Một trạm nhiên liệu vũ trụ sẽ được Mỹ thiết lập vào năm 2026. Ảnh: Astroscale US. |
Từ mùa hè năm 2026, công ty dịch vụ hậu cần hàng không vũ trụ Astroscale US sẽ thiết lập một trạm tiếp nhiên liệu ngoài không gian, có thể định nghĩa lại cách thức hoạt động của các tàu vũ trụ hiện nay.
Trong nhiệm vụ này, tàu vũ trụ nặng xấp xỉ 300 kg của Astroscale US sẽ tiếp nhiên liệu cho một vệ tinh bằng chất đẩy hydrazine, sau đó di chuyển đến một kho chứa để nạp thêm trước khi tiếp nhiên liệu cho thiết bị không gian khác.
Theo Mashable, nếu hoạt động thành công, đây sẽ là lần đầu tiên một tàu vũ trụ của Space Force (Lực lượng Không gian – đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ) được tiếp nhiên liệu trong không gian.
Một tàu con thoi nhiên liệu dạng này có thể giúp tàu vũ trụ ở trên quỹ đạo lâu hơn và loại bỏ việc phải tạm dừng nhiệm vụ vì cần nạp bổ sung nhiên liệu đẩy. "Điều này thay đổi cơ bản cách chúng ta thực hiện mọi việc trong không gian", Ian Thomas, Giám đốc Chương trình tiếp nhiên liệu của Astroscale US, chia sẻ với Mashable.
Sau khi phóng, tàu vũ trụ được tiếp nhiên liệu sẽ di chuyển đến một khu vực được gọi là quỹ đạo địa tĩnh (GEO). Đây là một nơi đặc biệt xung quanh Trái Đất, cho phép tàu vũ trụ quay quanh quỹ đạo với cùng tốc độ Trái Đất.
Tại đây, tàu vũ trụ của Astroscale US sẽ tiếp cận mục tiêu vệ tinh đầu tiên - vệ tinh Tetra-5 của Space Force - và chuyển nhiên liệu. Sau đó, tàu tiếp nhiên liệu sẽ đẩy ra xa và kiểm tra hiện trường bằng một camera chuyên dụng để đảm bảo không có nhiên liệu có giá trị nào bị rò rỉ.
Khi hoàn thành, tàu tiếp nhiên liệu sẽ bay đến một kho nhiên liệu gần đó, kết nối và nhận nhiên liệu từ kho trước khi di chuyển đến mục tiêu tiếp theo.
"Mục đích của nhiệm vụ là đảm bảo tất cả bộ phận khác nhau đều khả thi và hoạt động", Thomas giải thích.
Hầu hết tàu vũ trụ, dù là vệ tinh hay tàu thăm dò không gian của NASA, đều được lắp pin mặt trời. Những tấm pin này vô cùng hữu ích. Chúng cung cấp năng lượng cho hệ thống máy tính, camera và nhiều thứ khác của tàu.
Tuy nhiên, nguồn năng lượng này không đủ cung cấp nhiên liệu để di chuyển và định hướng lại tàu, tránh rác vũ trụ tốc độ cao hoặc ngăn vệ tinh bị kéo vào bầu khí quyển của Trái Đất. Đó là lý do việc tiếp nhiên liệu rất quan trọng.
Nếu tàu vũ trụ được tiếp nhiên liệu, các kỹ sư có thể thiết kế nhiệm vụ không gian mà không bị giới hạn bởi nhiên liệu. Ví dụ, Kính viễn vọng James Webb trị giá 10 tỷ USD có nhiên liệu hữu hạn, vì vậy, nhiệm vụ của nó chỉ giới hạn trong khoảng 20 năm.
Nguồn: https://znews.vn/my-sap-co-cay-xang-ngoai-khong-gian-post1545561.html
Bình luận (0)