Cán bộ Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường lấy mẫu ở hồ sinh thái thị trấn Cam Lộ để phân tích theo dõi diễn biến các chỉ tiêu, thành phần môi trường nước mặt -Ảnh: T.N
Năm 2024, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã thực hiện công tác quan trắc tài nguyên và môi trường tại 190 điểm, với tần suất 10 đợt/năm đối với nước mặt, 6 đợt/năm đối với nước biển, không khí; 2 đợt/ năm đối với nước thải, nước ngầm, đất, trầm tích; 1 đợt/ tuần (từ tháng 3 - tháng 8) đối với xâm nhập mặn. Qua kết quả quan trắc đã kịp thời phát hiện và cảnh báo các trường hợp ô nhiễm, cung cấp các thông tin, dữ liệu phục vụ công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.
Kết quả quan trắc năm 2024 trên cơ sở hiện trạng và diễn biến chất lượng nước sông đã xác định, phân loại mục đích sử dụng nước thành 3 mục đích chính phù hợp với thực tế của địa phương, đó là cấp nước cho mục đích sinh hoạt, cấp nước cho mục đích tưới tiêu, cấp nước cho các mục đích nuôi trồng thuỷ sản nước lợ và các mục đích khác tương đương.
Chất lượng môi trường nước hồ tại phần lớn các vị trí quan trắc có kết quả nằm trong giới hạn bảng 1 theo QCVN 08, không gây tổn hại tới sức khỏe khi nước mặt được con người trực tiếp sử dụng (không qua xử lý) cho các mục đích khác nhau. Ngoại trừ thông số NH4-N, NO2-N tại các hồ nội đô như Khe Chè, Nam Hào, Lao Bảo, Đại An, Khe Sanh, Khe Mây, Tân Độ và hồ sinh thái thị trấn Gio Linh vượt giới hạn, chất lượng nước có khả năng gây tổn hại đến sức khỏe khi được con người sử dụng trực tiếp (không qua xử lý).
Chất lượng môi trường nước biển ven bờ phần lớn các thông số quan trắc nằm trong giới hạn cho phép theo QCVN 10:2024/BTNMT, chất lượng nước biển đảm bảo phục vụ mục đích bảo vệ môi trường sống, sức khỏe con người và các mục đích khác tương đương. Kết quả chất lượng nước biển trong giai đoạn 2020-2024 tương đối ổn định và ít có sự biến động. Nước biển chưa có dấu hiệu ô nhiễm.
Tuy nhiên với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2030 là tập trung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị tại khu vực ven biển 3 huyện Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng; đồng thời, phát triển kinh tế biển gắn với hình thành trục đô thị ven biển. Do vậy, cần quan trắc thường xuyên để theo dõi diễn hiện trạng và diễn biến chất lượng nước biển ven bờ.
Chất lượng môi trường đất tại các vị trí quan trắc năm 2024 và giai đoạn 2020-2024 cho thấy các thông số kim loại nặng, dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật tại tất cả các vị trí quan trắc đều nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 03:2023/BTNMT (QCVN 03) và đảm bảo cho nhiều mục đích khác nhau.
Chất lượng môi trường nước dưới đất phần lớn các vị trí quan trắc chưa có dấu hiệu ô nhiễm các thông số kim loại nặng, vi sinh vật, chất khoáng và các hợp chất hữu cơ. Hầu hết các thông số quan trắc đều nằm trong giới hạn cho phép theo QCVN 09:2023/BTNMT (QCVN 09). Chất lượng nước dưới đất trong giai đoạn 2020-2024 nhìn chung không có biến động lớn, tương đối ổn định.
Tuy nhiên, tại khu vực nuôi tôm xã Triệu Vân (cũ) (NN30b), khu vực nuôi tôm xã Triệu An (cũ) (NN30) chất lượng nước dưới đất suy giảm đáng kể do bị nhiễm mặn, các thông số khoáng hóa đều vượt giới hạn cho phép theo QCVN 09. Một số vị trí như khu vực nuôi tôm xã Triệu An (cũ) (NN30), khu vực nuôi tôm xã Triệu Vân (cũ) (NN30b) các thông số độ oxi hóa, sulfat, độ cứng, tổng chất rắn hòa tan có dấu hiệu vượt giới hạn cho phép và lặp lại trong nhiều năm.
