GS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chia sẻ câu chuyện, ngày xưa khi còn học ở bậc phổ thông, những tiết thể dục toàn được sắp xếp vào tiết 4, tiết 5, sau các tiết Văn, Toán và môn học khác. Nắng chói chang, học thể dục vào giờ đó rất khó vận động nên ai cũng bảo chỉ là phong trào.
Nhưng khi thực hiện chương trình GDPT 2018, đi đến các nhà trường hiện nay đã có sự thay đổi. Giáo viên bộ môn Giáo dục thể chất được học sinh rất yêu quý vì các em đã có những giờ học vui, ý nghĩa, gỡ bỏ áp lực phải học.
Các nhà trường, giáo viên thực sự có phương pháp để giải bài toán làm sao tiết học thể chất vui, khoẻ và bộ môn Giáo dục thể chất cũng thể hiện rõ nhất sự thay đổi phẩm chất, năng lực học sinh trong chương trình GDPT mới.
![]() |
Học sinh tiểu học trong một giờ học Giáo dục thể chất. |
Đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ cho biết, đa số học sinh hứng thú với giờ học Giáo dục thể chất vì các em được tập luyện, thư giãn sau các giờ học văn hoá. Tuy nhiên, những năm qua, các nhà trường thiếu giáo viên, phải bố trí người kiêm nhiệm dạy học. Ngoài ra, cơ sở vật chất chưa đáp ứng, thiếu sân tập, nhà đa năng..., đã phần nào tác động đến chất lượng dạy học của bộ môn.
Ông Nguyễn Duy Ngọc, đại diện Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho rằng, từ khi thí điểm dự án phát triển Giáo dục thể chất trong nhà trường bậc tiểu học đã mang lại hiệu quả tích cực từ thầy trò. Tháng 8/2023, Sở cử những cán bộ cốt cán của bộ môn đi tập huấn phương pháp dạy học mới với 6 yếu tố cốt lõi (6C) gồm: tự tin, đóng góp, gắn kết, lựa chọn, rõ ràng, công nhận/khen ngợi.
Trong 6 yếu tố đó, điều học sinh, giáo viên hào hứng nhất là yếu tố “lựa chọn”, nghĩa là học sinh có năng lực, sở trường gì thầy cô giáo sẽ ưu tiên để các em được lựa chọn phát triển giáo dục nội dung đó, thay vì gò ép trong một hoạt động.
"Đây chính là yếu tố cốt lõi thành công của chương trình mà các nước đã triển khai, phù hợp với từng học sinh. Phương pháp dạy học như luồng gió mới đối với bộ môn Giáo dục thể chất nên học sinh thích thú, thầy cô phấn khởi”, ông Ngọc nói.
Sở GD&ĐT Hà Tĩnh kiến nghị Bộ GD&ĐT có các chương trình, dự án đồng hành, hỗ trợ trang thiết bị dụng cụ dạy học ở bộ môn Giáo dục thể chất cho các nhà trường. Ví dụ, thời gian qua, các trường học ở địa phương được nhận hỗ trợ bóng, cầu gôn để các em tập luyện trong và sau các giờ học rất ý nghĩa.
Năm 2020, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp các đơn vị triển khai dự án “Phát triển Giáo dục thể chất trong nhà trường Tiểu học ở Việt Nam”. Các chuyên gia đã xây dựng bộ tài liệu với phương thức tiếp cận mới được áp dụng thành công tại nhiều nước nhờ tính linh động và kết nối cao, truyền cảm hứng cho học sinh và khuyến khích trẻ trở nên tự tin hơn trong rèn luyện cũng như trau dồi kỹ năng thông qua giờ học Giáo dục thể chất.
Từ chiến lược đó giúp giáo viên thiết kế những giờ học Giáo dục thể chất năng động, sáng tạo, lấy học sinh làm trung tâm.
Từ năm 2020 đến nay, có hơn 1.000 giáo viên cốt cán môn Giáo dục thể chất cấp tiểu học trên cả nước được tập huấn, đưa chiến lược 6C trở thành một phương pháp, hình thức tổ chức dạy học chủ yếu trong triển khai chương trình môn Giáo dục thể chất cấp tại toàn bộ 63 tỉnh, thành phố.
Đến nay, chiến lược này đã được hơn 21.000 giáo viên vận dụng, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học môn Giáo dục thể chất phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
GS. TS. Lê Anh Vinh đánh giá, kết quả đạt được từ dự án là nền tảng quan trọng để Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tiếp tục hoàn thiện và phát triển hệ thống tài liệu chuyên sâu, góp phần hỗ trợ giáo viên thiết kế và triển khai các tiết học thể chất một cách hiệu quả, phù hợp với định hướng đổi mới giáo dục hiện nay. Các tiết học Giáo dục thể chất không chỉ giúp học sinh nâng cao thể lực và kỹ năng vận động, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành lối sống lành mạnh, tinh thần kỷ luật và sự tự tin cho học sinh.
Nguồn: https://tienphong.vn/mon-hoc-tung-bi-xep-cuoi-gio-va-cau-chuyen-doi-thay-tu-chien-luoc-6c-post1741893.tpo
Bình luận (0)