GS.TS.GVCC Cao Minh Trí
- Thưa ông, trong bối cảnh thương mại toàn cầu đối diện nhiều rủi ro bởi chính sách thuế đối ứng toàn diện của Mỹ, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu cho hàng hoá Việt Nam trở thành một vấn đề cấp thiết. Tuy nhiên, khi các nền kinh tế khác trên thế giới đều phải đa dạng thị trường xuất khẩu, cạnh tranh trong tìm kiếm thị trường và thị trường ngách, mục tiêu nói trên của Việt Nam sẽ gặp thách thức như thế nào?
PGS.TS.GVCC Cao Minh Trí: Tính đến tháng 4/2025, Việt Nam đã ký kết, thực thi và đang đàm phán 19 hiệp định thương mại tự do (FTA) với các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Vì vậy, trong kịch bản xấu nhất khi Mỹ - Trung Quốc đẩy cao thương chiến, tác động trực tiếp tới xuất nhập khẩu của Việt Nam, chúng ta vẫn còn có các phương án khác.
Tuy nhiên, hàng hoá Việt Nam phải tìm cách tồn tại trong các thị trường sẽ trở nên ngày càng cạnh tranh hơn. Các nền kinh tế như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan… cũng đang đẩy mạnh đa dạng hoá thị trường mà đích đến là các khu vực tiềm năng như Liên minh châu Âu (EU), Trung Đông và châu Phi.
Các thị trường này đều có nhiều hàng rào phi thuế quan như tiêu chuẩn khắt khe về môi trường, truy xuất nguồn gốc và giảm phát thải carbon… hay các yêu cầu của địa phương như yêu cầu organic tại châu Âu, Halal ở Trung Đông.... Sản phẩm của chúng ta buộc phải cạnh tranh về giá cả, chất lượng và khả năng đáp ứng tiêu chuẩn thị trường với hàng hoá từ các nền kinh tế có trình độ ngang bằng hoặc nhỉnh hơn Việt Nam.
Vấn đề nằm ở chỗ các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa thường thiếu vốn, công nghệ và thông tin thị trường để thâm nhập các thị trường mới. Với các thị trường ngách, doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu đầu tư dài hạn và chiến lược riêng biệt. Thực trạng phụ thuộc vào các thị trường xuất khẩu như Mỹ hay thị trường nhập khẩu như Trung Quốc khiến việc chuyển hướng sang thị trường mới gặp rủi ro về chuỗi cung ứng và chi phí.
Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều quy định chồng chéo, phức tạp, trong khi Việt Nam lại còn thiếu các hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Muốn đáp ứng tiêu chuẩn vào thị trường mới, doanh nghiệp phải đầu tư và thay đổi về hệ thống quy trình sản xuất, tiêu chuẩn kỹ thuật, đầu tư thiết bị máy móc mới… Chưa hết, việc cùng lúc phải mở rộng thị trường mới mà vẫn bảo vệ và phát triển thị trường truyền thống trong nước làm cho yêu cầu về nguồn lực và năng lực tổ chức ngày càng cao.
Trước những thách thức như vậy, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần chỉ đạo phải đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng, khẩn trương triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho doanh nghiệp. Ngày 7/4, Thủ tướng chủ trì Hội nghị với các bộ, ngành, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các hiệp hội, doanh nghiệp để chủ động thích ứng với tình hình mới về thương mại quốc tế.
Gần nhất, tại Công điện số 47 ngày 22/4 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Công thương và các bộ ngành liên quan đẩy mạnh xúc tiến thương mại và khai thác hiệu quả các FTA đã ký kết; nâng cao năng lực các cán bộ cơ quan thương vụ, văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam ở nước ngoài nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, thích ứng với các rào cản kỹ thuật mới, hỗ trợ pháp lý trong đầu tư, thương mại quốc tế…
Về mặt tín dụng, Thủ tướng giao tiếp tục nghiên cứu giảm lãi suất cho vay, hướng tín dụng vào khu vực sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cho vay ngắn hạn hỗ trợ doanh nghiệp bị tác động bới chính sách thuế quan của Mỹ… Bộ Tài chính được giao chủ trì xây dựng các chính sách hỗ trợ về tài khoá đối với doanh nghiệp, lao động trong các ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng này.
Cùng với các chính sách cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, chi phí tuân thủ, cải thiện môi trường kinh doanh đang thực hiện, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ có thêm động lực để hoá giải những thách thức nêu trên.
- Phản ứng trước chính sách thuế đối ứng của Mỹ, ngành điều Việt Nam ngay lập tức chuyển hướng mạnh hơn sang thị trường Trung Đông và xác định phát triển thêm thị trường còn nhiều tiềm năng này. Ba năm gần đây, Trung Đông trở thành đối tác nhập khẩu điều lớn thứ 5 của Việt Nam và nhiều khả năng sẽ vượt Singapore thành thị trường lớn thứ 4 trong thời gian gần. Câu chuyện ngành điều có thể được coi là một điển hình cho các ngành sản xuất hàng hoá khác được không, thưa ông?
