Trước tiên, xin phép bàn về nguồn gốc của 2 từ Hán Việt "nguy" và "cơ".
Nguy (危) là ký tự xuất hiện lần đầu vào thời Chiến Quốc, có hình dáng cổ xưa giống như một người đứng trên vách đá, nghĩa gốc là "cao, cao ngất" (Quốc ngữ. Tấn ngữ), về sau mở rộng thành nhiều nghĩa, chẳng hạn như: "mạnh mẽ, căng thẳng, chật khít, bất chính, thiên vị" hay "vi mô, tinh tế, tổn hại, lo lắng, sợ hãi"…
Ở đây, nguy có nghĩa là "nguy hiểm, không an toàn" (Tả truyện. Chiêu Công thập bát niên).
Cơ (机) cũng là ký tự xuất hiện lần đầu vào thời Chiến Quốc, nghĩa gốc là tên của loài cây tổng quán sủi, tức cây alder (Sơn hải kinh. Bắc sơn kinh). Về sau cơ trở thành từ đa nghĩa, ví dụ: "bàn làm việc, bàn nhỏ, máy móc, thiết bị, bẫy chim và thú, chìa khóa, điểm quan trọng" hoặc là "lý do, động cơ, điềm báo, dấu hiệu, kế sách, mưu kế, ý tưởng" hay "bí mật, tinh thần, tài năng, linh cảm, thông minh, khéo léo"…
Ở đây, cơ có nghĩa là "thời cơ, cơ hội" (Dữ Trần Bá chi thư).
Riêng về nguy cơ (危机), còn được viết là 危几, là từ chỉ "cái ác" hoặc "mối nguy hiểm rình rập". Trong Thư gửi Kê Mậu Tề của Lữ An thời nhà Ngụy, Tam Quốc, có câu: "Ta luôn sợ những nguy hiểm và khủng hoảng tiềm tàng" (Thường khủng phong ba tiềm hải, nguy cơ mật phát).
Nguy cơ còn có nghĩa là "một khoảnh khắc khó khăn thực sự" hay "một cuộc khủng hoảng kinh tế" (Âu văn đích tân xã hội của Cù Thu Bạch)…
Một số người cho rằng cách viết "trong nguy có cơ", "biến nguy thành cơ" là sai, vì không thể tách rời nguy cơ để hiểu nguy là "nguy hiểm, sự khủng hoảng" và cơ là "cơ hội".
Xin thưa, cách viết "trong nguy có cơ", "biến nguy thành cơ", thậm chí là "chuyển nguy thành cơ", "hóa nguy thành cơ"… đều là những cụm từ chính xác, không hề sai, bởi vì nguy và cơ là 2 từ hoàn toàn độc lập về nghĩa. Đây là những cụm từ có nguồn gốc từ Hán ngữ.
Từ nửa sau thế kỷ 20, thành ngữ nguy trung hữu cơ (危中有机), tức "trong nguy có cơ" xuất hiện khá nhiều trong sách báo Trung Quốc, cụ thể là trong quyển Dịch kinh chi sinh mệnh triết học của Phùng Hỗ Tường, do Thiên hạ đồ thư công ty phát hành năm 1973 hay trong quyển Trung Hoa dân quốc tân cơ của Lý Trung Đạo, do Nghiêm Khánh Linh xuất bản năm 1974 (tr.103). Nguy trung hữu cơ còn là nhan đề sách của Long Quốc Cường, Trung Quốc xuất bản xã phát hành năm 2011.
Riêng thành ngữ chuyển nguy vi cơ (转危为机) thì xuất hiện trong quyển Trung Hoa dân quốc tân cơ (sđd, tr.103), thậm chí trở thành nhan đề sách của Lâm Vấn Khuê, Trung Hoa công thương liên hiệp xuất bản xã (2009).
Đôi khi có hai thành ngữ xuất hiện trong câu, chẳng hạn như "Nguy trung hữu cơ, hóa nguy vi cơ" (危中有机, 化危为机) của Trương Quế Huy đăng trên ấn phẩm Lá cờ (số 5, ngày 9.6.2020). Câu này thường được hiểu là "trong nguy có cơ, biến nguy thành cơ".
Trong một bài viết của ký giả Vũ Tông Nghĩa đăng trên Đại chúng nhật báo ngày 5.12.2024 (bản tiếng Trung) có câu: "Nguy trung hữu cơ, thiết vật úy súc, hóa nguy vi cơ họa chuyển phúc", nghĩa là "Có những cơ hội trong nguy hiểm. Đừng rụt rè. Hãy biến nguy hiểm thành cơ hội và biến tai họa thành phước lành".
Nguồn: https://thanhnien.vn/lat-leo-chu-nghia-trong-nguy-co-co-va-bien-nguy-thanh-co-185250411223524018.htm
Bình luận (0)