bao gồm các món phổ biến tại chợ đêm như các món hầm, tôm hùm cay, điểm tâm và nhiều món đặc sản khác.
Đây là một phần trong nỗ lực của khách sạn nhằm vượt qua những thách thức ngày càng gia tăng trong ngành.
Theo Hotel House – đơn vị cung cấp dữ liệu khách sạn tại Trung Quốc, giá phòng trung bình ở Trung Quốc năm 2024 là 118 nhân dân tệ (430.000 đồng), giảm 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lấp đầy phòng cũng giảm xuống còn 58,8%, tức giảm 2,5%.
Dịch vụ ăn uống, một trụ cột khác trong doanh thu khách sạn, cũng đang suy giảm. Dữ liệu từ khách sạn Beijing Hotay Grand Ceremony cho thấy, năm 2024, các khách sạn cao cấp đầy đủ dịch vụ chỉ thu về trung bình 10,2 triệu nhân dân tệ (37 tỷ đồng) từ mảng ẩm thực, giảm từ mức 12,37 triệu năm 2023 và giảm 38,3% so với năm 2019.
Bất chấp các nỗ lực của chính phủ nhằm kích thích tiêu dùng trong nước và sự không chắc chắn về tương lai cũng như mức lương giảm đã khiến người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn các phương án tiết kiệm thay vì xa xỉ.
Tại các siêu đô thị như Thượng Hải và Bắc Kinh, ngành ẩm thực cao cấp đã sụt giảm nghiêm trọng trong vài năm qua. Nhiều nhà hàng hạng sang lần lượt đóng cửa khi khách hàng thắt chặt chi tiêu.
Vì những lý do này, sáng kiến bán hàng vỉa hè của khách sạn Zhongwu nhanh chóng gây "sốt" trong tháng này. Chỉ sau 7 ngày, khách sạn đã lập 20 nhóm WeChat với mỗi nhóm tối đa 500 thành viên để cập nhật thực đơn và giờ bán hàng.

Cận cảnh các suất ăn bán vỉa hè của một khách sạn 5 sao Ảnh: News).
Một đoạn video hậu trường cho thấy bếp trưởng điều hành – người từng đạt giải thưởng Black Pearl (tương đương với Michelin Guide ở Trung Quốc) đang nấu cơm chiên sau đó được bán với giá chỉ 28 nhân dân tệ (100.000 đồng).
Người hâm mộ nhanh chóng đặt trước món ăn, và thông thường các suất ăn sẽ bán hết chỉ trong vòng 5 phút. Mỗi buổi chiều, khách sạn phát ra 100 phiếu mua trực tiếp tại chỗ.
“Nếu bạn thực sự muốn ăn, nên xếp hàng trước 3 giờ chiều", một người trong nhóm WeChat chia sẻ. Các hộp cơm bắt đầu được bán từ 16h30 hàng ngày.
Một ảnh chụp màn hình chia sẻ trong nhóm WeChat cho thấy, có tới 33 khách sạn tại Trường Châu cũng đã triển khai bán hàng vỉa hè. Bao gồm cả các thương hiệu sang trọng như khách sạn Wenpu, Hilton và Fudu Qingfeng.
Tất cả đều thu hút lượng tương tác lớn trên mạng xã hội nhờ dịch vụ bán đồ ăn giá rẻ. Dù vậy, lượng đặt tiệc truyền thống tại khách sạn Zhongwu đã giảm 65,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây là cách các nhà hàng 5 sao duy trì hoạt động giữa bối cảnh khó khăn (Ảnh: News).
“Việc duy trì chi phí hoạt động bình thường và trả lương cho nhân viên là điều cần thiết. Nếu không làm được điều đó, doanh nghiệp sẽ gặp rắc rối và phải sa thải người lao động", ông nói.
Ông Đôn Chính Nam, giám đốc bộ phận ẩm thực của khách sạn Tiandilisheng ở thành phố Trịnh Châu cho biết, các quầy hàng vỉa hè vừa tiết kiệm chi phí lại vừa tạo được hiệu ứng truyền thông.
“Cảnh tượng các đầu bếp từ khách sạn 5 sao đứng nấu ăn ngoài đường dễ dàng thu hút sự tò mò của người qua đường và lan tỏa trên mạng xã hội, điều này giống như một hình thức tiếp thị thực tế với chi phí thấp nhưng hiệu quả, thu hút khách hàng tiềm năng", ông nói.
Nguồn: https://dantri.com.vn/du-lich/kinh-doanh-kho-khach-san-5-sao-ban-suat-com-hop-350000-dong-de-sinh-ton-20250714151515748.htm
Bình luận (0)