Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Lan toả lòng tự hào dân tộc và tình yêu đất nước từ những điều bình dị

(LĐ online) - Những ngày cuối Tháng 4, tiết trời Đà Lạt trong trẻo, mát dịu, cũng là lúc cả thành phố khoác lên mình màu cờ rực rỡ, tự hào và thấm đẫm tinh thần dân tộc. Từ các trục đường chính đến những con hẻm nhỏ quanh co mang dấu ấn phố núi, hàng ngàn lá cờ Đảng, cờ Tổ quốc được treo thành những dải dài trên cao, tung bay trong nắng sớm, tạo nên những "đường cờ” vừa trang nghiêm vừa gần gũi.

Báo Lâm ĐồngBáo Lâm Đồng27/04/2025

Phụ nữ Đà Lạt duyên dáng trong tà áo dài trên con đường cờ

NHỮNG “ĐƯỜNG CỜ” TỪ LÒNG DÂN VÀ VÌ LÒNG DÂN

Đây là một trong những hoạt động trọng điểm được TP Đà Lạt triển khai nhằm chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Không chỉ dừng lại ở việc treo cờ truyền thống, Đà Lạt đang biến từng khu dân cư, từng con hẻm nhỏ thành một “con đường lịch sử thu nhỏ”, góp phần làm sống dậy không khí hào hùng, tôn vinh giá trị của hòa bình và thống nhất dân tộc.

“Đường cờ” không phải là một khái niệm mới, nhưng cách Đà Lạt thực hiện trong dịp trọng đại lần này lại mang dấu ấn riêng: Từ ý tưởng cộng đồng đến hành động đồng thuận. Không chỉ có sự chỉ đạo từ chính quyền địa phương, mà chính người dân là chủ thể thực hiện - mỗi nhà một lá cờ, mỗi hẻm một sắc đỏ. Tất cả quyện vào đan xen làm nên điểm nhấn rất ấn tượng.

Cán bộ công chức Phường 2 hưởng ứng chào mừng đại lễ
Cán bộ, công chức Phường 2 (TP Đà Lạt) hưởng ứng thực hiện và chụp hình dưới đường cờ mừng Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Tại Phường 2, chị Nguyễn Thị Hạ chia sẻ: Ngay khi nghe kế hoạch triển khai đường cờ, người dân chúng tôi đã rất đồng lòng hưởng ứng. Nhiều nhà chủ động thay cờ mới, có tổ dân phố còn quyên góp để đồng bộ kiểu dáng, chiều cao treo cờ cho đẹp mắt. Nhiều đoạn đường ven suối, hay từng con hẻm nhỏ đã bừng lên trước sắc đỏ của những lá cờ. Không khí chuẩn bị như một lễ hội thực sự. Người dân Việt Nam chúng tôi thật sự tự hào khi đất nước chuẩn bị bước vào dấu mốc lịch sử 50 năm ngày toàn thắng, ngày thống nhất.

.

Một hình ảnh đẹp được ghi lại tại đường Yên Thế, TP Đà Lạt

Đặc biệt, một số tuyến hẻm nhỏ vốn khuất nẻo, ít khi được chú ý nay cũng được “khoác áo đỏ” bằng những lá cờ nhỏ gọn, bố trí xen kẽ đèn led, kết hợp pa-nô tuyên truyền, hoa cây xanh trang trí ven hàng rào, trước cổng nhà dân, tạo hiệu ứng thị giác ấn tượng. Con hẻm trở nên sinh động, vừa toát lên vẻ đẹp của sự yên bình, vừa thể hiện sự trân trọng với lịch sử dân tộc.

Tinh thần tự hào dân tộc, tình yêu Tổ quốc Việt Nam được thể hiện mọi lúc, mọi nơi

KHÔNG CHỈ LÀ TRANG TRÍ, MÀ CÒN LÀ GIÁO DỤC TRUYỀN THỐNG

Việc thiết kế “đường cờ” không đơn thuần là công tác tuyên truyền, mà còn là cách truyền cảm hứng và nhắc nhớ về quá khứ hào hùng của dân tộc. Mỗi con đường treo cờ, mỗi hẻm nhỏ được điểm tô bằng pa-nô, áp phích, khẩu hiệu, là một “góc lịch sử thu nhỏ” mà người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, có thể nhìn thấy và suy ngẫm mỗi ngày.

.
Những phút giây yên bình dưới màu cờ đỏ thắm sân trường của học sinh Trường THCS Nguyễn Du - Đà Lạt 

Ông  Phạm Văn Bảy - Tổ trưởng Tổ dân phố 17 (Phường 4, TP Đà Lạt) cho biết: Chúng tôi xem hoạt động treo cờ, nhất là điểm nhấn về những đoạn đường, tuyến phố treo cờ trên cao, chính là một phần trong việc giáo dục truyền thống. Không cần những buổi sinh hoạt chính thức, chỉ cần mỗi ngày đi qua con hẻm treo cờ, không chỉ cán bộ, đảng viên mà ngay cả các cháu học sinh và những người dân lao động cũng cảm nhận được không khí lịch sử, từ đó khơi dây tinh thần tự hào dân tộc và lòng yêu nước.

