Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Longform | Gà đồi Yên Thế: Niềm tự hào của miền bán sơn địa

Từ những triền đồi xanh mướt của Yên Thế (Bắc Ninh), gà đồi không chỉ là sản vật đặc trưng của đồng bào mà còn là biểu tượng cho sự phát triển kinh tế miền núi.

Báo Công thươngBáo Công thương24/07/2025

Longform | Gà đồi Yên Thế: Niềm tự hào của miền bán sơn địa  - 1

Chúng tôi trở lại khu vực miền núi Bắc Ninh (trước đây là Bắc Giang) vào một sáng đầu hè, khi sương vẫn còn vắt qua các tán rừng rậm rạp. Dọc những con đường uốn quanh đồi núi, thấp thoáng những mái nhà sàn và tiếng gà gáy vọng lên từ xa. Ở vùng đất này, gà đồi không chỉ là một loài gia cầm mà là người bạn đồng hành cùng đời sống nông dân, là nguồn sống và là tâm huyết của biết bao thế hệ.

Không giống như gà công nghiệp nuôi chuồng kín, gà đồi Yên Thế lớn lên từ thiên nhiên. Chúng được thả trong những khu vườn đồi rộng lớn, ăn cỏ non, giun đất, và thở khí trời. Nhờ môi trường sống gần gũi với thiên nhiên, thịt gà săn chắc, da vàng óng, mùi vị thơm đậm đặc trưng.

Longform | Gà đồi Yên Thế: Niềm tự hào của miền bán sơn địa  - 2

"Chúng tôi gọi gà đồi là gà trời, vì chúng tự kiếm ăn, tự chạy nhảy, lớn lên như cây rừng. Đó là thứ thịt của đất, của trời, không pha tạp" - bà Nguyễn Thị Mão, một hộ chăn nuôi lâu năm ở xã Yên Thế chia sẻ.

Tập quán chăn nuôi gà đồi đã có từ bao đời. Trước đây, người dân chỉ nuôi vài ba chục con phục vụ gia đình. Nhưng từ khi có mô hình hợp tác và liên kết tiêu thụ, gà đồi trở thành sản phẩm hàng hóa mang lại nguồn thu ổn định cho người dân địa phương.

Hiện nay, xã Yên Thế có trên 1.000 hộ nuôi gà đồi với tổng đàn hàng triệu con mỗi năm. Tỷ trọng giá trị từ chăn nuôi gà chiếm hơn 50% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn huyện. Không chỉ là con số kinh tế, đó là câu chuyện của hàng ngàn gia đình đang gắn bó cuộc đời mình với giống gà bản địa.

Gà được nuôi theo quy trình truyền thống kết hợp kỹ thuật hiện đại. Mỗi hộ phải đảm bảo chuồng trại vệ sinh, mật độ thả phù hợp, chu kỳ khử trùng, nghỉ chuồng sau mỗi lứa nuôi. Thức ăn được phối trộn từ ngô, đậu tương, rau xanh, hạn chế tuyệt đối kháng sinh. Tháng cuối cùng trước khi xuất bán, gà được cách ly để đảm bảo an toàn thực phẩm.

Longform | Gà đồi Yên Thế: Niềm tự hào của miền bán sơn địa  - 3

 

Ông Giáp Quý Cường, Giám đốc HTX Nông nghiệp Xanh Yên Thế, chia sẻ: "Làm gà đồi không dễ. Muốn ngon, phải kỹ. Phải chọn con giống phù hợp, phải biết lắng nghe thời tiết, phải chăm như chăm con nhỏ. Mỗi lứa gà là một mùa vụ của đời người".

Sản phẩm gà đồi sau giết mổ được sơ chế, đóng gói hút chân không, đảm bảo vệ sinh và vận chuyển đi nhiều tỉnh thành. Từ gà nguyên con, thịt gà miếng đến các sản phẩm chế biến như giò, chả, khô gà... tất cả đều là mồ hôi công sức của người dân vùng cao đổ ra từng ngày.

Tại các chợ huyện, gà đồi vẫn là mặt hàng được ưa chuộng nhất. Người tiêu dùng trong vùng quen mặt, quen tên từng hộ nuôi. Có khách quen gọi điện đặt trước cả tuần, chỉ chờ ngày lên lấy. "Mỗi tháng tôi bán khoảng 200 con gà, trừ chi phí cũng còn được gần chục triệu đồng. Trước kia chỉ biết trông vào lúa, nay nuôi gà đã đủ ăn, đủ mặc, còn có cái tích cóp cho con cái học hành" - chị Hoàng Thị Vân, xã Yên Thế chia sẻ.

Không ít hộ đã vươn lên khá giả nhờ con gà. Mỗi chu kỳ nuôi kéo dài 4-5 tháng, mỗi con gà bán ra giá từ 100.000-150.000 đồng/kg. Với quy mô 500-1.000 con mỗi lứa, thu nhập hàng trăm triệu đồng không còn là chuyện hiếm với bà con nơi đây.

