Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Mùa no ấm trên vùng cao biên giới Mường Khương

Mường Khương là huyện khó khăn của tỉnh Lào Cai, hơn 90% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian qua, huyện tập trung nguồn lực, triển khai các giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, góp phần tăng thu nhập, giúp người dân xóa nghèo nhanh, bền vững. Những triền đồi xanh mướt cây ăn trái, những nhà máy chế biến hoa quả mọc lên, những xe tải chở dứa nối đuôi nhau trên các nẻo đường... Cuộc sống nơi đây đang thay đổi từng ngày.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân22/04/2025

Trước đây, đời sống người dân Mường Khương còn nhiều khó khăn do đất nông nghiệp ít, chủ yếu là núi đá cao, khô hạn, thiếu nước; sản xuất manh mún, tự cung tự cấp cho nên sản lượng thấp, chi phí cao.

Để xóa nghèo, Mường Khương thực hiện nhiều giải pháp nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, góp phần ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc.

Đến nay, huyện đã phát triển được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị như: Vùng chè, vùng dứa, vùng chuối, vùng quýt…

Các vùng sản xuất hàng hóa này đã mang lại nguồn thu nhập ổn định, giúp đồng bào thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Gia đình anh Lồ Dìn Phủ, ở thôn Lao Chải, thị trấn Mường Khương đã được cán bộ khuyến nông huyện và chính quyền địa phương hỗ trợ vay vốn ưu đãi và hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt.

Gia đình anh đã chuyển đổi diện tích đất trồng ngô, đậu truyền thống sang trồng hơn 2.000 cây quýt ngọt. Vụ vừa qua, gia đình anh thu hoạch hơn 30 tấn quả, trừ chi phí thu về khoảng 400 triệu đồng.

Anh chia sẻ: “Trước đây, tôi trồng cây quýt ngọt, nhưng còn manh mún, nhỏ lẻ cho nên năng suất, sản lượng không cao; tiêu thụ khó khăn. Từ khi trồng quýt theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, năng suất tăng, quả quýt đẹp hơn, ngọt nước hơn, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình”.

Tại các thôn Pạc Bo, Na Lốc, Cốc Phương ở xã biên giới Bản Lầu, nhiều vườn dứa đang vào mùa quả.Trước đây, đa số người dân ở rẻo đất biên giới này chỉ trồng ngô và đậu. Khí hậu nóng, ít mưa, thiếu nước tưới, dẫn đến năng suất thấp, đời sống người dân khó khăn.

Sau khi được cán bộ huyện và xã vận động, người dân chuyển đổi sang trồng dứa xuất khẩu theo quy mô tập trung, áp dụng kỹ thuật khuyến nông vào canh tác từ khâu giống đến chăm sóc và thu hoạch, hiệu quả tăng rõ rệt... Gia đình ông Thào Dìn ở thôn Cốc Phương là điển hình thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ trồng dứa diện tích lớn, chăm sóc đúng kỹ thuật.

Trung bình mỗi năm, gia đình ông Thào Dìn trồng từ 20-40 vạn gốc dứa, thu hoạch hàng trăm tấn quả, bán ra thị trường và xuất khẩu. Xã Bản Lầu nay đã trở thành “thủ phủ” dứa chất lượng cao của huyện và tỉnh, với hơn 848 ha dứa đang cho thu hoạch, năng suất đạt 26 tấn/ha, tổng sản lượng hơn 22.000 tấn quả, cung cấp cho nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu Mường Khương và các tỉnh Bắc Giang, Ninh Bình, Thanh Hóa...

Nhờ có thu nhập, đời sống người dân từng bước được cải thiện, nhà cửa được xây dựng kiên cố, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, trẻ em được học hành, chăm sóc chu đáo, không xảy ra tệ nạn. Với lợi thế về khí hậu ôn đới, xã Lùng Khấu Nhin tập trung phát triển cây chè San Tuyết đặc hữu.

Thôn Nậm Đó có 72 hộ dân, 100% là đồng bào dân tộc Dao. Nhiều năm qua, bà con chủ yếu trồng ngô, lúa; thời gian gần đây, thực hiện chủ trương của chính quyền địa phương, thôn Nậm Đó đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tập trung mở rộng diện tích trồng chè hàng hóa.

Theo ông Đặng Công Huân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lùng Khấu Nhin, sau khoảng 10 năm phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, toàn xã đã có hơn 400 ha cây chè, với 484/684 hộ trong xã tham gia. Nhiều hộ dân đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ cây trồng này, tỷ lệ giảm nghèo của xã bình quân giảm 10%/năm.

Bí thư Huyện ủy Mường Khương Giàng Seo Vần cho biết: Đến nay huyện đã hình thành rõ nét các vùng chè và cây ăn quả, canh tác theo quy trình kỹ thuật VietGAP, sản lượng lớn để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Toàn huyện hiện có 5.900 ha chè, 1.700 ha dứa và hơn 800 ha quýt cùng nhiều loại cây nông nghiệp khác.

Tổng diện tích cây trồng chủ lực, tiềm năng của huyện đạt hơn 12 nghìn ha, giá trị các sản phẩm chủ lực đạt hơn 1.300 tỷ đồng, chiếm gần 70% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả huyện; thu hút khoảng 9.000 lao động người địa phương làm việc trực tiếp và gián tiếp trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện trên địa bàn huyện có năm nhà máy chế biến, trong đó có ba nhà máy chè, một nhà máy chế biến rau quả.

Dự kiến trong năm 2025 sẽ có thêm hai nhà máy chè được đầu tư xây dựng tại huyện. “Thời gian tới, huyện Mường Khương tiếp tục củng cố và mở rộng vùng cây nông nghiệp hàng hóa, chú trọng khâu chế biến và quảng bá, tiếp thị sản phẩm để vừa tiêu thụ ổn định, vừa nâng cao thu nhập cho người dân...”, Bí thư Giàng Seo Vần khẳng định.

Nguồn: https://nhandan.vn/mua-no-am-tren-vung-cao-bien-gioi-muong-khuong-post874472.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cờ Tổ quốc, cờ Đảng tung bay giữa trời Nam rực nắng
Vì sao Kiên Giang lọt tốp ‘điểm đến thân thân thiện nhất thế giới’
Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm