Chứng cứ yếu
Buổi đi chơi Festival Phở 2025 tại Hoàng thành Thăng Long của bà H. đột nhiên mất vui. Khi đi qua gian hàng phở Nam Định, bà nhìn thấy slogan "cái nôi của nghề phở". Dù món phở Cồ có vị đậm đà, bán chạy với số lượng lớn tại Festival Phở lần này, không có nghĩa đây là cái nôi của nghề phở. "Tôi không hiểu sao Nam Định hay làng Vân Cù (nơi có dòng họ Cồ rất giỏi nghề phở - NV) lại là cái nôi của nghề phở", bà thắc mắc.
Bát phở cúng thành hoàng làng Vân Cù
ẢNH: TRINH NGUYỄN
Thắc mắc của bà H. không phải không có lý. Cho tới thời điểm hiện tại, chưa có chứng cứ lịch sử nào có thể chứng minh làng Vân Cù, hay Nam Định nói chung là cái nôi của nghề phở. Trong cuốn Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ của tác giả Pierre Gourou (xuất bản từ những năm 30 của thế kỷ trước), các làng chuyên bán phở được nhắc tới là làng Di Trạch ở Hà Đông, Hà Nội và làng Giao Cù ở Nam Trực, Nam Định. Tác giả này không nhắc đến làng Vân Cù.
Nhà nghiên cứu Trịnh Quang Dũng, tác giả cuốn Trăm năm phở Việt, cho biết theo nghiên cứu của ông, đầu thế kỷ 20, "đội quân phở gánh" của dòng phở Nam Định đã rong ruổi lên Hà Nội để bán hàng. Cũng trong thời gian này còn có một dòng phở khác gốc ở Di Trạch, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội).
Bất chấp việc chưa có lý do khẳng định "cái nôi của nghề phở", slogan nói trên được sử dụng nhiều lần trong các sự kiện quảng bá phở ở nhiều nơi. Năm 2024, tại Nam Định, làng Vân Cù đã dùng. Ngay trên fanpage của Festival Phở 2025, cũng có những hình ảnh khác mang slogan này. Một trong số đó là sự kiện tôn vinh phở tại nhà văn hóa thôn Vân Cù. Một hình ảnh khác cho thấy Trường THCS Đồng Sơn cũng mở cuộc thi "tìm hiểu nghề phở truyền thống Vân Cù - cái nôi của nghề phở"…
Hồ sơ quốc gia di sản văn hóa phi vật thể Phở Nam Định có ghi nhận việc nghề nấu phở mang lại thu nhập, nâng cao sinh kế cho người dân, đặc biệt là người dân ở các làng Giao Cù, Vân Cù và Tây Lạc của H.Nam Trực, tỉnh Nam Định. Hồ sơ cũng ghi nhận từ những gánh phở đi bán rong đầu tiên, nhiều thế hệ dân làng đã tự mở cửa hàng riêng… Họ cũng mang thương hiệu phở Cồ gia truyền, phở Nam Định gia truyền đi mở cửa hàng tại TP.Nam Định và lan tỏa khắp các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước, lẫn cả ở nước ngoài để lập nghiệp. Mặc dù vậy, trong hồ sơ này, hoàn toàn không có khẳng định về việc Nam Định hay Vân Cù là "cái nôi của nghề phở".
“Cái nôi của nghề phở” - một slogan gây tranh luận khi được đưa ra tại Festival Phở 2025
ẢNH: HP
Một văn bản nêu lại slogan “cái nôi của nghề phở”
ẢNH: CHỤP LẠI TỪ TRANG ĐẤT VÀ NGƯỜI NAM ĐỊNH
Trái tinh thần Công ước 2003 của UNESCO
Slogan "cái nôi của nghề phở" trong những hoạt động từ Nam Định cũng khiến cộng đồng hoang mang về phở Hà Nội. Vậy, có phải phở Nam Định "sinh ra" phở Hà Nội hay không? Trong khi đó, trong hồ sơ di sản phi vật thể phở Hà Nội lẫn phở Nam Định, điều này hoàn toàn không được nhắc tới. Nếu như hồ sơ phở Nam Định dành thời lượng lớn cho nghề nấu phở của địa phương mình, thì hồ sơ phở Hà Nội lại có nhiều nội dung về văn hóa phở, cách thưởng thức phở ở Hà Nội. Không có việc "tranh ngôi thứ" nào giữa hai hồ sơ này.
Còn nhớ, năm 2024, được hỏi ý kiến về slogan "cái nôi của nghề phở", TS Lê Thị Minh Lý, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa VN, cho rằng nó có thể gây hiểu lầm về di sản và cộng đồng gìn giữ di sản. TS Lý cũng cho rằng: "Có thể nói Nam Định và Vân Cù là nơi có làng nghề phở lâu đời, nổi tiếng. Điều này không ảnh hưởng tới những cộng đồng cũng đang giữ nghề phở khác. Công ước 2003 khuyến khích sự đa dạng văn hóa và sáng tạo, có lẽ nên tránh so sánh, hay dùng các từ như duy nhất… trong các hồ sơ di sản".
Về slogan "cái nôi của nghề phở", PGS-TS Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL), cho biết Công ước 2003 của UNESCO về di sản văn hóa phi vật thể có đưa ra các nguyên tắc đạo đức trong thực hành di sản văn hóa. "Đấy là phải đảm bảo nguyên tắc tôn trọng các cộng đồng chủ thể và không tạo ra xung đột cũng như cạnh tranh trong các thực hành", bà Hiền nói.
Chính vì thế, việc nhận là "cái nôi" rất ảnh hưởng tới di sản vì di sản văn hóa phi vật thể không phải nhằm tạo ra những cái gọi là thi đua hay cạnh tranh mà là để chung tay bảo vệ di sản. "Các cơ quan chính quyền sẽ phải hỗ trợ các cộng đồng để cùng tôn trọng điều đó. Mình cũng phải luôn luôn nhận thức, ý thức sâu sắc về điều đó để tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong xã hội hiểu đúng, cùng tôn trọng cộng đồng theo đúng tinh thần luật Di sản văn hóa cũng như Công ước 2003", PGS-TS Hiền nhấn mạnh.
Cũng theo PGS-TS Lê Thị Thu Hiền, khi nghiên cứu làm các hồ sơ di sản trình UNESCO, một việc quan trọng là xác định cộng đồng chủ thể của di sản phân bổ ở các địa bàn khác nhau mà không phân biệt ở vùng nào với vùng nào. Hồ sơ chèo thoạt tiên xác định chèo ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, sau đó lại đổi tên vì chèo còn ở trên nhiều địa bàn khác nữa… "Không bao giờ nói nôi của phở ở Nam Định hay ở Hà Nội. Cái đấy là giá trị văn hóa của cộng đồng ở các địa phương khác nhau. Trong tri thức phở Nam Định có cái khác với tri thức phở ở Hà Nội mà không phải ở đâu sẽ là cái nôi cả", bà nói.
Nguồn: https://thanhnien.vn/lai-tranh-luan-ve-cai-noi-cua-nghe-pho-185250423215904212.htm
Bình luận (0)