Longform | Gà đồi Yên Thế: Niềm tự hào của miền bán sơn địa  - 4

Sự phát triển mạnh của gà đồi Yên Thế là biểu hiện rõ ràng nhất cho thấy chuyển đổi tư duy sản xuất đang diễn ra mạnh mẽ trong đồng bào miền núi. Không còn kiểu chăn nuôi manh mún, không còn bán lẻ tự phát, người dân giờ đã biết tổ chức liên kết, biết chuẩn hóa chất lượng và xây dựng thương hiệu từ chính nếp nghĩ truyền thống.

Có được điều này là nhờ những chính sách của địa phương cũng như sự nhanh nhạy của các doanh nghiệp. Theo đó, Bắc Ninh (trước đây là Bắc Giang) được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong việc triển khai các chính sách phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc trưng vùng miền núi, đặc biệt tại các khu vực miền núi. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp và hộ dân gắn bó với sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với địa hình đồi núi, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào.

Một trong những nội dung trọng tâm là triển khai Đề án "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), trong đó Bắc Ninhg xác định phát triển sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là gà đồi Yên Thế là ưu tiên hàng đầu. Tỉnh đã hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể, truy xuất nguồn gốc, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học và VietGAP cho các hộ dân.

Longform | Gà đồi Yên Thế: Niềm tự hào của miền bán sơn địa  - 5

Bên cạnh đó, tỉnh cũng ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực và đặc sản theo Nghị quyết số 401/2020/NQ-HĐND. Theo đó, hộ sản xuất, HTX, doanh nghiệp được hỗ trợ từ giống, thức ăn chăn nuôi, cải tạo chuồng trại đến xúc tiến thương mại, thiết kế bao bì, nhãn hiệu.

Ngoài ra, Bắc Ninh chú trọng kết nối tiêu thụ nội địa thông qua các chuỗi siêu thị, sàn thương mại điện tử, đồng thời xúc tiến đưa sản phẩm đặc sản như gà đồi, vải thiều, mỳ Chũ... vào hệ thống phân phối lớn, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm miền núi và tạo sinh kế lâu dài cho người dân vùng cao.

Đối với Bộ Công Thương, Bộ Công Thương hiện đang triển khai nhiều chính sách thiết thực nhằm hỗ trợ phát triển sản phẩm đặc trưng vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Trong đó, Chương trình phát triển thương mại miền núi giai đoạn 2021–2025 theo Quyết định 1162/QĐ-TTg là định hướng trọng tâm. Chương trình này tập trung vào việc xây dựng các điểm bán hàng cố định, hỗ trợ đưa sản phẩm miền núi, trong đó có gà đồi Yên Thế vào hệ thống siêu thị, chợ đầu mối, chuỗi cung ứng bền vững.

Longform | Gà đồi Yên Thế: Niềm tự hào của miền bán sơn địa  - 6

Ngoài ra, Bộ Công Thương còn hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu thông qua các hội chợ, tuần lễ nông sản tại thành phố lớn và trên các sàn thương mại điện tử. Các hoạt động truyền thông, nâng cao năng lực cho hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ tại miền núi cũng được chú trọng. Đặc biệt, Bộ đang đẩy mạnh phối hợp với các địa phương trong công tác quy hoạch vùng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp bản địa.

Về phía các doanh nghiệp, ông Giáp Quý Cường cho hay, bên cạnh việc tận dụng tối đa cơ hội từ các chính sách ưu đãi, để sản xuất được những sản phẩm có chất lượng, chinh phục người tiêu dùng, doanh nghiệp cũng cần nỗ lực lớn. Theo đó, những năm 2005 - 2010, gà đồi Yên Thế được biết đến chủ yếu qua truyền miệng và bán lẻ tại các chợ phiên vùng cao. Nhưng với tầm nhìn chiến lược, chính quyền huyện Yên Thế đã từng bước xây dựng quy hoạch chăn nuôi gà theo hướng hàng hóa tập trung, gắn với xây dựng thương hiệu địa phương.

Năm 2009, sản phẩm gà đồi Yên Thế được cấp nhãn hiệu chứng nhận. Đây là bước ngoặt quan trọng giúp gà địa phương bước ra thị trường lớn với giá trị kinh tế cao hơn. Lúc này, ông Cường cùng nhiều người buôn gà khác gặp thuận lợi. Tuy nhiên, chỉ sau 1-2 năm, thị trường gặp khó khăn do một số người trà trộn gà kém chất lượng, ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu.