Chất lượng nước thải đô thị phần lớn các thông số quan trắc năm 2024 nằm trong giới hạn cho phép theo cột B-QCVN 14. Riêng thông số TSS, TDS, BOD5, Coliform tại một số đô thị như thị trấn Cửa Tùng, Ái Tử, Hải Lăng, Cam Lộ, Bến Quan, Lao Bảo, Cửa Việt, Khe Sanh có sự biến động lớn qua 2 đợt quan trắc (mùa mưa và mùa khô) và vượt giới hạn cho phép theo QCVN 14:2008/ BTNMT (QCVN 14).
Giai đoạn 2020-2024, nước thải đô thị có biến động lớn giữa các năm và giữa các vị trí quan trắc. Thực tế quan trắc cũng cho thấy, nước thải sinh hoạt tại phần lớn các đô thị đều được thoát chung với hệ thống thu gom nước mưa và đổ vào các khu vực hồ nội đô. Ngoại trừ thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị đã có hệ thống thu gom và xử lý tập trung. Tuy nhiên vẫn còn các tuyến đường, khu vực chưa được thu gom và đấu nối vào hệ thống xử lý tập trung. Do đó cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng nước thải trước khi đổ thải ra môi trường.
Chất lượng môi trường không khí năm 2024 và giai đoạn 2020-2024 chưa có dấu hiệu ô nhiễm bởi các khí độc (SO2, NO2, O3, CO). Hầu hết các vị trí các thông số quan trắc chất lượng môi trường không khí đều nằm trong giới hạn cho phép theo QCVN 05, QCVN 26 và QCVN 27. Riêng tổng bụi lơ lửng, bụi PM10 và tiếng ồn tại một số vị trí thuộc các tuyến giao thông chính như Quốc lộ 1, Quốc lộ 9 xấp xỉ và vượt giới hạn cho phép tại một số thời điểm quan trắc, đặc biệt vào các tháng mùa khô.
Tất cả các thông số khí độc (SO2, NO2, CO) tại các vị trí quan trắc thuộc khu vực đô thị, nông thôn và khu vực KCN, CCN đều nằm trong giới hạn cho phép. Kết quả quan trắc các thông số chất lượng môi trường không khí tại khu vực đô thị lớn hơn so với các vị trí thuộc KCN, CCN, nông thôn. Trong năm 2024, kết quả quan trắc tổng bụi lơ lửng cao đột biến tại khu vực Cửa khẩu quốc tế La Lay.
Năm 2025, công tác quan trắc tài nguyên và môi trường vẫn được triển khai ổn định theo chương trình của tỉnh, đồng thời cập nhật, điều chỉnh lại một số nội dung để phù hợp với quy định như: không quan trắc tài nguyên nước mặt do trùng nội dung theo Quyết định số 289/QĐ- TTg ngày 8/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quan trắc tài nguyên nước dưới đất: 2 đợt/năm (mùa khô 3 ngày/lần, tương đương 10 lần/tháng, mùa mưa 6 ngày/lần, tương đương với 5 lần/tháng) (Điều chỉnh theo quy định của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP). Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường tăng cường đầu tư các trạm quan trắc tự động nhằm theo dõi liên tục, kịp thời kiểm soát chất lượng môi trường ở các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội như khu vực Cửa khẩu quốc tế La Lay, sông Sa Lung.
Tăng tần suất theo dõi chất lượng tại một số vị trí thường xuyên xảy ra các sự cố về môi trường, có ý kiến phản ánh của người dân trên địa bàn tỉnh nhằm theo dõi hiện trạng và diễn biến chất lượng môi trường, hạn chế sự tác động đến sức khỏe con người.
Duy trì và nâng cao hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh bảo đảm thống nhất, đồng bộ và liên thông với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia và công bố thông tin về chất lượng môi trường của địa phương trên cơ sở kết quả quan trắc hằng năm.
Tân Nguyên
Nguồn: https://baoquangtri.vn/nang-cao-vai-tro-cua-hoat-dong-quan-trac-tai-nguyen-va-moi-truong-doi-voi-doi-song-193115.htm
Bình luận (0)