Trường THCS - THPT Chi Lăng rực rỡ cờ đỏ sao vàng mừng đất nước kỷ niệm 50 năm giải phóng, thống nhất
Trường THCS - THPT Chi Lăng rực rỡ cờ đỏ sao vàng mừng kỷ niệm Lễ 30/4

Nhiều trường học trên địa bàn cũng tổ chức các buổi tham quan “đường cờ” gắn với hoạt động ngoại khóa, tìm hiểu lịch sử ngày 30/4. Việc kết hợp giữa không gian sống và không gian giáo dục là cách làm sáng tạo, hiệu quả và bền vững mà thành phố đang hướng đến.

Với lợi thế là thành phố du lịch nổi tiếng, Đà Lạt không chỉ chú trọng hoạt động văn hóa nội bộ, mà còn biến mỗi con đường trở thành điểm nhấn du lịch trong dịp lễ trọng đại của đất nước. Những “đường cờ” không chỉ gọn gàng, trang nghiêm, mà còn được thiết kế hài hòa với không gian kiến trúc, cảnh quan đặc trưng của phố núi.

.
Không chỉ đơn thuần chụp ảnh check-in dưới những hàng cờ, giới trẻ còn hiểu hơn về truyền thống cách mạng của dân tộc, từ đó ngày càng hun đúc tình yêu mãnh liệt dành cho quê hương, đất nước

Tuyến đường Phan Đình Phùng, Trần Phú, Bùi Thị Xuân... vốn đông du khách, nay càng thêm rực rỡ với hàng trăm lá cờ được treo đồng bộ dọc các tuyến đường. Nhiều phường, xã còn tổ chức tại các khu phố văn hóa, lồng ghép hình ảnh cờ, ảnh tư liệu lịch sử, trưng bày ảnh xưa - nay, giúp du khách hiểu hơn về lịch sử và vẻ đẹp không gian đô thị gắn liền với các mốc son lịch sử.

Một du khách đến từ TP Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Hoàng Long, chia sẻ: “Tôi đến Đà Lạt nhiều lần, nhưng chưa khi nào thấy thành phố đồng loạt trang hoàng đẹp như dịp này. Vừa đi du lịch, vừa cảm nhận không khí lễ lớn của cả dân tộc, tôi thực sự rất xúc động”.

.
Không chỉ những tuyến đường, các cơ quan, công sở trên địa bàn TP Đà Lạt cũng được trang trí cờ Đảng, cờ Tổ quốc rực đỏ

BIỂU TƯỢNG TINH THẦN VỀ LÒNG YÊU NƯỚC

Không cần đến những hoạt động có quy mô, điều khiến “đường cờ” ở Đà Lạt trở nên đặc biệt chính là sự bình dị, gần gũi. Những con hẻm nhỏ vốn quen thuộc nay bỗng lung linh và trang nghiêm hơn, gợi nhớ hình ảnh những ngày đầu giải phóng - khi khắp nơi rợp cờ hoa mừng ngày thống nhất.

Từ một hoạt động tưởng chừng chỉ mang tính hình thức, “đường cờ” đã trở thành biểu tượng tinh thần, thể hiện lòng biết ơn, niềm tự hào dân tộc trong từng nếp sống nhỏ của người dân Đà Lạt.

.
Sử dụng xe cơ giới chuyên dụng để thực hiện đường cờ trên địa bàn TP Đà Lạt

Trong không khí cả nước hân hoan chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, “đường cờ” tại Đà Lạt không chỉ là hình ảnh trang trí đô thị, mà là cách thành phố hoa lan tỏa lòng yêu nước bằng những điều giản dị nhất trong từng con hẻm, mái nhà, trong từng cơ quan, đơn vị và trong cả ánh mắt, nụ cười và cảm nhận của người dân và du khách mỗi khi được đi dưới những đường cờ trong không gian yên bình.

.
Không gian rợp bóng cờ tại Trường THCS - THPT Chi Lăng - Đà Lạt góp phần tuyên truyền cho thế hệ học sinh hôm nay hiểu hơn về giá trị của hòa bình

Giữa nhịp sống hiện đại, “đường cờ” như một sợi chỉ đỏ kết nối hiện tại với quá khứ, làm sống dậy tinh thần đại đoàn kết và niềm tự hào về một dân tộc kiên cường, bất khuất. Và có lẽ, trong những ngày đường phố rợp cờ hoa ấy, người dân Đà Lạt không chỉ thấy phố núi đẹp hơn, mà còn cảm nhận rõ hơn rằng: Tự do - hòa bình hôm nay là thành quả của bao thế hệ đi trước và trách nhiệm giữ gìn thuộc về tất cả chúng ta ngày nay và mãi về sau.

Nguồn: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202504/lan-toa-long-tu-hao-dan-toc-va-tinh-yeu-dat-nuoc-tu-nhung-dieu-binh-di-4ee2d10/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Người dân chờ đợi 5 tiếng để chiêm ngưỡng pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TPHCM
Trực tiếp: Khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên năm 2025
Cận cảnh nút giao thông tại Quy Nhơn khiến Bình Định chi hơn 500 tỷ cải tạo
Quân đội Trung Quốc, Campuchia, Lào hợp luyện diễu binh ở TP.HCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm