Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Mô hình ĐHQG, ĐH vùng có còn phù hợp?

Các trường ĐH phát triển quá nhanh, trong khi trường thành viên ĐHQG, ĐH vùng chậm trễ hơn vì qua nhiều tầng nấc quản lý

Người Lao ĐộngNgười Lao Động17/05/2025

Cách đây 30 năm, Thủ tướng Chính phủ ký Nghị định 16/CP thành lập ĐHQG TP HCM với sứ mệnh là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, ngang tầm khu vực, dần đạt trình độ quốc tế, giữ vai trò tiên phong, nòng cốt trong hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam, phục vụ đắc lực cho công cuộc đổi mới, phát triển đất nước.

Bất cập mô hình đại học 2 cấp

Từ 3 trường thành viên với 3 lĩnh vực: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, kỹ thuật công nghệ, đến nay hệ thống ĐHQG TP HCM có 8 trường ĐH thành viên, mở rộng thêm các lĩnh vực đào tạo như nông nghiệp, sư phạm, khoa học sức khỏe, nghệ thuật…

Nguyên hiệu trưởng một trường ĐH thành viên ĐHQG TP HCM cho biết 30 năm trước, các trường ĐH tại Việt Nam chủ yếu là đơn lĩnh vực với vài ngành đào tạo, trong khi nhu cầu cấp thiết lúc đó là phải có ĐH đa ngành, đa lĩnh vực, giải bài toán đó là sự ra đời của 2 ĐHQG (TP HCM và Hà Nội) với việc "gom" các trường ĐH mạnh hiện có vào.

Mô hình ĐHQG, ĐH vùng có còn phù hợp? - Ảnh 1.

Sinh viên Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP HCM trong phòng nghiên cứu .Ảnh: HUY LÂN

Tuy nhiên, quá trình hình thành cũng như khi đưa vào vận hành hệ thống có nhiều trở ngại. Tại Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa kiên quyết không gia nhập hệ thống ĐHQG Hà Nội; còn tại TP HCM, Trường ĐH Bách khoa (khi đó có tên gọi khác) vào hệ thống ĐHQG TP HCM cùng với Trường ĐH Tổng hợp (sau đó tách thành Trường ĐH Khoa học Tự nhiên và Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn); các trường ĐH khác như Trường ĐH Sư phạm TP HCM, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, Trường ĐH Kinh tế TP HCM (nay là ĐH Kinh tế TP HCM), Trường ĐH Luật TP HCM từng có thời gian nằm trong hệ thống ĐHQG TP HCM nhưng sau đó tách ra thành trường ĐH thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT).

Cũng nguyên lãnh đạo trên cho biết bối cảnh giáo dục ĐH ngày nay đã khác, không chỉ ĐHQG mới đào tạo đa lĩnh vực mà ngay cả nhiều trường ĐH khác cũng phát triển đa ngành, đa lĩnh vực. Vì vậy, mô hình ĐHQG, ĐH vùng không còn phù hợp, những trường ĐH thành viên ĐHQG, ĐH vùng vốn đã muốn độc lập nay càng nhận thấy "ngột ngạt" do các trường ngoài ĐHQG phát triển quá nhanh, trường thành viên ĐHQG, ĐH vùng có nhiều tầng nấc quản lý khiến việc ra quyết định bị chậm trễ.

PGS-TS Thái Bá Cần, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho biết sự tồn tại của 2 ĐHQG và các ĐH vùng không phải lúc nào cũng êm xuôi, mà từng có nhiều ý kiến về việc có nên tồn tại mô hình này. Hiện nay, dù là các trường ĐH thuộc ĐHQG, ĐH vùng, ĐH hay trường ĐH đều chịu sự quản lý của Bộ GD-ĐT nhưng các trường ĐH thuộc ĐHQG, ĐH vùng lại chịu thêm một tầng nấc quản lý trung gian. Câu hỏi đặt ra là các trường thuộc ĐHQG, ĐH vùng có gì ưu việt hơn trong khi thực tế, các trường không nằm trong ĐHQG hay ĐH vùng lại đang có sự phát triển mạnh mẽ?