Với mong muốn gìn giữ và phát triển thương hiệu gà đồi Yên Thế, năm 2017, được sự hỗ trợ, tư vấn và hướng dẫn của cơ quan chức năng địa phương, ông Giáp Quý Cường đã thành lập HTX Nông nghiệp Xanh Yên Thế với ngành nghề chính là chăn nuôi gia cầm; sản xuất, chế biến nông, lâm thủy sản và các sản phẩm từ gà đồi Yên Thế. Ngay từ những ngày đầu hoạt động, HTX xác định mục tiêu là phát huy thế mạnh địa phương; gìn giữ và phát triển thương hiệu gà đồi Yên Thế; sản xuất hàng hóa an toàn, thân thiện với môi trường; tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật; liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.

“Những ngày đầu thành lập, HTX gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc tìm kiếm hộ dân tham gia. Nhiều người chưa hiểu rõ về mô hình HTX và lợi ích của việc liên kết sản xuất. Mặc dù đã ký liên kết với Hợp tác xã nhưng họ vẫn bán gà ra ngoài khi giá cao, khiến HTX chịu nhiều tổn thất nặng nề”, ông Cường nhớ lại. Tuy nhiên, với sự kiên trì và giải thích tận tình, dần dần HTX đã giúp bà con hiểu hơn về lợi ích của việc ký kết liên kết, đặc biệt là giảm tình trạng được mùa mất giá. Điều này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế ổn định cho các hộ dân, mà còn góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu cho gà đồi Yên Thế trên thị trường.

Longform | Gà đồi Yên Thế: Niềm tự hào của miền bán sơn địa  - 7

Ông Giáp Quý Cường cho hay, để sản xuất gắn với tiêu dùng bền vững, hiện nay, HTX Xanh Yên Thế còn đầu tư hệ thống nhà xưởng rộng 550 m2, bao gồm nhà nuôi nhốt tạm thời; khu sơ chế, giết mổ; phòng đóng gói, bảo quản; máy móc thiết bị sản xuất… đạt chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Longform | Gà đồi Yên Thế: Niềm tự hào của miền bán sơn địa  - 8

Đến nay, mô hình chuỗi giá trị gắn kết giữa người nuôi - hợp tác xã - thị trường đã góp phần tạo ra sự công bằng và ổn định trong tiêu thụ. Người nuôi được hỗ trợ kỹ thuật, đầu ra ổn định. Người tiêu dùng thì yên tâm về nguồn gốc sản phẩm. Và chính quyền địa phương có thêm động lực để quy hoạch vùng chăn nuôi bền vững.

Năm 2023, sản phẩm gà Yên Thế và sản phẩm chế biến từ gà Yên Thế của HTX Xanh Yên Thế chính thức được xếp hạng OCOP 4 sao của tỉnh Bắc Giang, mở đường cho những kỳ vọng bứt phá mới.

HTX đang xuất bán khoảng 2.000 con gà mỗi ngày, trong đó có khoảng 1.000 con được giết mổ. Các sản phẩm của HTX là gà đóng gói chân không, giò gà, chả gà, xúc xích gà, gà ủ muối, khô gà lá chanh… Trong đó, nhiều sản phẩm đạt OCOP 4 sao và là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu qua các năm. Thị trường chính của HTX là các siêu thị, nhà hàng, bếp ăn tập thể trong và ngoài tỉnh.

Không chỉ vậy, HTX còn liên kết với các đơn vị chế biến để sản xuất các sản phẩm phụ từ gà như: giò gà, chả gà, chân gà đóng túi, thịt gà hút chân không… Những sản phẩm này được phân phối tới siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch và các kênh thương mại điện tử.

Longform | Gà đồi Yên Thế: Niềm tự hào của miền bán sơn địa  - 9

Tháng 6/2024, sản phẩm gà đồi Yên Thế đã được giới thiệu tại Hội chợ OCOP toàn quốc và được nhiều doanh nghiệp phân phối lớn như Saigon Co.op, AEON, Winmart… quan tâm. Đây là tiền đề quan trọng để sản phẩm có thể tiến tới đạt OCOP 5 sao trong tương lai và thậm chí xuất khẩu.

Không dừng lại ở đó, HTX còn đang hướng đến phát triển các mô hình trang trại sinh thái kết hợp du lịch trải nghiệm. Du khách có thể đến thăm các trang trại gà đồi, cùng người dân vào rừng hái rau, chuẩn bị bữa ăn từ gà tự nuôi. Những câu chuyện về bản làng, về nghề nuôi gà, về phong tục của đồng bào vùng cao được kể lại mộc mạc bên bếp lửa.

Tiếng gà gáy từ các đồi cao của Yên Thế không chỉ là lời gọi bình minh, mà là thanh âm đánh thức khát vọng đổi thay. Khát vọng làm giàu không rời núi, khát vọng giữ nghề cho con cháu, khát vọng khẳng định giá trị của bản sắc trong cuộc sống hiện đại.

Bài: Lan Phương; Đồ hoạ: Lan Ngọc

Nguồn: https://congthuong.vn/longform-ga-doi-yen-the-niem-tu-hao-cua-mien-ban-son-dia-412033.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện
Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm