U17 Việt Nam tạo tiếng vang tại sân chơi châu Á, nhưng để nâng tầm lứa cầu thủ này là vấn đề nan giải - Ảnh: VFF
Tại vòng chung kết U17 châu Á 2025, U17 Việt Nam nằm ở bảng đấu rất khó với các đội tuyển hàng đầu châu lục là U17 Úc, U17 Nhật Bản và U17 UAE.
Trái với dự đoán ban đầu về khả năng "lót đường", thầy trò HLV Cristiano Roland đã có những màn trình diễn ấn tượng với ba trận hòa đều cùng tỉ số 1-1. Trong đó đáng tiếc nhất là trận đấu cuối với U17 UAE, chúng ta đã chạm được một tay vào tấm vé dự U17 World Cup trước khi bị đối phương gỡ hòa ở phút 87.
Vạch rõ chiến lược
Để có được một tập thể U17 Việt Nam giàu sức chiến đấu, không bị lấn lướt quá nhiều trước các đối thủ hàng đầu châu lục, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã vạch ra chiến lược phát triển cho lứa cầu thủ này ngay từ đầu năm 2024. Trong chiến lược này, bên cạnh mục tiêu tạo cơ hội thi đấu cọ xát nhiều nhất có thể, VFF cũng sớm định hình ban huấn luyện với nhiều chuyên gia nước ngoài am hiểu bóng đá Việt Nam.
U17 Việt Nam đã có sự phát triển đáng kể từ khi bổ nhiệm HLV trưởng Cristiano Roland (cựu trung vệ CLB Benfica, Bồ Đào Nha) - công thần tại CLB Hà Nội giai đoạn 2009 - 2013 và đã có bằng HLV loại A do Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) cấp. Với triết lý tự tin cầm nhịp trận đấu và chuyển đổi trạng thái, U17 Việt Nam là lứa cầu thủ trẻ đầu tiên của chúng ta chưa thua Nhật Bản, thắng 1-0 tại Giải U16 quốc tế Peace Cup 2024, và hòa 1-1 tại VCK U17 châu Á 2025.
Ngoài ra, để đội thi đấu tốt hơn ở đấu trường châu Á, VFF củng cố thêm cho ban huấn luyện U17 Việt Nam với chuyên gia người Nhật Bản Yutaka Ikeuchi - HLV trưởng U15, U16, U17 nam Nhật Bản trong quãng 2003 - 2023.
Còn nhiều việc phải làm với các cầu thủ U17 Việt Nam - Ảnh: VFF
Còn nhiều việc phải làm
Mới chỉ cách đây một năm, chính lứa U17 Việt Nam này từng bị chỉ trích và chịu áp lực dư luận sau trận thua 0-5 trước U16 Indonesia, chỉ giành vị trí thứ 4 chung cuộc tại Giải U16 Đông Nam Á 2024.
Bóng đá trẻ luôn tiềm ẩn những bất ngờ và cần cách làm kiên trì. Thật may khi VFF đã kiên định với chiến lược phát triển lứa cầu thủ này. Tuy nhiên, chặng đường sự nghiệp của các cầu thủ vẫn còn rất dài, nhiều khó khăn.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, chuyên gia Nguyễn Tuấn Phong - từng có nhiều năm đào tạo trẻ (từ lứa sinh năm 1997 đến 2003) tại Học viện PVF - cho biết: "Vấn đề của bóng đá trẻ Việt Nam là các cầu thủ được thi đấu quá ít mỗi năm để tích lũy kinh nghiệm. Thái Lan hay Indonesia đã có giải league dành cho các lứa trẻ, còn Việt Nam thì chưa.
Nhưng tôi tin khi thực sự nghiêm túc thực hiện thì sẽ có rất nhiều giải pháp. Ví dụ chúng ta vẫn có thể làm dưới dạng nhỏ gọn hơn ở cấp vùng, miền. Các trận đấu diễn ra vào thứ 7 và chủ nhật, không vướng giờ học chính quy của các em.
Việt Nam không có nhiều học viện quy củ như PVF, Thể Công - Viettel, Hoàng Anh Gia Lai. Quá ít đội bóng chuyên nghiệp, điều này khiến các cầu thủ trẻ dễ mất mục tiêu phấn đấu. Và thực tế tại V-League, cầu thủ U19 được ra sân thường xuyên đã là điều hiếm có. Thiếu sân chơi và mục tiêu phấn đấu lâu dài khiến cầu thủ dễ bỏ nghề nhất là giai đoạn các em đang ở lứa tuổi U15, U17".
Nguồn: https://tuoitre.vn/nang-tam-lua-cau-thu-u17-viet-nam-bang-cach-nao-20250414105606415.htm
Bình luận (0)