Ao ương trong nuôi tôm 2 giai đoạn của nông dân xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh -Ảnh: T.A.M
Hiện nay, toàn tỉnh nuôi tôm khoảng 950 ha, bình quân hằng năm thu hoạch sản lượng tôm đạt hơn 4.700 tấn. Nuôi tôm đã trở thành thế mạnh có lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây thu nhập từ nuôi tôm không ổn định và có chiều hướng giảm do môi trường nuôi ngày càng suy giảm, dịch bệnh liên tục xảy ra trên tôm thẻ và tôm sú, đặc biệt giai đoạn dưới 1 tháng tuổi.
Để đối phó với việc dịch bệnh trên tôm xảy ra thường xuyên gây ra nhiều rủi ro cho người nuôi tôm, mô hình nuôi tôm an toàn đã được người dân đón nhận ngay từ khi triển khai thí điểm. Người nuôi tôm từng bước áp dụng các công nghệ mới như: nuôi tôm nhiều giai đoạn; sử dụng chế phẩm sinh học; nuôi tôm theo hướng VietGAP; nuôi trong nhà lưới, nhà kín... đã giúp rút ngắn thời gian nuôi, hạn chế dịch bệnh, giảm tỉ lệ tôm bị bệnh chết sớm ở giai đoạn dưới một tháng nuôi, tăng sản lượng thu hoạch.
Năm 2024, được sự đầu tư của nguồn vốn khuyến nông trung ương, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã triển khai thực hiện dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tại một số tỉnh duyên hải miền Trung” tại 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
Tại tỉnh Quảng Trị, mô hình được triển khai thực hiện tại xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh với diện tích 1 ha. Quy trình nuôi tôm được áp dụng theo phương pháp nuôi tôm 2 giai đoạn, sử dụng chế phẩm sinh học và xử lý nguồn nước đầu vào đảm bảo. Hệ thống ao nuôi gồm: ao ương giai đoạn 1, ao nuôi thương phẩm giai đoạn 2, hệ thống ao chứa lắng cung cấp nước cho các ao nuôi. Cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn thực hiện các biện pháp kỹ thuật như: Kỹ thuật ương, nuôi 2 giai đoạn, chăm sóc, quản lý các yếu tố môi trường...
Bên cạnh đó, trong quá trình nuôi xuất hiện những sự cố bất thường cán bộ chỉ đạo đều có mặt để cùng hộ thực hiện mô hình giải quyết. Ao ương lót bạt, có hệ thống oxy đảm bảo. Đáy ao ương cao ngang mực nước cao nhất của ao nuôi. Ao nuôi có đầy đủ hệ thống cấp, thoát nước. Ao lắng, ao chứa đảm bảo cho việc cung cấp đủ nước cho ao nuôi và ao ương trong vụ nuôi. Ao được cải tạo bằng cách tháo cạn nước, nạo vét bùn đáy ao; rải vôi với liều lượng 50 - 70 kg/1.000 m2; phơi khô ao 5 - 7 ngày, sau đó cấp nước vào ao qua hệ thống túi lọc. Thực hiện diệt khuẩn; gây màu nước bằng chế phẩm vi sinh...
Kiểm tra các yếu tố môi trường: pH, kiềm, độ mặn... đảm bảo thì tiến hành thả giống. Nguồn giống đảm bảo chất lượng của các cơ sở uy tín. Giai đoạn ương cho ăn lượng thức ăn tăng dần theo độ lớn của tôm. Giai đoạn ương, tôm phát triển chậm hơn so với thả trực tiếp nhưng nhờ quản lý được các yếu tố môi trường cũng như vấn đề dịch bệnh nên tỉ lệ sống cao, đạt 90%.
Sau khoảng 1 tháng ương nuôi, tôm đạt kích cỡ từ 1.500 - 3.000 con/kg thì tiến hành sang tôm ra ao nuôi giai đoạn 2. Nguồn nước ao nuôi được lấy từ ao lắng qua sau khi đã xử lý diệt khuẩn. Lượng thức ăn cho ăn hằng ngày điều chỉnh qua việc kiểm tra lượng thức ăn có còn dư thừa trong vó.
Con giống đạt kích cỡ lớn trước khi thả nuôi, giúp rút ngắn thời gian nuôi, tỉ lệ sống nuôi giai đoạn 2 đạt 80%, tôm nuôi có tốc độ tăng trưởng nhanh, kích cỡ đồng đều và hạn chế dịch bệnh trong quá trình nuôi, hạn chế thiệt hại về kinh tế trong giai đoạn đầu. Sau hơn 4 tháng nuôi, tôm ở mô hình nuôi 2 giai đoạn đạt kích cỡ từ 29 - 30 con/kg, sản lượng đạt gần 5 tấn/ ha.
So với nuôi tôm thẻ chân trắng, chi phí để thực hiện mô hình tôm sú 2 giai đoạn thấp hơn nhiều, chi phí trung bình khoảng 600 triệu đồng/ha nhưng mang lại lợi nhuận tương đối cao, trừ chi phí cho lợi nhuận khoảng 440 triệu đồng/ha. Sản phẩm ngoài tiêu thụ tại chỗ, nông dân được kết nối với các cơ sở tiêu thụ trong các tỉnh miền Trung nên đảm bảo đầu ra ổn định.
Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quy trình nuôi tôm 2 giai đoạn giúp người nuôi tôm quản lý các công đoạn nuôi, chế độ dinh dưỡng cho tôm và kiểm soát môi trường nuôi một cách khoa học. Người nuôi tôm biết được chính xác mật độ tôm nuôi ở từng giai đoạn để điều phối lượng thức ăn cho tôm một cách hợp lý với độ tuổi của tôm, tránh tình trạng cung cấp lượng thức ăn thừa vừa làm đục môi trường nước, vừa tiêu tốn thức ăn làm tăng chi phí đầu vào.
Thực tế triển khai mô hình trong năm 2024 cho thấy, nuôi tôm sú 2 giai đoạn có sự thay đổi phù hợp với yêu cầu thực tế, sản xuất ổn định và hiệu quả. Trong mô hình, người nuôi tôm không dành hết quỹ đất để làm ao nuôi tôm thương phẩm, mà chia ra từng loại ao có chức năng khác nhau như: ao chứa lắng xử lý nước, ao ương giai đoạn 1 đảm bảo tiêu chuẩn, ao nuôi giai đoạn 2 giúp tôm phát triển tốt, sức đề kháng cao. Nuôi theo hướng an toàn sinh học, hạn chế sử dụng hóa chất, kháng sinh đã đáp ứng các quy định khắt khe về an toàn thực phẩm của thị trường.
Năm 2025, trung tâm tiếp tục triển khai thực hiện mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tại một số tỉnh duyên hải miền Trung với quy mô 4 ha. Đồng thời, triển khai tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho nông dân để nhân rộng mô hình, kết hợp với nuôi các đối tượng thủy sản khác ứng dụng kỹ khoa học kỹ thuật phù hợp với từng vùng nhằm phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, trong đó có nuôi tôm 2 giai đoạn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trần Anh Minh
Nguồn: https://baoquangtri.vn/mo-hinh-nuoi-tom-su-2-giai-doan-cho-hieu-qua-kinh-te-cao-193119.htm
Bình luận (0)