Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

'Mỗi xã sau sáp nhập có 30 - 60 công an, 6 - 10 điều tra viên'

Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Huy Tiến dẫn báo cáo của Bộ Công an cho biết, dự kiến mỗi xã mới sẽ có 30 - 60 công an xã, trong đó 6 - 10 điều tra viên.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên27/05/2025

Chiều 27.5, Quốc hội thảo luận về dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tố tụng hình sự.

Đề nghị thành lập cơ quan điều tra khu vực

'Mỗi xã sau sáp nhập có 30 - 60 công an, 6 - 10 điều tra viên' - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị thành lập cơ quan điều tra khu vực thay cho cơ quan điều tra cấp huyện

ẢNH: PHẠM THẮNG

Nêu ý kiến, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đồng ý với đề xuất cho phép trưởng hoặc phó trưởng công an cấp xã được thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra cấp tỉnh phân công có thể khởi tố, điều tra các vụ án hình sự có mức án đến 7 năm tù xảy ra trên địa bàn cấp xã.

Ông Hòa cho biết, sau khi bỏ công an cấp huyện, hoạt động điều tra tại cơ sở đang gặp nhiều khó khăn. Khi khởi tố điều tra hoặc khởi tố bị can phải mang hồ sơ lên công an tỉnh để trình phó thủ trưởng cơ quan điều tra xét duyệt.

"Sau khi nhập tỉnh nữa tôi thấy cực kỳ khó khăn, nếu ở xã có chuyện xảy ra, phải đem hồ sơ lên công an tỉnh. Như tôi ở Đồng Tháp, nhập với Tiền Giang, thủ phủ ở Mỹ Tho, công an tỉnh sẽ đóng ở Mỹ Tho. Như vậy, vụ việc xảy ra tại Đồng Tháp phải đi hàng trăm cây số tới công an tỉnh phê duyệt hồ sơ. Có khi phê duyệt xong sự việc đã xong rồi, tội phạm có khi cũng trốn mất", ông Hòa nói.

Đại biểu đoàn Đồng Tháp đề nghị phải tăng cường cho hoạt động điều tra của công an xã. "Nên chăng chúng ta tổ chức cơ quan điều tra khu vực, để có sự tương đồng giữa hệ thống cơ quan điều tra, truy tố, xét xử. Dù có thể sẽ tăng thêm biên chế nhưng tôi nghĩ sẽ không nhiều", ông Hòa nói.

Đại biểu Hòa cho rằng, khi tổ chức cơ quan điều tra khu vực thì không cần điều tra viên tại công an xã nữa, đồng thời tạo sự tương đồng với tòa án và viện kiểm sát khu vực.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (đoàn TP.HCM) cũng ủng hộ chủ trương này để đảm bảo tính kịp thời trong giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, bà đề nghị cần rà soát kỹ lưỡng và quy định thật cụ thể, chặt chẽ về thẩm quyền của lực lượng này, sao cho phù hợp với năng lực của công an cấp xã và đảm bảo hiệu quả thực chất trong công tác phòng, chống tội phạm.

'Mỗi xã sau sáp nhập có 30 - 60 công an, 6 - 10 điều tra viên' - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ đề nghị nên áp dụng thí điểm trước khi áp dụng toàn quốc

ẢNH: PHẠM THẮNG

Bà Lệ cũng đề nghị việc giao thẩm quyền cho công an cấp xã phải đi đôi với năng lực, trình độ chuyên môn và pháp lý tối thiểu với các điều tra viên này. Không chỉ bố trí điều tra viên cấp tỉnh về mà cần có chương trình đào tạo về nghiệp vụ, đặc biệt là kỹ năng điều tra cơ bản, thu thập và đánh giá chứng cứ. Đồng thời, cơ chế kiểm soát quyền lực phải được đặc biệt chú trọng.

"Có lẽ, nên cân nhắc một lộ trình triển khai thận trọng, có thể thí điểm ở một số địa bàn có điều kiện trước khi áp dụng rộng rãi", bà Lệ nói.

Không phải mỗi xã chỉ có 1 điều tra viên

Từ thực tiễn, đại biểu Nguyễn Thanh Sang (đoàn TP.HCM) lại cho rằng Quốc hội nên ủng hộ vì sắp sửa tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

"Nếu từ xã lên tỉnh địa bàn xa phải đi cả ngày trong khi sự việc xảy ra phải nhanh, phải ngay. Khi một sự việc xảy ra không thể đợi ở trên được mà phải có lực lượng chuyên nghiệp tại chỗ", ông Sang nói, và cho biết, với các hồ sơ án đóng dấu mật trở lên thì không phải lúc nào cũng xin ý kiến, phê duyệt bằng công nghệ thông tin được. Trong khi đó, để phê duyệt lệnh khởi tố, điều tra thì buộc phải có hồ sơ.

Đại biểu đoàn TP.HCM cũng cho biết, với phương án tổ chức lực lượng dự kiến thì điều tra viên tại công an xã sẽ là lực lượng điều tra viên chuyên nghiệp từ công an cấp tỉnh và cấp huyện tăng cường xuống, do đó hoàn toàn có thể đáp ứng được. 

"Đây là lực lượng điều tra viên chuyên nghiệp được thực hiện thẩm quyền của thủ trưởng cơ quan điều tra giao", ông Sang nêu.

'Mỗi xã sau sáp nhập có 30 - 60 công an, 6 - 10 điều tra viên' - Ảnh 3.

Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết, mỗi xã sau sáp nhập sẽ có từ 6 - 10 điều tra viên trong tổng số 30 - 60 công an xã tùy theo địa bàn

ẢNH: GIA HÂN

Giải trình thêm, Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết, việc bổ sung thẩm quyền cho trưởng, phó công an xã là điều tra viên thẩm quyền điều tra, khởi tố là yêu cầu thực tiễn. Bởi lẽ, sau khi kết thúc công an cấp huyện thì thực tiễn hoạt động điều tra đang "hết sức vướng mắc".

Ông cho biết, đây là lần đầu tiên tổ chức lực lượng điều tra ở cấp xã. Trong khi đó, trước đây công an xã chỉ được giao một số nhiệm vụ ban đầu.

Đồng tình với ý kiến đại biểu về việc phải tăng cường năng lực cho lực lượng công an xã khi giao thẩm quyền điều tra, khởi tố các vụ án, ông Tiến cho biết, lực lượng điều tra viên ở công an xã tới đây được tăng cường từ cấp tỉnh, cấp huyện.

"Theo báo cáo số 1679 của Bộ Công an, mỗi xã sẽ có 30 - 40 cán bộ công an, thậm chí ở địa bàn đặc biệt Hà Nội, TP.HCM có thể 50 - 60 cán bộ công an. Số lượng điều tra viên tương ứng từ 6 - 7 hoặc 8 - 10 điều tra viên", ông Tiến cho biết.

Theo Viện trưởng Viện KSND tối cao, dự thảo luật chỉ quy định điều tra viên trung cấp trở lên là phó, trưởng công an xã được thực hiện một số thẩm quyền do thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh ủy quyền trực tiếp thông qua luật. 

"Anh này được chỉ huy điều tra viên ở công an xã, chứ không phải ở xã chỉ có 1 điều tra viên. Báo cáo để đại biểu yên tâm", ông Tiến nói.

Thanhnien.vn

Nguồn:https://thanhnien.vn/moi-xa-sau-sap-nhap-co-30-60-cong-an-6-10-dieu-tra-vien-185250527161148785.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Ngắm “cổng nhà trời” Pù Luông - Thanh Hoá

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm