Một ý định táo bạo và điên rồ
Paul Doumer làm Toàn quyền Đông Dương từ 1897 đến 1902 được đánh giá là nhà cai trị hà khắc, độc tài ở xứ Đông Dương, nhưng ông ta cũng là người nhiệt tình cho dựng xây hệ thống đường sá, xe lửa với mục đích khai thác triệt để tài nguyên từ Đông Dương.
Cầu Long Biên lúc khánh thành vào tháng 2/1902 lấy tên nhà Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer. Đây là công trình được đánh giá vĩ đại và một trong những cây cầu lớn nhất thế giới vào thời đó, mà trước khi có ý định xây dựng được nhiều người ngăn cản là “ý tưởng điên rồ, không thể thực hiện được”.
Được xây dựng trong 3 năm và có thể xem là ngoạn mục khi thi công qua con sông Hồng chảy xiết với thiết bị còn thô sơ. Câu chuyện xây dựng cầu với những người thợ bản xứ được nhà Toàn quyền Đông dương ghi lại trong hồi ký Xứ Đông Dương (Nhà xuất bản Thế giới ấn hành).
Ý tưởng xây cầu được nhà Toàn quyền Đông Dương cho biết rằng: “muốn đem đến cho thuộc địa một cơ sở hạ tầng giúp xứ sở này phát huy giá trị tiềm năng nguồn tài nguyên thiên nhiên của mình”. Ông Paul Doumer cho biết sẽ triển khai dự án về giao thông này một cách khẩn cấp, quy mô gồm: đường bộ, đường sông, kênh đào, điều tiết dòng chảy, tưới tiêu, nạo vét; hệ thống đường sắt khắp Đông Dương; hệ thống tàu điện; cảng biển… Lúc đó đã có nhiều ý kiến can ngăn, chế giễu “Bắc một cây cầu qua sông Hồng ư? Thật là điên! Chẳng khác gì nói rằng chúng ta muốn chồng các quả núi lên nhau để leo lên trời...” (theo Xứ Đông Dương).
Paul Doumer là một chính khách người Pháp, sinh năm 1857. Ông làm Toàn quyền Đông Dương từ 1897 - 1902. Sau ông làm Tổng thống Pháp từ 1931 - 1932. Ông bị một phần tử quá khích người Nga ám sát năm 1932.
Nói về việc xây dựng nối hai bờ sông Hồng, nhà Toàn quyền Đông Dương cho biết: “Có một công trình mà tôi cho là cực kỳ cấp thiết. Đó là một cây cầu lớn bắc qua sông Hồng để đi sang tả ngạn của sông. Thành phố bị tách rời khỏi các tỉnh bên tả ngạn bởi con sông rộng 1.700m, với nhiều đồi cát nhanh chóng hình thành rồi lại bị nhấn chìm. Đối với người bản xứ, việc qua sông luôn khó khăn và tốn kém, đôi khi còn nguy hiểm. Điểm lên bờ ở hai bên bờ nằm tại những nơi bắt buộc phải đánh dấu bằng kênh dẫn vào, những điểm này thay đổi theo từng mùa và thường nằm rất xa các tuyến đường vào phố xá, khiến việc đi lại không hề dễ dàng”.
![]() |
Ảnh trong bài: Dương Minh Long |
Paul Doumer cho biết thêm, tuyến đường sắt Lạng Sơn buộc phải dừng lại cách sông Hồng 3km vì không có cầu, nên ý tưởng của ông “nhất định phải thiết lập tại Bắc Kỳ một hệ thống đường sắt hội tụ về Hà Nội, không chỉ nối thành phố này với biển, mà còn nối nó với Trung Kỳ và Trung Hoa. Không thể nào để hai nữa hệ thống đường sắt bị dòng sông gây ngăn cách” (theo Xứ Đông Dương).
Năm 1897, việc đấu thầu xây dựng cây cầu đã được diễn ra và đồ án của nhà thầu Daydé và Pillé ở Creil đã được chọn. Viên đá đầu tiên được đặt và thi công bắt đầu vào mùa khô, tháng 9/1898.
Theo thiết kế cây cầu cho biết, khoảng cách hai mố cầu ở hai bên sống là 1.600 mét. Cây cầu có 19 nhịp liên hoàn được tạo thành từ các dầm thép kiểu dầm chìa. Hai mươi cột trụ xây nề, gồm các cột trụ và mố cầu, để đậu được trên nền đất cứng, đã phải hạ xuống độ sâu 30 mét so với mực nước thấp nhất của sông Hồng. Các trụ và mố cầu này nhô cao 13,5 mét so với mực nước; do đó chiều cao tổng thể của chúng là 43,5 mét. Không gian nằm giữa các dầm chính của cầu được dành cho đường sắt; các tuyến đường bộ được xây nhô ra hai bên. Cộng với chiều dài 800 mét của cầu bê tông nối dài từ ngay trong Thành phố Hà Nội, tổng cộng chiều dài của công trình lên đến 2.500 mét.