PGS.TS.GVCC Cao Minh Trí: Khu vực Trung Đông được đánh giá là hấp dẫn với hơn 400 triệu dân và mức thu nhập bình quân đầu người cao. Đây là một thị trường có nền kinh tế mở, phát triển mạnh về ngoại thương và du lịch, dịch vụ; có nhu cầu nhập khẩu lớn, đặc biệt là lương thực thực phẩm phù hợp với thế mạnh của Việt Nam. Khu vực này đang trong quá trình thu hút nguồn vốn đầu tư và xuất nhập khẩu của thế giới, do đó, các quy định về xuất nhập khẩu còn chưa quá chặt chẽ, chủ yếu là các quy định liên quan đến các yếu tố văn hóa như quy định Halal.
Câu chuyện ngành điều Việt Nam ứng phó nhanh nhạy trước chính sách thuế đối ứng của Mỹ bằng cách chuyển hướng sang thị trường Trung Đông thực sự là một điển hình rất đáng học hỏi – không chỉ cho các ngành nông sản mà còn cho các ngành sản xuất hàng hoá khác.
Tuy nhiên, không phải ngành nào cũng dễ chuyển thị trường. Điều này còn phụ thuộc vào tính ổn định, dễ bảo quản, ít rào cản kỹ thuật…. Doanh nghiệp không dễ xâm nhập đại trà chủ yếu bởi chi phí đầu tư ban đầu lớn gồm chi phí marketing, chi phí tuân thủ tiêu chuẩn Halal, chi phí logistics cao.
Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin thị trường, và tài trợ chi phí tham gia hội chợ quốc tế. Doanh nghiệp cũng cần được khuyến khích, hỗ trợ đầu tư vào R&D để tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, ví dụ: thực phẩm hữu cơ, sản phẩm thân thiện môi trường và đáp ứng các chứng nhận quốc tế (Halal, ISO, Fair Trade), từ đó, xây dựng thương hiệu "Made in Vietnam", tạo chỗ đứng, thương hiệu và niềm tin ở thị trường mới.
Động lực mới từ xúc tiến thương mại
- Mở rộng thị trường xuất khẩu sẽ buộc phải gắn liền với công tác xúc tiến thương mại. Thưa ông, nếu công tác xúc tiến thương mại ở các thị trường hiện hữu tốt hơn, sản phẩm hàng hoá Việt Nam tăng được thị phần tại các thị trường này, liệu chúng ta cũng sẽ phần nào bù đắp được mất mát từ thị trường Mỹ, khi khoảng thời gian 90 ngày tạm hoãn thuế đối ứng kết thúc?
PGS.TS. GVCC Cao Minh Trí: Theo tôi, việc xúc tiến thương mại cần có những điều chỉnh quan trọng sau:
Thứ nhất, xúc tiến thương mại phải dịch chuyển từ hình thức chung chung sang định hướng ngành hàng cụ thể. Mỗi nhóm sản phẩm phải có chiến lược riêng, nhắm trúng nhu cầu, thị hiếu của từng thị trường mục tiêu.
Thứ hai, hoạt động xúc tiến cần tăng tính chuyên sâu và liên tục, thay vì chỉ tổ chức hội chợ, triển lãm ngắn hạn. Hiện nay xúc tiến thương mại còn nặng về hội chợ, hội thảo, kết nối B2B... mang tính "đánh trận lẻ". Chúng ta cần đẩy mạnh các chương trình kết nối giao thương dài hơi, xây dựng chiến dịch xúc tiến dài hạn theo ngành hàng và thị trường cụ thể, ký kết các hợp đồng giao thương chiến lược, đào tạo doanh nghiệp về tiêu chuẩn, thị hiếu, phương thức kinh doanh bản địa.
Thứ ba, xúc tiến thương mại cần phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan đại diện thương mại tại nước ngoài, các hiệp hội ngành hàng, và đặc biệt là doanh nghiệp lớn đầu ngành để làm "đầu kéo", dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ thâm nhập sâu hơn vào hệ thống phân phối nước sở tại. Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài phải trở thành nguồn thông tin hữu ích cho doanh nghiệp như cảnh báo rủi ro, cung cấp thông tin thị trường, hỗ trợ kết nối và bảo vệ doanh nghiệp.
Thứ tư, ứng dụng chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại cũng cần đẩy mạnh hơn nữa, như thông qua các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Alibaba, Amazon, Shopee Global, tổ chức hội chợ ảo, kết nối giao thương trực tuyến, giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng quốc tế nhanh chóng và tiết kiệm chi phí hơn.
