Ngay từ đầu năm 2025, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã tổ chức hội nghị giao chỉ tiêu phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS cho các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch cụ thể. Kế hoạch số 137/KH-LĐLĐ ngày 18/2/2025 cũng được ban hành nhằm xác định rõ mục tiêu, chỉ đạo triển khai đồng bộ từ tuyên truyền đến kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách liên quan đến người lao động.
Kết quả, trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã thành lập mới 42 CĐCS với 5.884 đoàn viên, tăng thêm 5.747 đoàn viên, đạt 22,4% so với chỉ tiêu 25.700 đoàn viên mà Tổng LĐLĐ Việt Nam giao. Tổng số đoàn viên công đoàn toàn tỉnh hiện đạt 141.027 người. Song song với đó, công tác đào tạo, luân chuyển, kiện toàn cán bộ công đoàn cũng được đẩy mạnh, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở ngày càng chuyên nghiệp, bản lĩnh.
Cùng với việc phát triển về số lượng, tổ chức công đoàn tỉnh cũng tập trung sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18-NQ/TW của Trung ương và chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Theo đó, chấm dứt hoạt động của 4 công đoàn ngành, sáp nhập đoàn viên và CĐCS về các đơn vị mới thành lập. Đây là bước đi mạnh mẽ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động công đoàn trong tình hình mới. Bên cạnh đó, Công đoàn cấp trên, LĐLĐ tỉnh cũng triển khai nhiều chương trình hành động góp phần nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS.
Qua đó, ghi nhận tại nhiều CĐCS mới thành lập, dù còn “trẻ”, song đã sớm thể hiện được vai trò là chỗ dựa của người lao động. Điển hình như CĐCS Công ty TNHH World Honor Việt Nam (KCN Đông Mai), dù hoạt động trong doanh nghiệp FDI với không ít khác biệt về ngôn ngữ, chính sách, nhưng đã nhanh chóng tạo được tiếng nói chung giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Chị Nguyễn Hải Phượng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH World Honor Việt Nam, chia sẻ: “Được công đoàn cấp trên quan tâm, chỉ đạo kịp thời, chúng tôi luôn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân lao động để kịp thời đề xuất, kiến nghị với doanh nghiệp, các cơ quan chức năng nhằm cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo quyền lợi người lao động. Khi người lao động được lắng nghe, họ sẽ yên tâm gắn bó với doanh nghiệp. Đó cũng là cách xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tránh tranh chấp, đình công”.
Tại Chi nhánh Công ty TNHH Yazaki Hải Phòng ở Quảng Ninh (KCN Đông Mai), CĐCS đã sớm khẳng định vai trò trong bảo vệ quyền lợi người lao động. Chủ tịch CĐCS Bùi Đức Tùng cùng Ban Chấp hành đã ký thỏa ước lao động tập thể được xét loại A, đảm bảo 100% người lao động được tham gia BHXH, BHYT, BHTN; tổ chức các chương trình “Tết sum vầy”, chăm lo đời sống công nhân và gia đình. Công đoàn cũng đưa vào áp dụng hành chính điện tử, giúp công nhân chủ động tra cứu thông tin chế độ, chính sách một cách nhanh chóng, minh bạch.
Những nỗ lực của các CĐCS đã góp phần không nhỏ vào việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa tại Quảng Ninh, một trong những địa phương có số vụ tranh chấp, đình công thấp nhất cả nước trong nhiều năm qua. Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp tỉnh giữ vững môi trường đầu tư ổn định, bền vững, đặc biệt với các doanh nghiệp FDI.
Với những kết quả bước đầu khả quan, tổ chức công đoàn Quảng Ninh đang tiếp tục khẳng định vai trò là lực lượng nòng cốt trong việc chăm lo, bảo vệ người lao động, đồng hành cùng doanh nghiệp. Việc nâng cao chất lượng CĐCS không chỉ dừng ở con số đoàn viên tăng thêm, mà còn thể hiện qua chiều sâu hoạt động, sự tin tưởng của người lao động và hiệu quả kết nối với chủ doanh nghiệp.
Từ nền tảng đó, Quảng Ninh đang tiến gần hơn tới mục tiêu xây dựng đội ngũ công nhân vững mạnh, gắn bó, có trách nhiệm - yếu tố then chốt cho phát triển bền vững.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/nang-chat-cong-doan-co-so-tu-chi-tieu-den-thuc-tien-3365246.html
Bình luận (0)