Trở về với đời thường, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Hùng Vách luôn là tấm gương sáng để con, cháu noi theo. Ảnh: Trà Hương
Giữa những ngày tháng 4 lịch sử, cựu chiến binh Trịnh Khắc Ba ở thị trấn Đạo Đức (Bình Xuyên) bồi hồi nhớ về ký ức mùa Xuân đại thắng của dân tộc khi ông là một trong những chiến sĩ của Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 tham gia bắt nội các Dương Văn Minh vào thời khắc lịch sử lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975.
Sinh năm 1954, nhập ngũ năm 1971 khi mới tròn 17 tuổi, chàng thanh niên Trịnh Khắc Ba sục sôi khí thế Nam tiến tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong mấy năm ác liệt nhất của chiến trường miền Nam, với nhiệm vụ trinh sát, biên chế ở Đại đội 20, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, ông Ba cùng đồng đội vào sinh, ra tử, góp phần quan trọng làm nên nhiều chiến thắng lịch sử có ý nghĩa quyết định tại Quảng Trị, Đà Nẵng; ông vinh dự được kết nạp Đảng khi mới 20 tuổi.
Năm 1974, Trung đoàn của ông nhận lệnh hành quân thần tốc tiến về Sài Gòn, dọc theo đường 1, đến đâu giải phóng đến đó. Sáng 30/4/1975, ông Ba tham gia mũi thọc sâu tiến công của Trung đoàn 66 do Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ chỉ huy là những người có mặt sớm nhất tại Dinh Độc Lập và bắt toàn bộ nội các Dương Văn Minh, chứng kiến sự sụp đổ hoàn toàn của chính quyền ngụy Sài Gòn.
Đến bây giờ, khi nhắc lại thời khắc lịch sử đó, ông Ba vẫn không thể nào diễn tả hết được cảm xúc của mình, niềm hạnh phúc của người chiến thắng, của tự do, thống nhất.
Sau chiến thắng 30/4/1975, ông Ba cùng đơn vị chiến đấu tại chiến trường Tây Nam giải phóng Campuchia. Đến tháng 2/1979, ông ra Bắc tham gia cuộc chiến tranh Biên giới phía Bắc rồi về công tác tại Phòng Chính trị, Bộ Tham mưu Quân đoàn 2.
Năm 1988, ông Ba được nghỉ theo chế độ bệnh binh và trở về sinh sống tại thị trấn Đạo Đức, tiếp tục phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, gương mẫu trong các phong trào, hoạt động ở địa phương.
Đối với Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Hùng Vách, sinh năm 1949, quê ở xã Nguyệt Đức (Yên Lạc), đang sinh sống ở thị trấn Kim Long (Tam Dương) thì ký ức về chiến thắng 30/4/1975 với ông không chỉ là niềm vui, niềm tự hào mà còn là sự đau thương, mất mát.
Nhập ngũ năm 1967, con đường binh nghiệp của ông Vách nhanh chóng ghi dấu với nhiều trận đánh ở chiến trường Tây Nguyên, Nam Bộ. Năm 1975, tham gia trận đánh giải phóng thị xã Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, ngày 1/4, sau 2 giờ chiến đấu quyết liệt, ông Vách bị thương nặng nhưng vẫn kiên cường chiến đấu cùng đồng đội để hoàn thành nhiệm vụ, quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Đêm 29, rạng sáng 30/4/1975, ông Vách được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy một trung đội xe tăng tiến đánh Trung tâm huấn luyện Quang Trung của địch, vào sâu nội thành để tiến tới mục tiêu giải phóng Sài Gòn.
Trong chiến dịch này, dù tiếp tục bị thương thêm 3 lần nữa, song ông Vách vẫn nén đau, tiếp tục chỉ huy trung đội xông lên tiêu diệt các mục tiêu của địch và cùng bộ binh đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu quân ngụy ở Sài Gòn, góp phần vào thắng lợi chung của cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Nhớ lại những ký ức ngày chiến thắng, ông Vách xúc động chia sẻ: “Với tôi, còn sống để trở về với gia đình, quê hương là điều may mắn. Chiến tranh quá ác liệt, đi đánh giặc không ai biết mình sống hay chết, biết bao đồng đội của tôi đã ngã xuống mà không được chứng kiến ngày toàn thắng, có người đến giờ vẫn chưa tìm được hài cốt… Mong sao thế hệ con cháu sẽ luôn trân trọng giá trị của hòa bình, độc lập như ngày hôm nay”.
Với những thành tích trong chiến đấu, ông Trần Hùng Vách được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng Nhì, 1 Huân chương Chiến công hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác. Ngày 15/1/1976, ông được Nhà nước tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Đã 50 năm đất nước giải phóng, những người lính năm xưa đều bước sang tuổi xưa nay hiếm nhưng khí thế, tinh thần họ vẫn luôn sục sôi, rạo rực như những thanh niên thời đại Hồ Chí Minh xông pha trận mạc.
Nhiều người con quê hương Vĩnh Phúc đã vinh dự được đóng góp một phần công sức cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, non sông thu về một mối.
Hiện nay, trong số những người lính trực tiếp chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và may mắn trở về sau ngày toàn thắng còn sống cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Bởi vậy, ký ức hào hùng của những nhân chứng lịch sử đó không chỉ là niềm tự hào mà còn là bản hùng ca, “tài sản” vô giá để lan tỏa mạnh mẽ cho thế hệ trẻ tình yêu nước, trân trọng giá trị của hòa bình, độc lập, tự do.
Bình Duyên
Nguồn: http://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/126685/Ky-uc-ngay-chien-thang
Bình luận (0)