|
Bác Hồ với các Anh hùng, Dũng sĩ diệt Mỹ trong Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra thăm miền Bắc, ngày 28/2/1969. Ảnh: Tư liệu |
Người chăm lo tổ chức, động viên, cổ vũ phong trào quần chúng cả hai miền. Bất cứ làm việc gì, Người đều nhắc nhở Nhân dân nhớ tới miền Nam, sao cho mỗi việc làm đều có ý nghĩa thiết thực cho sự nghiệp giải phóng miền Nam. Người trăn trở: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”.
Tình cảm của Người đối với đồng bào miền Nam trước sau như một. Mỗi khi có đoàn đại biểu từ miền Nam ra, Bác đều mời tới gặp để hỏi thăm tình hình chiến sự, đời sống của đồng bào và những khó khăn, gian khổ mà quân dân miền Nam phải trải qua.
Trong kháng chiến chống Mỹ, nhiều cán bộ, chiến sĩ miền Nam (trong đó có nhiều người ở Huế) được ra miền Bắc, được gặp Bác, được Người quan tâm, ân cần thăm hỏi, là những câu chuyện cảm động, những kỷ niệm thiêng liêng không chỉ với mỗi một con người mà trở thành nguồn tình cảm ấm áp của một vị cha già dành cho hàng triệu người con miền Nam. Đó là nguồn động viên cổ vũ lớn lao để quân dân miền Nam vượt lên khó khăn, anh dũng chiến đấu giành độc lập, thống nhất nước nhà.
Năm 1962, Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam ra thǎm miền Bắc (trong đoàn có nhà thơ Thanh Hải - người Huế), được vào thăm và tặng quà Bác ở Phủ Chủ tịch. Khi gặp, Bác rất vui mừng ôm lấy mọi người như những đứa con ruột thịt từ nơi xa xôi trở về. Trong buổi gặp mặt thân mật này, Người đã đặt bàn tay lên ngực trái mình, rồi xúc động nói: “Bác chẳng có gì tặng lại cả, chỉ có cái này: Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi”.
Trong lần gặp Đoàn anh hùng dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc năm 1965, Người xúc động nói: “Bác mong các cháu lắm, Bác nhớ đồng bào miền Nam lắm”. Rồi Người quan tâm, ân cần hỏi chuyện chiến trường và tình hình đời sống đồng bào trong đó như thế nào và được biết tâm tư của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền Nam “không sợ gian khổ, không sợ chết mà chỉ sợ một điều… sau này không được nhìn thấy Bác”. Vừa nghe xong, Người cảm động lau nước mắt vì thương nhớ miền Nam không nguôi.
|
Bác Hồ với các cháu thiếu nhi dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc ngày 13/2/1969. Ảnh: Tư liệu |
Từ năm 1968 trở đi, thấy sức khỏe của mình sút kém nhiều, Bác yêu cầu, hễ có đồng chí ở miền Nam ra thì phải cho Bác biết và mời đến gặp Bác. Vì vậy, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ ở miền Nam ra miền Bắc đã được vào thăm Người. Mỗi lần gặp, Người đều hỏi thăm rất tỉ mỉ tình hình miền Nam và Người rất vui khi miền Nam thắng lớn.
Mỗi lần gặp các cán bộ, chiến sĩ miền Nam, Bác đều có quà cho từng người, đôi khi chỉ là một bông hoa, một cái kẹo... nhưng tất cả những tặng vật ấy đã trở thành kỷ vật thiêng liêng đối với mỗi người.
Còn biết bao những mẩu chuyện về tấm lòng của Bác đối với miền Nam, chứa đựng biết bao ân tình sâu nặng. Đặc biệt những năm tháng cuối đời, nỗi ước mong vào miền Nam chưa thỏa thì tình cảm ấy còn hàm chứa một nỗi day dứt không nguôi.
Năm 1968, do sức khỏe yếu, Bác thấy nếu không tranh thủ vào thăm miền Nam ngay lúc này thì không còn cơ hội nữa. Bác nhiều lần đề nghị với Bộ Chính trị bố trí để Bác vào thăm đồng bào miền Nam. Ngày 10/3/1968, Bác viết thư gửi đồng chí Lê Duẩn với mong muốn sắp xếp cho mình được vào thăm miền Nam. Vì lý do sức khỏe của Bác nên các đồng chí trong Bộ Chính trị đã đề nghị với Bác hoãn chuyến đi. Thế là hàng ngày, Bác lo rèn luyện sức khỏe, kiên trì tập đi bộ, leo núi, ngày đêm mong đủ điều kiện để vào Nam. Thấy hơi khỏe, Bác lại nhắc việc đi miền Nam nhưng để đảm an toàn cho Bác, các đồng chí trong Bộ Chính trị vẫn không đồng ý.
Mong muốn được vào thăm đồng bào miền Nam trong Người luôn mãnh liệt, một lần Bác nói với đồng chí Vũ Kỳ:“Bây giờ vào Nam có ba đường. Một là đường công khai đi Campuchia, đường này mạo hiểm, chưa cần. Thứ hai là mình đi bộ qua Trường Sơn, tuy mình có rèn luyện rồi, nhưng cũng không ổn. Thứ 3 là đường biển”. Rồi Bác quyết định: “Chuẩn bị đường biển, chú cải trang đi, đi theo Bác”.
Đồng chí Vũ Kỳ phải báo cáo với Bộ Chính trị: Các anh phải báo cáo Bác là xin chuẩn bị cho Bác vào. Nếu cứ chối từ thì Bác chuẩn bị đi một mình. Các anh cứ chuẩn bị kỹ đi, cho công binh lo bố trí, để Bác chỉ vào một nơi nào đó trên đất miền Nam, chứ Bác có đi khắp cả đâu. Ở đó sẽ để đại biểu chiến sĩ và đồng bào các nơi về gặp Bác, vì Bác mong đi đến nơi về đến chốn.
Nhưng mong muốn cuối cùng đó của Người không bao giờ thực hiện được nữa, ngày 24/8/1969, Bác lên cơn đau tim đột ngột. Những ngày này Bác rất mệt, nhưng bên cạnh giường, Bác vẫn treo tấm bản đồ miền Nam, khi các đồng chí theo dõi tình hình miền Nam vào thăm, Bác lại hỏi: “Hôm nay miền Nam đánh thắng đâu?”.
Những ngày cuối cùng Bác không ăn được, Bác nói với đồng chí Vũ Kỳ: Bác muốn uống một ngụm nước dừa, từ cây dừa mà đồng bào miền Nam tặng Người, đấy là những giờ phút Bác nhớ đồng bào miền Nam da diết.
Giữa lúc công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc đang thu được những thắng lợi to lớn thì vào lúc 9 giờ 47 phút, ngày 2/9/1969, trái tim của Người ngừng đập, để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho toàn thể Nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Những ngày đau thương nhất đã đến với cả dân tộc.
Biến đau thương thành hành động, toàn dân tộc Việt Nam quyết tâm thực hiện di nguyện của Người giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Sau 6 năm Bác về với thế giới người hiền, ngày 30/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, non sông thu về một mối.
LÊ HÀ
Nguồn: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/theo-dong-thoi-su/mien-nam-luon-trong-trai-tim-nguoi-153735.html
Bình luận (0)