Tại các huyện vùng cao như Bình Liêu, Ba Chẽ, Hải Hà… trước đây chuyện mang thai, sinh con hay kế hoạch hóa gia đình vẫn còn là chủ đề nhạy cảm, khó đề cập trong các buổi truyền thông cộng đồng, thậm chí cả trong gia đình. Tuy nhiên, thực tế hiện nay đã có nhiều thay đổi tích cực. Phụ nữ ở các địa phương này đã chủ động đến các cơ sở y tế, tích cực tham gia các buổi truyền thông về sức khỏe sinh sản. Họ biết cách chăm sóc bản thân trong thai kỳ, nuôi dạy con bằng kiến thức y học hiện đại, trở thành những điểm sáng trong hành trình nâng cao nhận thức cộng đồng.
Chị Phùn Tài Múi (xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu), chia sẻ: “Được cán bộ y tế xã tuyên truyền, hướng dẫn, tôi duy trì việc khám thai định kỳ, ăn uống đủ chất, tiêm phòng đúng lịch. Trước kia, tôi thường nghe theo lời người lớn dặn là phải kiêng nhiều thứ, thậm chí có khi không dám ăn uống đầy đủ, nhưng giờ mới biết ăn đủ, nghỉ ngơi tốt thì con mới khỏe”.
Những thay đổi này đến từ nhiều buổi truyền thông cộng đồng được tổ chức thường xuyên. Riêng năm 2024, toàn tỉnh đã tổ chức trên 250 buổi truyền thông trực tiếp về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em…; thu hút đông đảo phụ nữ DTTS tham gia. Nội dung các buổi truyền thông chủ yếu cung cấp các kiến thức gần gũi, dễ hiểu về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ, cách chăm sóc bà mẹ trước, trong và sau khi sinh; dinh dưỡng cho phụ nữ giai đoạn mang thai, nuôi con bằng sữa mẹ; chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ theo độ tuổi…
Hội LHPN tỉnh phối hợp với Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức hàng chục lớp tập huấn từ cấp xã đến cấp huyện. Tại huyện Vân Đồn, Cẩm Phả, lớp học về khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước và sau sinh, dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi thu hút hàng trăm người tham gia. Ở Bình Liêu, Hải Hà, Ba Chẽ, Đầm Hà, các hội nghị về phòng chống tảo hôn, sinh con đúng chính sách dân số đã tạo ra những cuộc trò chuyện cởi mở, giúp phụ nữ DTTS mạnh dạn chia sẻ và thay đổi.
Tại huyện Ba Chẽ, Hội Phụ nữ phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin, Phòng Y tế tổ chức 46 buổi tập huấn ở các thôn bản, thu hút trên 1.500 lượt người tham dự. Còn ở huyện Đầm Hà, hơn 200 hội viên phụ nữ xã Quảng An được khám phụ khoa miễn phí, trẻ em được cân đo, tiêm phòng đầy đủ. Ở xã Quảng Lâm, 22 buổi tuyên truyền về chăm sóc trẻ suy dinh dưỡng đã thu hút hơn 400 lượt người tham gia.
Công tác tầm soát thai kỳ và quản lý bà mẹ mang thai có nguy cơ cao tại cộng đồng cũng được chú trọng. Nhờ vậy, các ca sinh được kiểm soát tốt hơn, hạn chế biến chứng.
Bác sĩ Phạm Ngọc Dung, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà), cho biết: Trước kia, nhiều chị em từng ngại đến trạm, giờ lại chủ động hỏi về kế hoạch hóa gia đình, sinh đẻ an toàn, chăm sóc sau sinh… Đó là một thay đổi rất lớn. Chúng tôi cũng thường xuyên xuống tận nhà truyền thông, hướng dẫn bà mẹ mang thai quản lý thai nghén, chế độ dinh dưỡng và sinh con an toàn tại cơ sở y tế.
Không chỉ dừng ở phụ nữ đang mang thai hay nuôi con nhỏ, chương trình còn đặc biệt chú trọng đến giáo dục sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Tại các trường học vùng cao, ngành giáo dục phối hợp ngành y tế đưa kiến thức giới tính, vệ sinh cá nhân, phòng tránh mang thai ngoài ý muốn đến học sinh dân tộc thiểu số. Những tiết học “từng bị né tránh” giờ đây trở nên sinh động, thực tế và rất hữu ích.
Dự án 7 đang từng bước tạo ra những chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và hành vi của cộng đồng DTTS tại Quảng Ninh. Sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội Phụ nữ, ngành Y tế, Giáo dục và các tổ chức đoàn thể chính là yếu tố quan trọng, giúp phụ nữ vùng cao, DTTS nâng cao hiểu biết, chủ động chăm sóc sức khỏe bản thân, sinh con an toàn và nuôi dạy con bằng kiến thức khoa học. Nhờ đó, tỷ lệ phụ nữ DTTS mang thai được khám thai ít nhất 3 lần ngày càng tăng; đa số ca sinh tại vùng cao đều được thực hiện tại cơ sở y tế; tình trạng tảo hôn tại một số địa phương đã có dấu hiệu giảm rõ rệt…
Nguồn: https://baoquangninh.vn/nang-cao-kien-thuc-ve-suc-khoe-sinh-san-o-vung-dan-toc-thieu-so-3352205.html
Bình luận (0)