Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, từ xa xưa, Tết Thanh minh đã trở thành ngày lễ Tết quan trọng, có ý nghĩa thiêng liêng trong tâm thức của người dân Việt Nam. Đây là dịp để con cháu bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên, gắn kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình và dòng họ. Trong nhịp sống hiện đại, nét đẹp hiếu nghĩa đó vẫn vẹn nguyên giá trị, được các gia đình Việt giữ gìn và phát huy.
Theo quan niệm của nhiều nước phương Đông, một năm có 24 tiết khí, đánh dấu sự thay đổi thời tiết và sự luân chuyển của các mùa. Thanh minh là tiết thứ năm trong “nhị thập tứ khí”, bắt đầu sau ngày Lập xuân 45 ngày và sau ngày Đông chí 105 ngày. Người xưa chọn ngày đầu tiên của tiết Thanh minh để làm Tết Thanh minh và tiết Thanh minh sẽ kéo dài trong khoảng 15-16 ngày. Theo nghĩa đen, “thanh” là khí trong, còn “minh” là sáng sủa. Khi tiết Xuân phân qua, những cơn mưa bụi của trời xuân đã hết, bầu trời trở nên quang đãng, sáng sủa là sang tiết Thanh Minh. Năm 2025, tiết Thanh minh bắt đầu từ ngày 4/4 và kết thúc vào ngày 19/4 dương lịch, do đó, Tết Thanh minh năm nay rơi vào thứ Sáu, ngày 4/4, tức là ngày 7/3 theo âm lịch.
Trong tâm thức người dân Việt, Tết Thanh minh là dịp để các con cháu tưởng nhớ đến công lao và thể hiện lòng biết ơn, làm tròn bổn phận của con cháu đối với các bậc tiền nhân, những người đi trước thông qua lễ tảo mộ. Người tảo mộ không nhất thiết phải đi đúng ngày khởi đầu của tiết mà có thể chọn bất kỳ ngày nào cũng được, miễn sao vẫn còn trong tiết Thanh minh là được. Công việc chính của tảo mộ là sửa sang các ngôi mộ của tổ tiên sạch sẽ. Khi đi tảo mộ, người ta mang theo xẻng, cuốc để đắp lại nấm mồ cho đầy đặn, làm sạch cỏ dại và những cây hoang mọc trùm lên mộ. Sự nhân văn của người Việt cũng thể hiện trong ngày Tết Thanh minh qua việc sửa sang, quét tước cho những ngôi mộ vô danh hoặc những mộ phần ít người thăm viếng.
Thời điểm này, ở nhiều địa phương trong tỉnh, hoạt động tảo mộ diễn ra nhộn nhịp. Mọi người chuẩn bị lễ vật, thu dọn và thắp hương trước phần mộ người thân. Tại nhiều dòng họ, hoạt động tảo mộ tập thể vào ngày Tết Thanh minh được duy trì đều đặn mỗi năm.
Tại dòng họ Đoàn ở thôn Lạc Dục, xã Hải Thắng (Tiên Lữ), thường vào ngày cuối tuần gần Tết Thanh minh nhất, đại diện các gia đình tập trung đến nghĩa trang dòng họ để cùng dâng lễ, thắp hương tưởng nhớ, tri ân ông bà, tổ tiên và dọn khuôn viên phần mộ. Đây được coi là một ngày giỗ tổ chung của dòng họ, để các thành viên trong dòng tộc có dịp báo hiếu, trả nghĩa, đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục, tạo dựng của cha mẹ, ông bà tổ tiên của mình. Do đó, các con cháu xa quê cũng cố gắng sắp xếp thời gian để trở về tham gia cùng gia đình.
Ông Đoàn Văn Nhương, nguyên quán ở thôn Lạc Dục cho biết: Tôi rời quê hương lên Thành phố Hà Nội làm việc và sinh sống cùng gia đình đã hơn 40 năm. Dù bận rộn với công việc nhưng đã thành nếp, cứ vào dịp Tết Thanh minh, gia đình tôi lại về quê tham gia tảo mộ tại nghĩa trang cùng các thành viên trong dòng họ. Sau khi phần mộ của các bậc tiền nhân được dọn dẹp tươm tất, chúng tôi trở về nhà thờ họ cùng nhau nấu mâm cơm cúng tổ tiên rồi ăn uống sum vầy trong không khí vui vẻ, thân mật.
Ngoài ý nghĩa tưởng nhớ người đã khuất, thể hiện lòng hiếu thảo, Thanh minh còn là dịp gắn kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình hay nhiều gia đình trong một đại gia đình lớn. Mỗi năm, cứ đến dịp Thanh minh là con cháu lại tụ họp về, những người thân trong gia đình cùng nhau chuyện trò, san sẻ vui buồn, giúp đỡ nhau để cùng phát triển. Với ý nghĩa nhân văn và đậm tính giáo dục truyền thống đó, Thanh minh đã được cộng đồng giữ gìn và ngày càng trở thành một trong nét đẹp văn hoá.
Từ sáng sớm, tại nhà thờ dòng họ Phạm ở xã Thuần Hưng (Khoái Châu), con cháu đã về tề tựu đông đủ. Ông Phạm Ngọc Thịnh, trưởng dòng họ Phạm cho biết: Hằng năm cứ đến ngày Tết Thanh minh là gia đình, họ hàng nhà tôi cùng nhau đi tảo mộ. Sau nghi lễ tảo mộ, các thành viên trong họ cùng nhau ăn bữa cơm đoàn viên để mọi người có dịp gặp gỡ, trò chuyện với nhau, tăng thêm tình đoàn kết.
Chị Nguyễn Thị Mai là người con xã Thuần Hưng làm dâu xa quê, Tết Nguyên đán cũng khó về quê do phải lo toan việc gia đình. Chính vì thế nên Thanh minh hằng năm chị đều trở về quê, vừa cùng gia đình tảo mộ ông bà, vừa có thời gian thăm người thân. Chị Mai chia sẻ: Vào thời gian này mỗi năm tôi đều sắp xếp công việc để đưa các con trở về quê cúng Thanh minh. Đối với tôi, Tết Thanh minh không chỉ là dịp thể hiện lòng kính trọng, biết ơn đối với tổ tiên và những người đã khuất mà còn là cơ hội giáo dục con cháu về truyền thống gia đình, vị trí phần mộ của gia tiên và cách thức viếng mộ…
Ngày nay, những nghi thức bài bản của người xưa đã thay đổi ít nhiều để ngày Tết Thanh minh được tổ chức một cách tiết kiệm, phù hợp nhịp sống hiện đại. Dẫu vậy những giá trị văn hóa truyền thống đẹp đẽ này vẫn luôn được người dân Việt giữ gìn, lưu truyền để nhắc nhở thế hệ sau về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Nguồn: https://baohungyen.vn/net-dep-van-hoa-ngay-tet-thanh-minh-3180326.html
Bình luận (0)