Vừa qua, UBND P.Hòa Xuân (TP.Đà Nẵng) đã đưa mẫu bún đổi màu hồng đi kiểm nghiệm, tìm nguyên nhân sau khi người dân phản ánh. Trước đó, một người phụ nữ mua bún ở khu vực chợ Hòa Châu nhưng đến tối thì phát hiện bún đổi màu hồng.
Bún để từ sáng đến tối đổi màu, ai nhìn cũng sợ, thông tin được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội với nhiều ý kiến trái chiều gây lo lắng. Một số tài khoản mạng xã hội cho rằng bún được thêm vào nhiều hóa chất bảo quản, tạo dai... thậm chí có người lo gạo nhiễm hóa chất. Trong khi có nhiều tài khoản bình luận cho rằng bún trộn mắm tôm, phẩm màu để đăng bài lấy tương tác.
Bún ngâm trong nước chuyển sang màu hồng
Ảnh: Nguyễn Tú
Với kinh nghiệm thực tiễn khi làm việc liên quan đến các chất bảo quản và phụ gia, TS Vũ Thị Tần - giảng viên Hóa vô cơ ĐH Bách khoa cho biết, theo quy định của Bộ Y tế và các tổ chức y tế quốc tế, trong quá trình sản xuất bún, có các nhóm phụ gia thực phẩm được phép sử dụng, bao gồm:
- Chất bảo quản: acid propionic và propionate, acid sorbic và sorbate, nitrate – giúp kéo dài thời gian bảo quản, hạn chế quá trình ôi, chua
- Chất chống oxy hóa: acid ascorbic và ascorbate, BHA (Butylated Hydroxyanisole), BHT (Butylated Hydroxytoluene) – ngăn ngừa phản ứng oxy hóa, ổn định chất lượng sản phẩm
- Phụ gia tẩy trắng: sodium metabisulfite – cải thiện độ trắng, màu sắc sản phẩm
- Chất nhũ hóa (E471): hỗ trợ cấu trúc tinh bột, giúp sợi bún có độ dai và định hình tốt hơn
- Hương gạo: tăng cường mùi vị đặc trưng từ bột gạo, nâng cao giá trị cảm quan cho sản phẩm
Bộ Y tế cũng quy định rõ liều lượng được dùng, thường là 1 tấn bún/phở được dùng 1 kg phụ gia nói trên. Ngoài ra còn những phụ gia bị cấm sử dụng như: hàn the, chất làm trắng huỳnh quang (Tinopal), hay thậm chí axit oxalic…
TS Tần cho biết: "Tất cả các phụ gia trên đều giúp bún để lâu hơn, không bị ôi thiu, có màu trắng nhưng theo thời gian không làm bún bị biến sang màu hồng khi để ở nhiệt độ phòng hay tủ lạnh. Vậy, bún đổi màu hồng có phải do một chất hóa học mới mà cơ sở sản xuất thêm vào trong quá trình sản xuất bún? Cá nhân tôi thấy điều đó hơi vô lý, vì nếu có dùng, thì cơ sở sẽ chọn mua những phụ gia thông dụng như liên kê ở trên".
TS Tần nhận định, có thể màu hồng của bún là do bị nhiễm vi khuẩn Serratia marcescens. Đây là một loại vi khuẩn có thể tạo ra sắc tố hồng, làm đổi màu thịt, cá, tinh bột, thậm chí cả sữa mẹ.
Trong khi chờ đợi kết quả từ cơ quan chức năng, người tiêu dùng không nên quá lo lắng và vội kết tội cho cơ sở sản xuất thêm phụ gia, hóa chất. Điều này sẽ ảnh hưởng đến những người làm bún truyền thống, nhất là những người chỉ dùng gạo và nước, không hề sử dụng phụ gia.
Nguồn: https://thanhnien.vn/thong-tin-bun-doi-mau-hong-gay-lo-lang-phan-tich-cua-chuyen-gia-185250711173040593.htm
Bình luận (0)