Cuối cùng, công tác xúc tiến cũng phải gắn với chiến lược xây dựng thương hiệu quốc gia, giúp hàng hóa Việt Nam được nhận diện rõ ràng hơn về chất lượng và giá trị, chứ không chỉ cạnh tranh bằng giá rẻ. Nhà nước cần có các quỹ hỗ trợ xúc tiến, chương trình đào tạo, tư vấn xuất khẩu chuyên sâu, trợ giá gian hàng quốc tế, tài trợ chi phí lấy chứng nhận quốc tế như CE cho EU, JAS cho Nhật Bản… đối với doanh nghiệp xuất khẩu nhỏ và vừa.
Nếu thực hiện đồng bộ những điều chỉnh này, tôi tin rằng Việt Nam sẽ không chỉ bù đắp được phần thiếu hụt từ thị trường Mỹ, mà còn nâng cao vị thế hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Thị trường mới, chiến lược mới
- Nhìn về lâu dài, theo ông, đâu là những thị trường quan trọng mà hàng hoá sản phẩm Việt Nam nên nhắm tới?
PGS.TS.GVCC Cao Minh Trí: Một mặt, hàng hoá Việt Nam cần giữ chỗ đứng tại các thị trường có sẵn quen với các sản phẩm "Made in Việt Nam" và những thị trường ở các quốc gia phát triển, như EU, Hoa Kỳ, Nhật bản, Hàn Quốc, ASEAN… Mặt khác, chúng ta cần nghiên cứu và thâm nhập vào một số thị trường gồm:
(1) các thị trường đang phát triển có tốc độ tăng trưởng tiêu dùng cao như Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi. Đây là những khu vực có dân số trẻ, nhu cầu hàng tiêu dùng, thực phẩm, may mặc tăng mạnh nhưng hiện còn ít sự hiện diện của sản phẩm Việt Nam.
(2) các thị trường ngách cao cấp tại châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Bắc Á (ví dụ: thực phẩm hữu cơ, hàng thời trang bền vững, sản phẩm công nghệ sạch);
(3) các thị trường khu vực CPTPP như Canada, Mexico, Australia, New Zealand, nơi Việt Nam đã có ưu đãi thuế quan rất lớn nhưng chưa khai thác hết tiềm năng.
- Vậy chúng ta nên có cách tiếp cận nào để hiện thực hoá mục tiêu đa dạng thị trường xuất khẩu, chẳng hạn, chọn các sản phẩm chiến lược rồi từ đó lan toả, lôi kéo các sản phẩm khác hay tận dụng ngoại giao kinh tế?
PGS.TS.GVCC Cao Minh Trí: Đầu tiên, cần xác định sản phẩm và thị trường chiến lược theo hướng tập trung chiều sâu trước khi phát triển chiều rộng. Sau khi chọn sản phẩm chiến lược, nâng cao chất lượng sản phẩm, thắt chặt mối quan hệ ngoại giao với một số đối tác chiến lược, từ đó tạo được hiệu ứng lan toả, doanh nghiệp mở rộng mối quan hệ thương mại với nhiều quốc gia hơn, nhiều ngành hàng hơn.
Chẳng hạn, hạt điều đã xâm nhập được thị trường Trung Đông sẽ củng cố vị thế, rồi dẫn đắt các sản phẩm bổ trợ có liên quan như trái cây chế biến hoặc thực phẩm đóng gói…
Việc lựa chọn sản phẩm chiến lược dựa trên lợi thế so sánh của doanh nghiệp và của toàn nền kinh tế. Đây chính là câu chuyện của ngoại giao kinh tế. Các thị trường đã có FTA và thân thiện với Việt Nam là nơi hàng hoá Việt Nam dễ dàng thâm nhập hơn và ở đó, chúng ta cũng có thêm cơ hội đàm phán để giảm rào cản thuế quan và phi thuế quan.
Chúng ta nên bắt đầu ở 1-2 quốc gia để thăm dò thị trường, tạo mối quan hệ thương mại, gia nhập vào các khối thương mại trading bloc trước khi mở rộng thị trường. Đối với Việt Nam, cần tối ưu logistics thông qua cải thiện hạ tầng cảng biển, kho bãi, và ứng dụng công nghệ (như blockchain trong truy xuất nguồn gốc) để giảm chi phí cho doanh nghiệp và tăng hiệu quả giao hàng.
Tất nhiên, để cánh cửa thị trường mới mở ra, bản thân doanh nghiệp xuất khẩu phải ngày càng trưởng thành hơn. Cơ quan quản lý, các hội nghề nghiệp, hội ngành hàng cần xây dựng và mở rộng các hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng. Việc thu hút những dòng vốn FDI chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho lao động bản địa cũng giúp doanh nghiệp Việt ngày càng nâng cao được vị thế trong chuỗi giá trị, tạo môi trường thúc đẩy họ lớn mạnh.
Hoàng Hạnh (thực hiện)
Nguồn: https://baochinhphu.vn/loi-di-cho-hang-viet-trong-boi-canh-thi-truong-xuat-khau-kho-khan-102250427155953648.htm
Bình luận (0)