Để hỗ trợ NLĐ thất nghiệp tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề, vừa qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh đã phối hợp, liên kết với Trường trung cấp kinh doanh và quản lý Tâm Tín mở lớp đào tạo tin học văn phòng cho hơn 40 lao động.
Chị Nguyễn Thị Hoa, xã Sơn Lôi (Bình Xuyên), học viên lớp tin học văn phòng cho biết: "Gắn bó với công ty may được 5 năm nhưng do hoàn cảnh gia đình nên công việc của tôi bị gián đoạn. Sau khi nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tôi đã được cán bộ Trung tâm DVVL tỉnh tư vấn, đăng ký tham gia học tin học văn phòng để có thêm kỹ năng, kiến thức tốt hơn trước khi tìm kiếm công việc mới. Hy vọng, tôi sẽ tìm được việc làm phù hợp, sớm ổn định cuộc sống".
Đồng chí Doãn Thị Thanh Huế, Trưởng Phòng Bảo hiểm thất nghiệp và Hỗ trợ đào tạo lao động, Trung tâm DVVL tỉnh cho biết: Ngoài được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định, NLĐ còn được tư vấn các chính sách về lao động, việc làm và hỗ trợ học nghề. Từ đầu năm đến nay, trung tâm đã tư vấn, giới thiệu và hỗ trợ học nghề cho hàng chục lao động thất nghiệp; khai giảng lớp liên kết đào tạo nghề tin học văn phòng cho hơn 40 lao động... Qua đó giúp NLĐ thất nghiệp phần nào giải tỏa áp lực trong thời gian tìm kiếm việc làm mới; nâng cao trình độ kỹ năng nghề khi quay trở lại làm việc tại các đơn vị, doanh nghiệp.
Nhằm xây dựng đội ngũ NLĐ có kỹ năng, nâng cao thu nhập, thời gian qua, Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo các cấp Công đoàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của Công đoàn về nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp cho NLĐ.
Năm 2024, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tuyên truyền, vận động gần 90 nghìn công nhân, lao động tại các doanh nghiệp tham gia học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp… Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện để NLĐ được học tập, nâng cao kỹ năng nghề, đáp ứng yêu cầu công việc.
Anh Trần Văn Thiêm, cán bộ quản lý tuyển dụng, Công ty TNHH Hàng may mặc Việt Nam, Khu công nghiệp Bá Thiện 2 (Bình Xuyên) cho biết: “Thời gian qua, công ty đã đầu tư máy móc hiện đại ở một số khâu sản xuất, do vậy, đội ngũ lao động phải nâng cao tay nghề, đáp ứng yêu cầu sản xuất của công ty. Để đáp ứng yêu cầu công việc, công ty đã tổ chức đào tạo, hỗ trợ tay nghề và kỹ năng làm việc cho công nhân ở tất cả các bộ phận”.
Để nâng cao chất lượng kỹ năng nghề, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và nhu cầu của xã hội, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đổi mới công tác đào tạo; tăng cường liên kết với các doanh nghiệp; mở rộng quy mô đào tạo các ngành, nghề theo nhu cầu thị trường…
Thầy giáo Nguyễn Trung Thiện, Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Kỹ thuật - Công nghệ Vĩnh Phúc cho biết: Chương trình đào tạo của nhà trường được xây dựng dựa trên yêu cầu thực tiễn của thị trường và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Hiện, nhà trường đã chủ động liên kết, ký kết hợp tác với hơn 50 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; thường xuyên tổ chức các đoàn đưa học sinh, sinh viên đi tham quan, trải nghiệm, thực tập tại doanh nghiệp, đặc biệt là tại các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tăng các tiết thực hành, giúp sinh viên tiếp cận với các thiết bị, máy móc hiện đại ngay trong quá trình học tập. Sinh viên của trường được đào tạo các kỹ năng mềm về giao tiếp, ứng xử, văn hóa doanh nghiệp, tác phong công nghiệp…
Thực tế cho thấy, qua đào tạo, NLĐ có kỹ năng, tay nghề cao duy trì việc làm và thu nhập cao hơn so với những lao động phổ thông. Để hỗ trợ NLĐ, học sinh, sinh viên tham gia học nghề và nâng cao trình độ tay nghề, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích NLĐ tham gia học nghề.
Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với một số cơ sở đào tạo nghề có uy tín, chất lượng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng thực hành nghề cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý GDNN; rà soát, sắp xếp các cơ sở GDNN bảo đảm quy mô, cơ cấu và hợp lý về ngành nghề, trình độ đào tạo, chuẩn hóa, hiện đại hóa; chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở GDNN thuộc tỉnh đạt trình độ khu vực ASEAN và quốc tế.
Đồng thời, các cơ sở GDNN cũng thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng cho giáo viên tại trường; tạo điều kiện để giáo viên tham gia các chương trình học nâng cao, chương trình đào tạo liên kết trong và ngoài nước; tham quan, học tập thực tiễn công nghệ sản xuất tại các doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học… Từ đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Minh Thu
Nguồn: http://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/127187/Nang-cao-ky-nang-nghe-cho-nguoi-lao-dong
Bình luận (0)