Những người thợ An Nam nhỏ bé và nghị lực
Việc xây dựng cây cầu theo Paul Doumer chia sẻ rằng, đây là tác phẩm của các kỹ sư, đốc công và thợ cả Pháp cùng các nhân công An Nam. “Công trình này vinh danh tất cả bọn họ. Trên thực tế toàn bộ phần trụ mố đã được xây và phần thân cầu bằng thép được các công nhân châu Á, trong đó chủ yếu người An Nam với sự nỗ lực của một số người Hoa lắp ráp”.
Để thi công những trụ móng cây cầu, các người thợ phải ngồi trong các thùng Ketxon (thùng lớn, nước không vào được, khí nén được cấp vào trong thùng). Chiếc thùng này cùng người thợ xuống tận đáy sông, đi sâu vào lòng đất. Các công nhân làm việc thay ca 4 giờ một lần. Khi đưa các công nhân lên họ được cho uống thuốc bổ, xoa bóp và có bác sĩ tới kiểm tra sức khỏe... “Cách đối xử nhân ái này đã khiến danh tiếng các công trường xây dựng vang xa, người đến xin làm tại đó ngày càng đông”, nhà Toàn quyền Đông Dương cho biết (theo Xứ Đông Dương).
![]() |
Paul Doumer mô tả “Khi nó xuống sâu tới 20 mét dưới mặt nước, với áp suất khí nén tương đương hai át-mốt-phe, rồi 25 mét, rồi 30, với áp suất khủng khiếp tới ba át-mốt-phe và cuối cùng 31, 32, đôi khi là 33 mét, trong điều kiện này việc thi công trở nên cực kỳ khắc nghiệt. Những người công nhân An Nam nhỏ bé can đảm đã sống dưới độ sâu này mà không sợ hãi, không phản đối. Họ từ hào về việc họ làm và người dân quanh họ ngưỡng mộ họ, đồng thời cũng ghen tị với mức lương cao của những công nhân này”.
Khi các trụ cầu hoàn tất, các dầm thép được chuyển từ Pháp để cho quá trình lắp ráp. Nói về phần lắp ráp các dầm thép, tán đinh ri-vê, nhà Toàn quyền Đông Dương cho biết các tay thợ An Nam khéo léo hơn thợ Trung Quốc: “Vẫn các công nhân bản xứ lắp ráp các phần rầm kim loại, vận hành các thiết bị cẩu nặng, tán các đinh ri-vê. Ban đầu thợ tán đinh ri-vê chủ yếu là được tuyển mộ từ cộng đồng người Hoa, vốn khỏe mạnh hơn người An Nam; nhưng dần dà người An Nam đã gạt người Hoa ra”.
Sự sáng tạo và khôn ngoan của người Việt đã khiến ông thốt lên: “Người An Nam chắc chắn là tộc người ưu trội so với các dân tộc xung quanh… Người An Nam thông minh, cần cù và dũng cảm”.
Cây cầu hoàn tất trong 3 năm xây dựng, tiêu tốn hơn 6 triệu tiền Pháp lúc đó. Cầu mang tên nhà Toàn quyền Pháp “Paul Doumer” và được khánh thành vào tháng 2/1902. Đây cũng là lúc ông kết thúc sứ mệnh tại Đông Dương trở về nước Pháp.
Cố nhà văn Nguyễn Xuân Khánh nhận định: “Dưới thời Doumer, hạ tầng cơ sở của Đông Dương được xây dựng, kiến thiết ào ạt. Ông muốn biến Đông Dương thành thị trường tiêu thụ của công nghiệp Pháp, đồng thời muốn khai thác triệt để tài nguyên từ Đông Dương. Muốn thế phải có bến cảng, đường sá, cầu cống…
Chính trong thời gian này, cầu Doumer - sau này đổi tên thành cầu Long Biên, được xây dựng. Cây cầu này được coi là một kỳ quan của Đông Dương thời ấy. Cũng thời gian này Doumer còn cho xây dựng cầu Thành Thái (tức cầu Tràng Tiền) bắc qua sông Hương ở Huế và cầu Bình Lợi bắc qua sông Sài Gòn.
Ông xây dựng cảng Hải Phòng, thiết kế xây dựng đường sắt Đông Dương nối với Vân Nam. Tuyến đường sắt này mãi đến 1937 mới hoàn thành. Ông nhiệt tình với việc xây dựng đến nỗi báo chí Pháp mỉa mai ông là người theo chủ nghĩa đường sắt.
Ông cũng chính là người đã ủng hộ và hậu thuẫn công việc nghiên cứu của Yersin, đồng ý xây dựng thành phố Đà Lạt và đưa cây cao su vào trồng, hình thành nên những đồn điền cao su tạo hàng hóa xuất khẩu.
Dưới thời cai trị của Paul Doumer, Hà Nội là thành phố châu Á đầu tiên có điện. Paul Doumer là một tay thực dân chính cống, ông hành động hoàn toàn vì lợi ích của nước Pháp. Nhưng ông là một nhà kinh tế có tài và có tầm nhìn. Chính do vậy, người Pháp có lợi nhưng xứ thuộc địa cũng được hiện đại hóa, Tây phương hóa. Một đất nước theo kiểu Tây phương được công nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa đã manh nha hình thành”.
Nguồn: https://baophapluat.vn/ky-nang-tuyet-voi-cua-nguoi-an-nam-xay-cau-paul-doumer-post543814.html
Bình luận (0)