Trái nguyên tắc tự chủ

Tại tọa đàm "Tham vấn chính sách xây dựng dự án Luật Giáo dục ĐH sửa đổi" do Bộ GD-ĐT tổ chức, PGS-TS Bùi Xuân Hải, Hiệu trưởng Trường ĐH Hải Phòng, cho rằng hiện trên thế giới gần như không xuất hiện mô hình ĐH 2 cấp, nghĩa là không có các "trường ĐH trong ĐH". Điều này khiến các trường thành viên không thể phát triển, đồng thời rơi vào cảnh "một cổ hai tròng" - vừa chịu sự quản lý của ĐH chủ quản vừa của cơ quan quản lý nhà nước.

"Hãy thử xem ở các nước trên thế giới, nước nào có mô hình ĐH 2 cấp như chúng ta không? Điều này khiến các trường thành viên thêm một "tròng" mới - bởi ĐH chủ quản không phải là cơ quan quản lý nhà nước, không có chức năng quản lý nhà nước nhưng lại quản trị các trường, như vậy là trái với nguyên tắc tự chủ ĐH" - ông Hải nêu ý kiến.

Ông Bùi Xuân Hải cũng ủng hộ quan điểm không nên có một trường có pháp nhân nằm trong một đơn vị có pháp nhân khác. Không nên cho phép các trường ĐH có các trường thành viên bên trong. Nên bỏ các ĐHQG và các ĐH vùng, phát triển hợp nhất các trường ĐH nhỏ vào ĐHQG và ĐH vùng vào cho xứng tầm. Nếu chúng ta duy trì các trường ĐH quá bé sẽ triệt tiêu tiềm lực đầu tư phát triển về đội ngũ, tài chính.

Cùng quan điểm này, ông Vũ Hoàng Linh, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội, cho rằng mô hình ĐH 2 cấp đang vướng mắc, cần phải rà soát. Theo ông, khó nhất của mô hình ĐH không phải về quản lý, mà khi làm việc với đối tác nước ngoài. "Họ đến, tôi giới thiệu là trường ĐH, ở trên tôi lại có một trường ĐH nữa. Nước ngoài họ không hiểu giáo dục ĐH Việt Nam như thế nào khi có trường ĐH trong ĐH. Chúng tôi lại phải giải thích ĐH ở trên như một cái ô..." - ông Linh chia sẻ.

Theo ông Bùi Xuân Hải, nếu đã xác định các trường ĐH thành viên, hãy để họ tự chủ như các trường độc lập khác, không cần "cái ô bên trên" như hiện nay. Cần phải mạnh mẽ cải cách điều này, để các trường ĐH thành viên và các trường ĐH vùng tự chủ phát triển. 

Đề xuất cải tiến, sắp xếp tối ưu

Đánh giá tác động của chính sách Luật Giáo dục ĐH, các chuyên gia cũng thừa nhận quy định về tổ chức ĐH có trường ĐH thành viên (mô hình 2 cấp) có nhiều bất cập, đặc biệt là khi thực hiện cơ chế tự chủ. Hội đồng trường của một số cơ sở giáo dục ĐH hoạt động chưa hiệu quả, chưa thực hiện đúng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, hình thức. Về tổ chức và quản trị cơ sở giáo dục ĐH, quy định về các đơn vị trực thuộc cơ sở giáo dục ĐH có tư cách pháp nhân gây khó khăn, phức tạp và rủi ro trong tổ chức và quản lý cơ sở giáo dục.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh cần phân tích những bất cập của mô hình ĐH 2 cấp chứ không phải của ĐH vùng hay riêng ĐHQG. "Các ĐHQG được nhà nước quản lý theo sứ mạng riêng, có vị thế riêng. Chúng ta đang bàn về việc quản trị bên trong chứ không phải bỏ ĐH vùng hay ĐHQG, phải xem mô hình đó hiện như thế nào, nên đề xuất cải tiến ra sao để sắp xếp tối ưu hóa sao cho hiệu quả" - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nói.


Nguồn: https://nld.com.vn/mo-hinh-dhqg-dh-vung-co-con-phu-hop-196250516211015474.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập
Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập
Khám phá vùng savan ở Vườn quốc gia Núi Chúa
Khám phá Vũng Chua- ‘nóc nhà’ mây phủ của phố biển Quy Nhơn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm