Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng sắc lệnh hành pháp về thuế quan tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng ngày 2-4 - Ảnh: REUTERS
Cơn bão thuế quan chưa từng có
Trong buổi lễ tại Vườn Hồng của Nhà Trắng ngày 2-4 giờ địa phương (rạng sáng 3-4 theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump giơ tấm bảng ghi cụ thể từng mức thuế đối ứng sẽ áp dụng với hàng chục nền kinh tế trên thế giới.
Ông Trump hô vang: "Đây là tuyên bố độc lập của chúng ta".
Mức thuế "cơ bản" áp dụng với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ là 10%. Một số quốc gia nằm trong nhóm này gồm Anh, Brazil, Singapore, Úc, Chile, Argentina, Saudi Arabia...
Liên minh châu Âu (EU), Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ chịu mức thuế từ 20 - 26%. Đáng chú ý, Trung Quốc và Việt Nam nằm trong nhóm bị áp mức thuế đối ứng cao nhất, lần lượt 34% và 46%.
Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên cho biết mức thuế cơ bản 10% sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5-4 tới. Trong khi đó, với các nền kinh tế chịu mức thuế cao hơn, việc thực thi sẽ bắt đầu từ ngày 9-4.
Thuế quan có giúp "hồi phục" nước Mỹ?
Trung tâm Tiến bộ Mỹ (CAP) ước tính mức thuế quan của ông Trump có thể khiến các hộ gia đình Mỹ mất trung bình 5.200 USD mỗi năm.
Những hành động áp thuế và biện pháp trả đũa sẽ gây ra thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế Mỹ, bao gồm khả năng làm tăng giá điện, ô tô, hàng tiêu dùng và các mặt hàng khác, đồng thời khiến các doanh nghiệp khó cạnh tranh hơn trên thị trường toàn cầu.
Bên cạnh đó, hiện các nhà đầu tư cũng đã "tháo chạy" tại thị trường chứng khoán Mỹ khi họ phản ứng mạnh với kế hoạch áp thuế đối ứng của ông Trump.
Tuy nhiên, theo đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, thuế quan là một cách để đưa hoạt động sản xuất trở lại.
Khi giá cả tăng cao, tiêu dùng có thể sẽ giảm. Tuy nhiên điều đó lại giúp giảm thâm hụt tài chính do việc chi tiêu quá mức của Mỹ vào hàng hóa nước ngoài làm "suy giảm sản xuất và tỉ lệ tiết kiệm".
Ông Trump cũng từng mô tả thâm hụt thương mại là "tình trạng khẩn cấp quốc gia" và hành động của ông sẽ mở ra "thời kỳ hoàng kim của nước Mỹ".
Mức thuế cao sẽ giúp hồi phục ngành sản xuất của Mỹ trong một số lĩnh vực chính, như chất bán dẫn, xe điện và năng lượng thay thế khi các công ty đang bán đầu tập trung đầu tư tại Mỹ để tránh bị đánh thuế.
Không những thế, thuế quan cũng sẽ là một phương tiện để "giành được sự nhượng bộ từ các quốc gia khác cũng như biểu dương sức mạnh Mỹ".
Các nhà kinh tế của Ngân hàng Goldman Sachs nói rằng: "Tuyên bố từ Nhà Trắng cho thấy họ sẵn sàng chấp nhận tình trạng suy yếu kinh tế trong ngắn hạn để theo đuổi các chính sách của mình".
Tổng thống Trump phát biểu về bảng thuế đối ứng tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng ngày 2-4 - Ảnh: REUTERS
Phản ứng từ dư luận Mỹ
Theo một cuộc thăm dò của Reuters kéo dài ba ngày, kết thúc vào ngày 2-4, tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Donald Trump đã giảm xuống còn 43%, mức thấp nhất kể từ khi ông trở lại nhiệm sở, khi người Mỹ không hài lòng với các động thái áp thuế của ông.
Những người trả lời khảo sát đã cho ông Trump điểm kém về cách xử lý nền kinh tế. Một số người nhận định việc tăng thuế sẽ gây hại nhiều hơn là có lợi vì phần lớn sẽ gây "thúc đẩy lạm phát và làm chậm tăng trưởng kinh tế".
“Đây là thảm họa đối với các gia đình Mỹ”, ông Matt Priest, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Footwear Distributors and Retailers of America, chia sẻ.
“Chúng tôi hy vọng tổng thống sẽ có cách tiếp cận có mục tiêu hơn. Hiện tại, mức thuế quan này sẽ chỉ làm tăng chi phí, giảm chất lượng sản phẩm và làm suy yếu lòng tin của người tiêu dùng”.
Tờ New York Times phỏng vấn một đại diện tại Liên đoàn Bán lẻ quốc gia Mỹ cho biết thuế quan sẽ "gây thêm lo lắng và bất ổn cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ" vì "việc thực hiện ngay lập tức các mức thuế quan đòi hỏi nỗ lực lớn và sự chuẩn bị của hàng triệu doanh nghiệp nước này".
Tuy nhiên, một số ý kiến khác hoàn toàn ủng hộ thuế quan mới này, tin rằng nó sẽ góp phần "tái công nghiệp hóa Mỹ và tạo ra việc làm cho tầng lớp lao động".
Ông Nick Iacovella, phó chủ tịch điều hành của Liên minh vì một nước Mỹ thịnh vượng, bày tỏ: "Hôm nay có thể được coi là hành động chính sách thương mại và kinh tế vĩ đại nhất trong lịch sử đất nước. Nó hoàn toàn củng cố di sản của Tổng thống Trump rằng ông đang cố gắng mở ra một thời đại hoàng kim mới về sản xuất kinh tế và thịnh vượng".
Trong khi đó, chủ tịch Viện Sắt và Thép Mỹ Kevin Dempsey cũng cho rằng: "Các nhà sản xuất thép của Mỹ đều quá quen thuộc với những tác động có hại của các hoạt động thương mại không công bằng của nước ngoài đối với các ngành công nghiệp trong nước và người lao động".
Đại diện Jason Smith của Đảng Cộng hòa bày tỏ sự lạc quan rằng thuế quan sẽ là một công cụ hiệu quả để hạn chế các hoạt động lạm dụng thương mại đến từ các đối tác của Mỹ.
Ông Smith cho biết: “Những mức thuế quan này tận dụng được sức mạnh của thị trường lớn nhất thế giới - nước Mỹ - để tạo ra sân chơi bình đẳng cho nông dân, nhà sản xuất và công nhân nước này”.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nen-kinh-te-my-se-the-nao-sau-khi-ong-trump-ap-thue-202504031103417.htm
Bình luận (0)