Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Làm rõ các quy định liên quan đến trách nhiệm của công đoàn cơ sở

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, chiều nay, 28.4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Báo Đại biểu Nhân dânBáo Đại biểu Nhân dân28/04/2025

Thành lập Ủy ban MTTQ ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quyết định

avatar
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Theo Tờ trình dự án Luật do Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà trình bày, Luật tập trung vào một số điều liên quan trực tiếp đến vị trí, vai trò, chức năng, quyền hạn và trách nhiệm, tổ chức bộ máy và nguyên tắc tổ chức, hoạt động của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các Hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ.

Đối tượng tác động của Luật là: MTTQ Việt Nam các cấp; các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến địa phương; các Hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ; các tổ chức thành viên khác của Mặt trận; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Dự thảo Luật gồm 5 điều. Để phù hợp và đồng bộ với việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp cơ sở, không tổ chức cấp huyện), thống nhất với quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sau sửa đổi), dự thảo Luật sửa đổi quy định tại khoản 3 theo hướng bỏ quy định: “Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh” tổ chức MTTQ Việt Nam ở cấp tỉnh, cấp xã.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định MTTQ Việt Nam tại điểm b, khoản 3 và khoản 4 như sau: Ở địa phương có Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; có Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, phường, đặc khu tại hải đảo. Ở mỗi cấp có Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam. Việc thành lập Ủy ban MTTQ Việt Nam ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quyết định.

Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn các cơ quan của MTTQ Việt Nam do Điều lệ MTTQ Việt Nam quy định.

Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ, Thường trực Ủy ban tán thành sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung 4 luật với các cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn đã được nêu tại Tờ trình; cơ bản nhất trí phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật, chủ yếu tập trung quy định các vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức của MTTQ và các tổ chức thành viên trực thuộc MTTQ.

chu-nhiem-uy-ban-van-hoa-va-xa-hoi-nguyen-dac-vinh-2.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Về việc sửa đổi, bổ sung Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trong dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban nhất trí với đề xuất của cơ quan chủ trì soạn thảo để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất đối với các quy định mới về tổ chức, bộ máy. Bên cạnh đó, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các nội dung liên quan tới việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và các quy định khác liên quan tới việc sắp xếp, tổ chức bộ máy.

Đồng thời, đề nghị tiếp tục rà soát một số luật có quy định liên quan đến hoạt động của MTTQ Việt Nam trong các luật đang trong quá trình sửa đổi như: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân...; hoàn thiện, cập nhật kịp thời các nội dung sửa đổi của các luật này để có điều chỉnh phù hợp tại dự thảo Luật (nếu phù hợp).

Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Nghiên cứu, rà soát tổng thể để sửa đổi Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận hồ sơ dự án Luật đã được cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị khẩn trương, tích cực, nghiêm túc theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nhất trí phạm vi sửa đổi của luật này là một luật sửa 4 luật và nhất trí trình Quốc hội xem xét thông qua theo trình tự thủ tục rút gọn tại Kỳ họp thứ Chín.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà trình bày tờ trình dự án Luật. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà trình bày tờ trình dự án Luật. Ảnh: Hồ Long

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đánh giá cao Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội đã được xây dựng đúng quy định và cũng bước đầu thể hiện rõ quan điểm về các nội dung trong Tờ trình.

Cho ý kiến về dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát và bổ sung quy định về điều khoản chuyển tiếp để bảo đảm tính khả thi và tính liên tục về hoạt động của các tổ chức, cá nhân khi thực hiện luật.

Bên cạnh đó, cần có quy định chung về nguyên tắc đối với hoạt động của MTTQ, của công đoàn, đoàn thanh niên và thực hiện dân chủ cơ sở khi chuyển đổi sang mô hình chính quyền địa phương hai cấp.

Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu cũng đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát tổng thể các luật có liên quan để sửa đổi Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các luật khác một cách bài bản, toàn diện hơn.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng đề nghị, cần làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy, cụ thể là các quy định liên quan đến trách nhiệm của công đoàn cơ sở. Cùng với đó, rà soát những quy định liên quan đến cấp huyện trong Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở để bảo đảm sửa đổi và loại bỏ triệt để.

Xem xét kỹ lưỡng, bảo đảm tính thống nhất giữa dự thảo luật với các dự thảo luật khác có liên quan, nhất là những dự luật có nội dung liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy cũng sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Chín tới đây, như: Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến tại phiên họp này; các ý kiến trong Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội cũng như ý kiến tham gia thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội để khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến, gửi đại biểu Quốc hội trước khi diễn ra khai mạc kỳ họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cần tiếp tục rà soát các luật có liên quan và bổ sung nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của Chính phủ, của các tổ chức chính trị - xã hội; đánh giá về tính tương thích của dự thảo Luật với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; bám sát định hướng sửa đổi Hiến pháp cũng như cập nhật kịp thời nội dung sửa đổi Hiến pháp, các luật có liên quan đang được sửa đổi để điều chỉnh khi cần thiết, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Đồng thời, tiếp tục rà soát, bảo đảm phù hợp với các luật hiện hành và các luật đang sửa đổi, bổ sung như Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân.

Nguồn: https://daibieunhandan.vn/lam-ro-cac-quy-dinh-lien-quan-den-trach-nhiem-cua-cong-doan-co-so-post411745.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

"Đường quê" trong tâm thức người Việt
Góc nhìn đặc biệt từ tiêm kích Su30-MK2 nhào lộn thả bẫy nhiệt
Pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TP.HCM trong tiếng reo hò của người dân, du khách
Người dân chờ đợi 5 tiếng để chiêm ngưỡng pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TPHCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm